ao động nam đang làm việc cho một công ty, có tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH), vợ anh không tham gia BHXH và vừa sinh em bé thì lao động nam được hưởng những chế độ bảo hiểm nào?

Báo Thời báo VHNT ngày 21/10 đưa thông tin với tiêu đề: “Đóng BHXH lao động nam khi vợ sinh con được hưởng chế độ gì?” cùng nội dung như sau:

Hỏi: H.V.M đang làm việc cho một công ty, có tham gia BHXH từ tháng 8/2020 đến tháng 9/2024. Vợ anh H.V.M không tham gia BHXH và vừa sinh em bé. Anh H.V.M hỏi anh được hưởng những chế độ bảo hiểm nào và khi gửi yêu cầu lên BHXH thì trong thời gian bao lâu sẽ được giải quyết?

Câu trả lời:

Theo BHXH Việt Nam, điều kiện hưởng chế độ thai sản cho nam khi vợ sinh được căn cứ tại Điều 31 Luật BHXH số 58/2014/QH13, Nghị định 115/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

Cụ thể, quy định người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp: Lao động nữ mang thai; Lao động nữ sinh con; Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi;

Ngoài ra còn có người lao động nữ đặt vòng tránh thai, thực hiện các biện pháp triệt sản; Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ; Người lao động nam đang đóng BHXH có vợ sinh con.

Mặt khác, khoản 2 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về việc nam nghỉ chế độ thai sản khi vợ sinh con. Theo đó, lao động nam đang đóng BHXH khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như sau:

Nghỉ việc hưởng chế độ thai sản 5 ngày làm việc; nghỉ 7 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi;

Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày làm việc;

Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.

Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản này được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.

Như vậy, theo quy định nêu trên thì lao động nam đang đóng BHXH có vợ sinh con sẽ được hưởng chế độ thai sản.

Về trợ cấp một lần: Trợ cấp một lần cho người chồng có vợ sinh con được quy định tại Điều 38 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và hướng dẫn chi tiết tại điểm a khoản 2 Điều 9 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 được bổ sung tại điểm c khoản 5 Điều 1 Thông tư số 06/2021/TT-BLĐTBXH ngày 7/7/2021.

Cụ thể như sau: Đối với trường hợp chỉ có cha tham gia BHXH (mẹ không tham gia BHXH hoặc mẹ tham gia BHXH nhưng không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản) thì cha phải đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con thì cha được trợ cấp một lần bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con.

Về thời hạn giải quyết: Tại Điều 102, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về việc giải quyết việc hưởng chế độ thai sản như sau:

Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc, người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ cho người sử dụng lao động.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ theo quy định nộp cho cơ quan BHXH.

Trách nhiệm giải quyết của cơ quan BHXH: Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định từ người sử dụng lao động, cơ quan BHXH phải giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động;

Trường hợp cơ quan BHXH không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Sau thời gian quy định trên, nếu hồ sơ của bạn chưa được giải quyết, đề nghị bạn liên hệ với cơ quan BHXH nơi bạn nộp hồ sơ để kiểm tra, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ (nếu có).

BHXH Việt Nam cung cấp thông tin để anh H.V.M được biết. Anh H.V.M liên hệ Công ty nơi đang làm việc hoặc cơ quan BHXH tại địa phương nơi quản lý thu để được kiểm tra, hỗ trợ trực tiếp.

Trước đó, báo VnExpress ngày 01/07 cũng có bài đăng với thông tin: “Có phải lao động nữ sinh con sau ngày 1/7 được thêm tiền trợ cấp?”. Nội dung được báo đưa như sau:

Nghị quyết kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 15 chính thức thông qua nội dung tăng mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng, từ ngày 1/7/2024. Theo đó, các khoản trợ cấp bảo hiểm xã hội tính theo mức lương cơ sở sẽ tăng kể từ thời điểm này, trong đó có chế độ dành cho lao động nữ sinh con.

Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định lao động nữ sinh con được hưởng chế độ thai sản bao gồm:

– Tiền hưởng chế độ thai sản = 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản x 6 tháng.

– Trợ cấp một lần khi sinh con = 2 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con.

Kết thúc thời gian nghỉ thai sản, trong vòng 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì lao động nữ được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 5 đến 10 ngày tùy trường hợp, cụ thể như sau:

– Tối đa 10 ngày đối với lao động nữ sinh một lần từ hai con trở lên;

– Tối đa 7 ngày đối với lao động nữ sinh con phải phẫu thuật;

– Tối đa 5 ngày đối với các trường hợp khác.

Lưu ý: Số ngày nghỉ hưởng chế độ này do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở quyết định nhưng không được vượt quá quy định nêu trên. Mỗi ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản được nhận 30% mức lương cơ sở.

Như vậy, lao động nữ sinh con từ sau ngày 1/7/2024 được nhận thêm tiền, bao gồm các khoản trợ cấp một lần khi sinh con và chế độ nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản.

Để giúp bạn đọc dễ hiểu về khoản tiền được nhận thêm nếu sinh con từ sau ngày 1/7/2024, dưới đây là ví dụ minh họa:

Trường hợp 1: Chị Phương sinh một con vào ngày 28/12/2023 theo phương pháp sinh thường. Mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng trước khi nghỉ sinh con của chị là 7 triệu đồng. Vì vậy, chế độ thai sản khi sinh con của Phương được tính như sau:

– Tiền hưởng chế độ thai sản = 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản x 6 tháng = 7 triệu đồng x 06 tháng = 42 triệu đồng.

– Trợ cấp một lần khi sinh con = 2 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con = 2 x 1,8 triệu đồng = 3,6 triệu đồng

Tổng cộng, chị Phương được nhận 45,6 triệu đồng tiền hưởng chế độ thai sản.

Sau 6 tháng nghỉ thai sản, nếu chị Phương cảm thấy sức khỏe chưa thể phục hồi thì có thể đề nghị nghỉ hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản với thời gian nghỉ tối đa là 5 ngày.

Số tiền hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản = 5 ngày x 30% x 1,8 triệu đồng = 2,7 triệu đồng.

Trường hợp 2: Chị Tâm dự kiến sinh con vào ngày 10/7/2024 theo phương pháp sinh thường. Mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng trước khi nghỉ sinh con của chị Tâm là 7 triệu đồng. Chế độ thai sản khi sinh con của chị Tâm được tính như sau:

– Tiền hưởng chế độ thai sản = 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản x 6 tháng = 7 triệu đồng x 6 tháng = 42 triệu đồng.

– Trợ cấp một lần khi sinh con = 2 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con = 2 x 2,34 triệu đồng = 4,68 triệu đồng.

Tổng cộng, chị Tâm sẽ được nhận 46,68 triệu đồng tiền hưởng chế độ thai sản.

Tương tự với trường hợp của chị Phương, sau khi kết thúc 6 tháng nghỉ hưởng chế độ thai sản, nếu chị Tâm vẫn chưa thể phục hồi sức khỏe thì có thể đề nghị được nghỉ hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản với thời gian tối đa 5 ngày.

Số tiền hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản = 5 ngày x 30% x 2,34 triệu đồng = 3,51 triệu đồng.