Hệ thống đường sắt tốc độ cao có tính cạnh tranh cao nếu so sánh với các phương thức vận tải khác dành cho hành trình cự ly trung bình từ 160km đến 970 km.

Tại Toạ đàm “Đường sắt tốc độ cao – Thời cơ và thách thức”, Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Hoàng Gia Khánh cho biết: “Phải khẳng định, vận tải đường sắt là phương thức giao thông quan trọng. So với hình thức khác, đường sắt có lợi thế vận tải hàng hóa lớn, hiệu suất cao, đặc biệt là độ an toàn, chi phí trung bình”.

Theo ông Khánh, dự báo nhu cầu vận tải hàng hóa đến 2050 tuyến Bắc – Nam là hơn 18,2 triệu tấn/năm, với 122,7 triệu lượt khách. Do vậy việc đáp ứng vận tải hàng hóa, hành khách thì ngoài đầu tư đường sắt tốc độ cao, ta vẫn tiếp tục nâng cấp đường sắt hiện hữu phục vụ vận tải hàng hóa chuyên ngành như hàng nặng, khí hóa lỏng, xăng dầu, khí LNG…  Còn đường sắt tốc độ cao tập trung cho vận tải hành khách và vận tải hàng hóa khi có nhu cầu.

Vận tải đường sắt tốc độ cao, khi hình thành, sẽ đóng vai trò quan trọng, đồng bộ kết nối 5 phương thức chính: Đường bộ, đường sắt, hàng hải, hàng không, đường thủy nội địa, theo trục Bắc – Nam.

Điều này không chỉ tận dụng thế mạnh từng phương thức mà còn tối ưu hóa hệ thống vận chuyển, giảm chi phí logistics, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Khi phương thức vận tải hàng hóa linh hoạt nhanh chóng, tiết kiệm chi phí, sẽ góp phần phát triển kinh tế xã hội.

Điểm mạnh của đường sắt tốc độ cao là độ an toàn cao như ở Nhật Shinkansen xây dựng từ năm 1964 nhưng chưa có vụ tai nạn nào xảy ra, các nước thế giới cũng vậy.

Thứ hai là thời gian đi lại được xác định chính xác từng phút. Thứ ba là tiện lợi thoải mái, hành khách đi trên tàu này có không gian rộng rãi, di chuyển trên tàu dễ dàng.

Ngoài ra, các nhà ga đặt ở các khu trung tâm, khu phát triển dân số đông cũng tạo thuận lợi cho hành khách đi lại so với các hình thức giao thông khác. Bên cạnh đó, đường sắt này điện khí hóa, thân thiện với môi trường.

Năng lực chuyên chở

Theo báo cáo của Hiệp hội Đường sắt tốc độ cao của Mỹ, loại hình đường sắt tốc độ cao có năng lực vận tải rất lớn. Chỉ tính riêng vận chuyển hành khách, một tuyến đường sắt tốc độ cao (đường đôi) có năng lực vận chuyển tới 20.000 hành khách/giờ (bằng năng lực vận chuyển của đường bộ tốc độ cao 10 lần + 2 sân bay hoặc đường bộ tốc độ cao 20 làn xe) mà không bị ùn tắc giao thông hoặc chậm giờ.

Hơn thế, loại hình này lại ít chiếm dụng đất so với đường bộ cao tốc nhiều lần, nhất là trong bối cảnh Việt Nam dự kiến xây dựng 60% cầu cạn trên tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.

Hiệp hội Đường sắt tốc độ cao của Mỹ lấy ví dụ rằng chiều rộng chiếm dụng của 1 tuyến đường sắt tốc độ cao (đường đôi) là 35–45m trong khi đó 1 tuyến đường bộ cao tốc 20 làn xe có năng lực vận chuyển tương đương chiếm dụng tới là 120m-140m.

Năng lực vận chuyển của 1 đoàn tàu đường sắt tốc độ cao chở khách 8 toa (trên 600 hành khách) tương đương 390 xe ô tô cá nhân (trung bình mỗi xe ô tô cá nhân trên đường vận chuyển 1,7 người).

Đường sắt tốc độ cao 67 tỷ USD sẽ có hàng trăm triệu khách, 'bỏ xa' máy bay, ôtô trong tương lai? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa 3 loại hình vận tải đường sắt tốc độ cao, máy bay, đường bộ bằng AI ChatGPT

Bảo vệ môi trường

Trong buổi trao đổi với báo chí về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam diễn ra đầu tháng 10/2024, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) nhấn mạnh: “Tàu chạy đường sắt cao tốc sử dụng năng lượng điện là một trong các giải pháp tối ưu chuyển đổi phương thức vận tải trong bối cảnh Việt Nam đang ưu tiên phát triển nền kinh tế các-bon thấp, đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 như cam kết tại Hội nghị COP26″.

