Doanh nghiệp Nhà nước này được biết đến là nhà phát triển hạ tầng số một tại Việt Nam.

WTC Gateway – một khu phức hợp trung tâm thương mại tại dự án thành phố mới Bình Dương sẽ có diện tích 170.000m2. Khu phức hợp này khi hoàn thành sẽ trở thành trung tâm thương mại có diện tích lớn nhất Việt Nam hiện nay.

WTC Gateway bao gồm trung tâm mua sắm và trung tâm nghệ thuật – văn hóa – thể thao. Khu phức hợp này sẽ khai trương vào quý 1/2024 và sẽ là ga Metro trung tâm của Thành phố Mới Bình Dương. Nơi đây được kỳ vọng thu hút nhiều hơn nữa các nguồn vốn đầu tư, kinh doanh, công nghệ, nhân tài, chuyên gia trong và ngoài nước. WTC Gateway cũng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc thu hút các nhà bán lẻ, F&B, dịch vụ giải trí,… để cung cấp và nâng cao phong cách sống cho người dân, đồng thời tạo ra môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp địa phương.

Không phải Aeon, Lotte hay Vincom Retail..., một doanh nghiệp Nhà nước chuẩn bị xây trung tâm thương mại lớn nhất Việt Nam, cổ phiếu tăng gần 30% sau 3 tháng- Ảnh 1.

Phác thảo dự án WTC Gateway.

Theo giới thiệu khu phức hợp này được phát triển bởi Becamex IDC (mã chứng khoán: BCM). Becamex IDC được biết đến là “trùm” khu công nghiệp đất Bình Dương, đồng thời cũng là nhà phát triển hạ tầng số một Việt Nam. Doanh nghiệp trực thuộc tỉnh Bình Dương (cổ đông Nhà nước) khi UBND tỉnh sở hữu 95,44% vốn.

Với 7 khu công nghiệp có tổng diện tích hơn 4.700 ha đang trực tiếp vận hành, Becamex IDC là chủ đầu tư khu công nghiệp lớn nhất tại tỉnh Bình Dương với hơn 30% thị phần cấp tỉnh và lớn thứ ba tại Việt Nam với 3,6% thị phần toàn quốc.

Ngoài ra, Becamex IDC còn tham gia liên doanh với doanh nhiệp Singapore để thành lập Công ty Liên doanh Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP, Becamex IDC sở hữu 49% vốn). VSIP là nhà phát triển khu công nghiệp và đô thị tích hợp hàng đầu Việt Nam bao gồm 12 dự án trên cả nước với tổng diện tích hơn 10.000 ha.

Không phải Aeon, Lotte hay Vincom Retail..., một doanh nghiệp Nhà nước chuẩn bị xây trung tâm thương mại lớn nhất Việt Nam, cổ phiếu tăng gần 30% sau 3 tháng- Ảnh 2.

Một khu công nghiệp VSIP của liên danh Việt Nam – Singapore.

Qua gần 50 năm phát triển, Becamex IDC có 23 công ty thành viên hoạt động trong nhiều lĩnh vực như khu công nghiệp, xây dựng, thương mại, bất động sản, dịch vụ, viễn thông, công nghệ thông tin, vật liệu xây dựng, cảng, giáo dục, y tế… Trong đó, nhiều doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn chứng khoán như CTCP Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (mã TDC), Becamex IJC (mã IJC), Becamex ACC (mã ACC), Becamex BCE (mã BCE)…

Trong năm 2023, Becamex IDC đã lập nên một kỷ lục lợi nhuận mới. Đến quý 1/2024, doanh nghiệp này tiếp tục báo kết quả kinh doanh tăng trưởng. Cụ thể, trong quý đầu năm, công ty ghi nhận doanh thu thuần 812 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ. Khấu trừ chi phí, Becamex IDC báo lãi sau thuế 119 tỷ đồng trong quý 1/2024, tăng 60% so với cùng kỳ năm trước đó. Lãi ròng đạt 118 tỷ đồng.

Không phải Aeon, Lotte hay Vincom Retail..., một doanh nghiệp Nhà nước chuẩn bị xây trung tâm thương mại lớn nhất Việt Nam, cổ phiếu tăng gần 30% sau 3 tháng- Ảnh 3.

Tổng tài sản tính đến cuối quý I/2024 đạt 54.069 tỷ đồng, tăng 645 tỷ đồng so với đầu năm. Hàng tồn kho chiểm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tài sản với 38%, tương đương 20.348 tỷ đồng. Công ty hiện có hơn 34.543 tỷ đồng nợ phải trả, tăng gần 600 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.

Một trong những điểm đáng chú ý gần đây của Becamex IDC chính là việc cổ phiếu đang có sự hồi phục mạnh sau đà giảm trong tháng 4. Kết thúc phiên giao dịch ngày 10/7, cổ phiếu BCM đạt mức giá 65.300 đồng/cp, tăng 29% sau 3 tháng. Vốn hóa lúc này đạt 67.585 tỷ đồng.

Không phải Aeon, Lotte hay Vincom Retail..., một doanh nghiệp Nhà nước chuẩn bị xây trung tâm thương mại lớn nhất Việt Nam, cổ phiếu tăng gần 30% sau 3 tháng- Ảnh 4.

Cổ phiếu BCM nổi sóng trong thời gian gần đây trong bối cảnh Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định phê duyệt giảm vốn nhà nước tại Becamex IDC từ 95,44% về 65% đến cuối năm 2025. Đây là cơ sở để cổ đông nhà nước bán vốn và giảm sở hữu tại Becamex IDC.

Đánh giá về động thái muốn giảm sở hữu nhà nước tại Becamex IDC gần đây, SSI Research cho rằng, việc giảm tỷ lệ sở hữu thông qua phát hành tăng vốn điều lệ (cổ đông Nhà nước không tham gia mua) sẽ khả thi hơn và qua đó, Becamex IDC tăng quy mô vốn chủ sở hữu, hạ tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu xuống. Ngoài ra, nhờ có thêm vốn mới, Công ty sẽ bổ sung đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết.

Theo MBS Research, triển vọng của cổ phiếu Becamex IDC đến từ ngành bất động sản khu công nghiệp khởi sắc khi thu hút FDI tích cực hơn nhờ Việt Nam tăng cường hợp tác với Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc cộng thêm các dự án khu công nghiệp lớn được đẩy mạnh đầu tư. Đơn vị phân tích này cũng dự phóng rằng Becamex IDC sẽ có lợi nhuận ròng năm nay đạt 1.198 tỷ đồng, giảm phân nửa so với năm trước, nhưng lợi nhuận 2025 có thể hồi phục mạnh đến 68% lên 2.016 tỷ đồng.