Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM Nguyễn Ngọc Hòa cho rằng doanh nghiệp đã có đơn hàng ổn định đến đầu năm 2025, nhưng tuyển dụng lao động đang rất khó khăn do lao động đã về quê không trở lại TP.HCM

Lao động 'bỏ phố về quê', doanh nghiệp có đơn hàng nhưng không tuyển được người  - Ảnh 1.

Phiên họp kinh tế – xã hội thường kỳ tháng 10 của UBND TP.HCM – Ảnh: TTBC

Sáng 31-10, UBND TP.HCM tổ chức phiên họp kinh tế – xã hội thường kỳ tháng 10. Theo báo cáo của Cục Thống kế TP.HCM, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn TP.HCM tiếp tục đà tăng trưởng tích cực. IIP tháng 10 tăng 8,9% so với cùng kỳ và 10 tháng năm 2024 tăng 6,9%.

Thu ngân sách nhà nước trong 10 tháng ước tăng 10% so với cùng kỳ. Trong đó thu từ các khu vực kinh tế đều tăng khá góp phần thu nội địa tăng 16% và đặc biệt thu từ xuất nhập khẩu đã tăng 1%.

Không chỉ lao động, doanh nghiệp cũng bớt “mặn mà” với TP.HCM

Tuy nhiên, một chỉ số đáng chú ý là doanh nghiệp thành lập mới trong 10 tháng giảm 1,2% và vốn giảm 16,8% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp tham gia vào thị trường tăng 2,4% nhưng số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 6,5% so với cùng kỳ.

Tại phiên họp, ông Nguyễn Ngọc Hòa – chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM – cho biết tín hiệu đáng mừng là doanh nghiệp đã có đơn hàng ổn định đến đầu năm 2025, tuy nhiên tình hình sản xuất lại gặp nhiều rào cản như bị ép giá, hàng hóa muốn xuất khẩu phải đạt tiêu chí về xanh và tiêu chí số.

Đây là áp lực lớn với cộng đồng doanh nghiệp TP.HCM chủ yếu nhỏ và vừa, còn nhiều lúng túng trong chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.

Lao động 'bỏ phố về quê', doanh nghiệp có đơn hàng nhưng không tuyển được người  - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa – chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM – nêu ý kiến tại phiên họp – Ảnh: TTBC

Bên cạnh đó, đơn hàng trở lại nhưng doanh nghiệp đang rất khó khăn trong tuyển dụng lao động.

Qua thông tin báo chí, đây là lần đầu tiên TP.HCM có lượng người nhập cư giảm, ảnh hưởng đến nguồn lao động. Qua đợt dịch vừa rồi, nguồn lao động trở về địa phương và không trở lại nữa.

Về vấn đề này, khi phát biểu kết luận, ông Nguyễn Văn Dũng – phó chủ tịch UBND TP.HCM – cho rằng từ trước đến nay, TP.HCM luôn là đô thị thu hút cộng đồng doanh nghiệp đến làm ăn. Nhưng hiện doanh nghiệp thành lập mới và vốn đăng ký tại TP.HCM lại giảm.

Ông Dũng đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các sở ngành quan tâm, có đánh giá về chỉ số này.

“Tại sao cộng đồng doanh nghiệp lại không muốn đến TP nữa, đặc biệt là việc doanh nghiệp rút khỏi thị trường của TP.HCM đang tăng lên. Sở Kế hoạch và Đầu tư cần có đánh giá, báo cáo UBND TP.HCM để tìm nguyên nhân. Trong đó có nguyên nhân nào liên quan đến thủ tục hành chính hay về đất đai, giá cả hay không?”, ông Dũng đặt vấn đề.

Trước đó, Tuổi Trẻ có tuyến bài: “Lao động bỏ phố về quê”, phản ánh những năm sau dịch, lao động trở lại các đô thị không nhiều, trong đó số liệu thống kê năm 2023 cho thấy tỉ lệ người nhập cư TP.HCM chỉ tăng 0,67%, tương ứng khoảng 65.000 người (trong khi trước đó khoảng từ 200.000 – 250.000 người).

Lần đầu tiên TP.HCM và một số tỉnh, thành Đông Nam Bộ không còn được xem là “miền đất hứa” khi ngày càng có nhiều khu công nghiệp ở nhiều địa phương mọc lên.

Người lao động có xu hướng chọn làm việc gần nhà để giảm chi phí ăn uống, sinh hoạt, nhà trọ… Thực trạng này khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu hụt nhân lực, nhiều địa phương đang tích cực đưa ra các chính sách nhằm giữ chân lao động.

Giải ngân đầu tư công chỉ đạt 21,8%

Lao động 'bỏ phố về quê', doanh nghiệp có đơn hàng nhưng không tuyển được người  - Ảnh 3.

Ông Bùi Xuân Cường – phó chủ tịch UBND TP.HCM – phát biểu tại phiên họp – Ảnh: TTBC

10 tháng đầu năm, TP.HCM chỉ giải ngân đạt 21,8% kế hoạch vốn đầu tư công. Về vấn đề này, ông Bùi Xuân Cường – phó chủ tịch UBND TP.HCM – cho biết thời gian qua, TP.HCM đã tháo gỡ các quy định còn vướng mắc ảnh hưởng lớn đến đầu tư công như thủ tục đánh giá tác động môi trường, quy hoạch không gian ngầm, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật…

Những vướng mắc này cơ bản đã được tháo gỡ, ông Cường đề nghị các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.

Bên cạnh đó, các dự án trọng điểm cũng đã tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Trong đó, dự án rạch Xuyên Tâm và bờ bắc kênh Đôi sau khi tăng vốn thì chiếm khoảng 17% kế hoạch vốn.

Hiện các dự án đang trình phê duyệt dự án, dự án bờ bắc kênh Đôi chậm nhất ngày 5-11 sẽ được duyệt và dự án rạch Xuyên Tâm chậm nhất là ngày 10-11.

Ngoài ra, Thường trực UBND TP.HCM cũng đã trực tiếp khảo sát, tháo gỡ những vướng mắc các dự án trọng điểm. Cơ bản các vướng mắc của các dự án này không lớn, cần khẩn trương tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án.

Theo ông Cường, chỉ tiêu giải ngân hoàn toàn kiểm soát được nếu các đơn vị quyết tâm thực hiện.

Đề xuất lập thêm 3 ban tại TP.HCM

Tại phiên họp, ông Võ Ngọc Quốc Thuận – giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM – cho biết Sở Nội vụ đang tham mưu UBND TP.HCM trình Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM và Ban Thường vụ Thành ủy TP cho chủ trương lập 3 ban quản lý mới.

Cụ thể gồm Ban Quản lý TOD cho tuyến metro 1, 2 và vành đai 3; Ban Quản lý các dự án các công trình giao thông theo nghị quyết 98 và Ban Quản lý các dự án lĩnh vực văn hóa – xã hội theo hình thức PPP.