Dự kiến sẽ có 3 hạng vé đối với dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam phù hợp với khả năng chi trả của hành khách.

Chính phủ đã có tờ trình gửi Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam. Dự kiến Quốc hội sẽ nghe tờ trình vào ngày 13/11, thảo luận tại hội trường vào 20/11.

Theo tính toán, việc đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc Nam tạo ra thị trường xây dựng giá trị khoảng 33,5 tỷ USD. Nếu tính cả hệ thống đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị sẽ tạo ra thị trường xây dựng 75,6 tỷ USD. Trong đó sản xuất phương tiện, thiết bị 34,1 tỷ USD (đầu máy, toa xe 9,8 tỷ USD; hệ thống thông tin tín hiệu và thiết bị khác 24,3 tỷ USD).

Theo Bộ Giao thông Vận tải, giá vé đường sắt cao tốc sẽ được tính toán sao cho người dân có thể tiếp cận dễ dàng, đồng thời đảm bảo tính hấp dẫn và khả năng cạnh tranh với các phương tiện vận tải khác. Giá vé dự kiến chỉ bằng 60-70% giá vé máy bay của hai hãng hàng không lớn hiện nay, là Vietnam Airlines và VietJet Air.

Để tăng khả năng tiếp cận, giá vé sẽ chia thành ba hạng. Cụ thể, theo tính toán của các chuyên gia, giá vé hạng nhất là 0,187 USD/km (khoang VIP với ít điểm dừng), hạng hai là 0,078 USD/km, và hạng ba là 0,047 USD/km. Như vậy, hành khách đi tuyến Hà Nội – TP.HCM sẽ trả khoảng 7,34 triệu đồng cho hạng nhất, 3,05 triệu đồng cho hạng hai, và 1,83 triệu đồng cho hạng ba.

Khi so với các hình thức di chuyển hiện nay, giá vé đường sắt cao tốc Bắc – Nam có tính cạnh tranh đáng kể. Cụ thể, vé hạng nhất của tàu Thống Nhất hiện nay chỉ khoảng 1,5 triệu đồng, thấp hơn nhiều so với giá vé dự kiến của đường sắt cao tốc. Đối với phương tiện đường bộ, giá vé tuyến Hà Nội – TP.HCM cũng chỉ khoảng 1,1 triệu đồng, nhưng người dân sẽ phải đi thời gian dài hơn.

Mức giá này cũng tương đồng với các nước có hệ thống đường sắt tốc độ cao. Ví dụ, tại Trung Quốc, tuyến Bắc Kinh – Thượng Hải có vé phổ thông từ 1,97 triệu đến 2,4 triệu đồng, còn tuyến Nam Cảng – Tả Doanh tại Đài Loan dao động từ 1,2 triệu đến 1,97 triệu đồng tùy hạng vé.

Siêu dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam 70 tỷ USD: Giá vé ‘cơ bản hợp lý’, thấp hơn hàng không, cao hơn đường bộ

Đề xuất đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam của Bộ Giao thông vận tải: Đồ họa: TẤN ĐẠT

Trong báo cáo mới đây của Bộ Giao thông Vận tải cũng nêu, Việt Nam phấn đấu hoàn thành đầu tư toàn tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam trong năm 2035.

Dự án này, không chỉ tạo cú hích phát triển kinh tế – xã hội mà còn mở ra cơ hội để tiếp nhận, chuyển giao, làm chủ công nghệ và phát triển công nghiệp đường sắt; tạo đột phá cho phát triển phát triển công nghiệp hỗ trợ đối với lĩnh vực cơ khí, chế tạo, tự động hóa, ngành thép…

“Ngoài việc nắm bắt, làm chủ toàn bộ công tác vận hành, bảo trì và từng bước sản xuất một số linh kiện, phụ tùng thay thế đối với đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, dự án đường sắt tốc độ cao sẽ là cơ hội không thể tốt hơn cho ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam có bước chuyển mình mạnh mẽ”- báo cáo nhấn mạnh.

Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam sẽ bắt đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội) và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TP.HCM), chiều dài tuyến khoảng 1.541 km, đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố.

Dự án được đầu tư xây dựng mới với quy mô đường sắt đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350 km/h và tải trọng 22,5 tấn/trục. Công trình này được thiết kế chủ yếu để vận chuyển hành khách, nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, và có thể vận chuyển hàng hóa khi cần thiết.

Phương án đầu tư công là đề xuất chính thức cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, với tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 1.713.548 tỷ đồng (tương đương 67,34 tỷ USD).