Các doanh nghiệp của Vietnam Airlines trúng thầu nhiều dự án phụ trợ tại sân bay Long Thành. Hãng bay Vietjet cố gắng tham gia nhiều hạng mục nhưng đều bị loại.
Trong bối cảnh Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) đang chạy đua hoàn thành công trình nhà ga sân bay Long Thành, các doanh nghiệp hàng không của Việt Nam cũng trải qua một cuộc đua khác – cuộc đua giành quyền đầu tư hạ tầng phụ trợ gồm cơ sở sửa chữa máy bay (hangar), dịch vụ cung cấp suất ăn, dịch vụ mặt đất…
Mới đây, sau khi Bộ GTVT phê duyệt các nhà đầu tư thắng thầu, Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines (VNA) hiện lên như một ứng viên thắng lớn trong việc giành quyền đầu tư các dịch vụ hậu cần hàng không.
VNA sẽ có 2 hangar tại sân bay Long Thành
Trong số các hạng mục thuộc dự án thành phần 4 được Cục Hàng không mời thầu, đáng chú ý nhất là 2 khu sửa chữa tàu bay (hangar bảo dưỡng) số 1 và số 4 tại sân bay Long Thành. Đây là “miếng bánh” mà các hãng bay đều muốn có để tự chủ khâu bảo dưỡng, sửa chữa và tiết giảm chi phí vận hành.
Ngày 11/10, Cục Hàng không đã phát hành hồ sơ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trong nước với dự án hangar bảo dưỡng số 1 và số 4. Hai dự án này nhận được hồ sơ dự thầu của Vaeco (doanh nghiệp sửa chữa máy bay thuộc Vietnam Airlines) và hãng hàng không Vietjet.
Theo kết quả chấm thầu của Cục Hàng không và quyết định chính thức của Bộ GTVT, Vaeco đã vượt qua Vietjet để trở thành nhà đầu tư của cả 2 dự án hangar số 1 và 4.
Kết quả này không bất ngờ bởi Vaeco có nền tảng kinh nghiệm và năng lực mạnh trong lĩnh vực bảo dưỡng máy bay tại Việt Nam. Tuy nhiên, nó cũng cho thấy tình cảnh “thất thế” của hãng bay tư nhân so với hãng hàng không quốc gia trong khâu bảo dưỡng, sửa chữa máy bay.
Trong bối cảnh 4 hãng hàng không đang cạnh tranh thị phần gồm Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo và Vietravel, Vietnam Airlines hiện là hãng bay duy nhất sở hữu các hangar bảo trì máy bay tại Việt Nam (gồm 6 hangar ở Nội Bài và Tân Sơn Nhất).
Tại hạng mục đấu thầu dịch vụ bảo dưỡng trang thiết bị hàng không và phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất số 1 và số 2, Vietjet cũng “rải hồ sơ” nhưng thất bại. Công ty Viags (doanh nghiệp dịch vụ mặt đất của Vietnam Airlines) thắng thầu dự án số 1 và Liên danh SAGS – HGS thắng thầu dự án số 2.
Đối với dự án cung cấp dịch vụ suất ăn trên tàu bay số 1 và số 2, Công ty dịch vụ suất ăn hàng không (VINACS) đã vượt qua 4 đối thủ cạnh tranh để giành quyền đầu tư cả 2 dự án.
Chỉ có 1 năm để thi công
Thời gian qua, Cục Hàng không Việt Nam chịu áp lực lớn khi được Bộ GTVT giao tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án thành phần 4 sân bay Long Thành nhưng triển khai chậm.
Theo giải thích của Cục, việc xác định khoản tiền nhà đầu tư nộp cho nhà nước để được nhượng quyền đầu tư kinh doanh là khâu tốn thời gian nhất, phải xây dựng các quy định mới để tháo gỡ vướng mắc.
Hạng mục nhà ga, đường băng và công trình dịch vụ mặt đất của sân bay Long Thành phải cùng về đích để khai thác đồng bộ (Ảnh minh họa: Phước Tuần).
Để đảm bảo tiến độ, Cục yêu cầu các nhà đầu tư của 6 dự án phải cam kết đảm bảo cung cấp dịch vụ hàng không từ ngày 1/1/2026. Như vậy, các nhà đầu tư chỉ có 1 năm để triển khai thi công và hoàn thiện cơ sở dịch vụ tại sân bay.
Trước đó, nhiệm vụ triển khai dự án thành phần 4 được đặt ra từ năm 2021, cùng với sự kiện khởi công dự án thành phần 3 (nhà ga và đường băng) của sân bay. Tuy nhiên, phải mất gần 4 năm, dự án mới chọn được nhà đầu tư cho các hạng mục chính.
Vấn đề chậm tiến độ của dự án thành phần 4 là trăn trở thường trực của lãnh đạo Chính phủ. Tại các cuộc họp của Tổ công tác dự án sân bay Long Thành, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nhiều lần yêu cầu Bộ GTVT đẩy nhanh tiến độ, không được để dự án thành phần 4 kéo lùi tiến độ khai thác sân bay.
Dự án thành phần 4 sân bay Long Thành bao gồm 11 dự án nhỏ:
– Dự án đầu tư, khai thác khu bảo trì phương tiện phục vụ mặt đất và xử lý vệ sinh tàu bay số 1, số 2 (2 dự án).
– Dự án đầu tư khu cung cấp suất ăn trên tàu bay số 1, số 2 (2 dự án).
– Dự án Trung tâm điều hành của các hãng hàng không số 1, số 2, số 3 (3 dự án)
– Dự án hangar bảo trì tàu bay số 1, số 2, số 3, số 4 (4 dự án).
Với kết quả đấu thầu hiện tại, Vietnam Airlines đang đứng trước cơ hội làm chủ 2 hangar số 1 và số 4 tại sân bay Long Thành.
Chưa dừng ở đó, hãng hàng không quốc gia đang tiếp tục đề xuất được giao làm nhà đầu tư hangar số 2 và 3, đồng nghĩa với việc nắm toàn bộ 4 hangar của dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1.