Gần chục năm lái taxi tại Hà Nội, anh Nguyễn Hoài Nam chia sẻ nghiệp “lấy đường làm bạn, lấy xe là nhà” như các anh luôn phải đối mặt với những chuyện “cười ra nước mắt”. Anh Nam kể, cách đây chừng hai tháng, anh chở một sản phụ đi ra từ bệnh viên trên đường Đê La Thành, tay ôm đứa trẻ còn đỏ hỏn về Đông Anh, Hà Nội.
Nhiều sự cố đến từ khách hàng khiến cánh lái xe taxi dở khóc dở cười. Ảnh minh họa.
Thấy lạ khi gặp người phụ nữ tay xách nách mang bế em bé đỏ hỏn, nhưng với quan niệm, “khách hàng là thượng đế” nên anh vẫn làm theo yêu cầu. Đến đoạn đường vắng tại chân cầu Thăng Long, người phụ nữ bất ngờ đòi xuống xe đi vệ sinh. Chờ gần một giờ đồng hồ, anh vẫn không thấy chị khách hàng quay lại. Đứa trẻ trên xe thì khóc ngày một dữ khiến anh không biết phải xoay sở ra sao.
“Chưa từng có con nên tôi cũng không biết dỗ cháu thế nào, bỏ xe, bỏ đứa trẻ ở chỗ vắng để đi tìm cô khách cũng không dám, mà đánh xe đi thì cũng sợ nhỡ lát nữa chị ý quay lại nên lúc đó tôi cứ cuống cả lên”, anh Nam chia sẻ. Sau khi chờ thêm hơn một giờ đồng hồ nữa, anh Nam đành đưa đứa bé vào một trại trẻ mồ côi gần đó.
Làm việc cho một hãng taxi khác, anh Vũ Quang Long cũng từng bị khách “qua mặt”, lừa cả tiền đi xe và điện thoại ngay giữa ban ngày. Anh Long chia sẻ, chuyện cánh tài xế taxi bị quỵt tiền không chỉ xảy ra lúc nửa đêm với khách xay sỉn như mọi người thường nghĩ. Lần đó, anh được một người trông rất lịch sự, ôm theo một túi tiền lớn, đi ra từ ngân hàng, yêu cầu chở đến khu Cầu Gỗ, Hà Nội.
Đến nơi, vị khách dừng trước một hẻm nhỏ rồi thốt lên mất ví, mất điện thoại từ lúc nào không hay, giở bọc tiền ra thì cả xấp đều là tờ 100 đôla. Người khách ngỏ ý mượn anh Long điện thoại để gọi bạn ra trả tiền taxi. Thấy số tiền để lại trên xe lớn, ngõ lại là ngõ cụt nên anh Nam cũng không lăn tăn mà cho mượn ngay. Nào ngờ, vị khách một đi không trở lại.
Tuấn Anh, cậu thanh niên quê Bắc Giang, lên Hà Nội vào nghề taxi chưa được bao lâu đã tính chuyện bỏ của chạy lấy người. Chuyện là buổi tối cách đây một tháng, Tuấn Anh chở một mệnh phụ phu nhân sang trọng. Nào ngờ, lên xe, chị này liên tục buông ra những lời lả lơi, bóng gió. Thấy Tuấn Anh vẫn im lặng, vị khách nữ còn chủ động cầm tay cậu.
Sợ hãi và ngạc nhiên khi lần đầu chứng kiến phụ nữ như vậy, cậu đành dừng xe, giả vờ đau bụng, nói không thể lái tiếp, mong khách thông cảm và bắt xe khác. Cậu chia sẻ, nghề này nguy hiểm với cả hai giới chứ không chỉ phái đẹp mới bị lợi dụng như mọi người vẫn nghĩ.
Những chuyện rắc rối khác như chở nhầm dân buôn lậu, dọc đường bị công an bắt giữ hay gặp khách xay xin, thuê xe đi đâm, chém… không còn xa lạ với dân tài xế taxi lâu năm. “Mỗi lần như vậy, lành ít, dữ nhiều, nhẹ thì bị quỵt tiền, mất vài ba ngày nghỉ mưu sinh để phối hợp với công an điều tra, nặng thì mất tiền triệu sửa xe, thậm chí sứt đầu mẻ trán nếu không may gặp cảnh đánh nhau”, một nhân viên lái taxi chia sẻ.
Theo anh, nghề rong ruổi dọc đường này nếu chăm chỉ cũng có thể kiếm đến vài chục triệu mỗi tháng. Nhưng đổi lại cũng phải đối mặt với rất nhiều nguy hiểm, nặng nề hơn còn là định kiến của một bộ phận xã hội. Cô em gái kết nghĩa của anh đã 27 tuổi, xinh xắn, ngoan ngoãn, từng có bao nhiêu người theo đuổi nhưng chẳng gia đình nào ưng thuận chỉ bởi “cái nghề tiếp xúc với trăm hạng người, lấy đường làm nhà thì không hư mới lạ”, anh chua xót nói.
Ông An Vũ Lâm, phụ trách công tác điều xe của một hãng taxi lớn cho biết với mỗi “tân binh”, ông luôn phải chỉ bảo kỹ, căn dặn những tình huống có thể xảy ra cùng biện pháp đối phó. Dù vậy vẫn có rất nhiều tình huống bất ngờ mà được cánh xế gọi vui là “học phí”, phải trải qua rồi mới có thể rút kinh nghiệm.