Trong báo cáo của Bộ GTVT đã chỉ ra theo nghiên cứu của Hiệp hội Đường sắt thế giới, đường sắt cao tốc là phương tiện vận tải bền vững và an toàn.

Đường sắt tốc độ cao phát thải CO2 thấp hơn máy bay tối thiểu 8,5 lần, thấp hơn ô tô 3,7 lần. Đến năm 2040, Việt Nam ước tính sẽ tiết kiệm khoảng 67 triệu USD chi phí do giảm phát thải CO2 và đến năm 2050, con số này lên tới 172 triệu USD.

Các nhà nghiên cứu thế giới đã lấy chặng Toulouse – Paris (Pháp) làm ví dụ. Đây là tuyến đường hàng không sôi động nhất nước Pháp với 3,2 triệu lượt hành khách vào năm 2019 và cũng có một tuyến đường sắt tốc độ cao TGV. So sánh cho thấy một hành khách bay chặng này phát thải CO2 gấp 56 lần so với hành khách đó đi tàu TGV.

Giá vé trung bình

Đối với vận tải hành khách, cự ly ngắn dưới 150km ưu thế thuộc về đường bộ; cự ly trung bình 160km-970km ưu thế thuộc về ĐSTĐC cự ly dài trên 970km ưu thế thuộc về hàng không là chủ yếu. Giá vé đường sắt tốc độ cao trên thế giới đối với các chặng từ 970 km trở lên cao hơn giá vé máy bay, thời gian đi lại cũng lâu hơn máy bay nên kém hấp dẫn và không cạnh tranh với ngành hàng không.

Tại dự thảo tờ trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, để phù hợp với khả năng chi trả, thu hút hành khách, vé đường sắt tốc độ cao chia làm 3 mức giá tương ứng với các đối tượng, mức độ tiện nghi khác nhau.

Hiện mức này được đưa ra dựa trên cơ sở tham khảo giá vé bình quân của VietnamAirlines và Vietjet – hai hãng hàng không có thị phần lớn nhất trong nước. Trong đó, mỗi km vé hạng nhất dự kiến là 0,18 USD (~4.471 VND), hạng hai 0,074 USD (~1.838 VND) và hạng ba là 0,044 USD (~1.093 VND).

Như vậy, tính trên chặng Hà Nội – TP HCM, vé hạng nhất khoảng 6,9 triệu; hạng hai là 2,9 triệu và hạng ba là 1,7 triệu đồng. Trung bình trên mỗi km, giá vé đường sắt cao tốc Bắc – Nam được đánh giá là cạnh tranh và hợp lý so với các loại hình vận tải khác.

Đường sắt tốc độ cao 67 tỷ USD sẽ có hàng trăm triệu khách, 'bỏ xa' máy bay, ôtô trong tương lai? - Ảnh 2.

Ảnh minh họa bằng AI ChatGPT

Tiết kiệm thời gian

Một trong những điểm mạnh nổi bật của đường sắt tốc độ cao là khả năng kết nối nhanh chóng giữa các thành phố lớn trong khoảng cách trung bình (200-800 km).  Một đoàn tàu của đường sắt tốc độ cao có năng lực vận chuyển 1200 hành khách (chỉ mất 5 phút cho việc xếp tải và khởi hành), bằng 9 chuyến bay (mất 1 giờ xếp tải, di chuyển ra đường băng và cất cánh).

Ngoài thời gian xếp tải, di chuyển ra đường băng và cất cánh, hành khách đi máy bay còn phải mất thời gian check in, kiểm tra an ninh, soát vé, lên tàu và chờ đợi. Tính trung bình 1 chặng bay Hà Nội – TP.HCM 2,5 tiếng, hành khách còn mất thêm khoảng 4 tiếng cho các thủ tục khác.

Tổng thời gian di chuyển bằng máy bay chặng này vào khoảng 6,5 tiếng. Trong khi đó, tàu tốc độ cao chạy với tốc độ 350km/h thì từ Hà Nội vào đến TP.HCM chỉ mất khoảng 5h30 phút, không mất nhiều thời gian check in, kiểm tra an ninh như máy bay.

Nếu tính trên các chặng ngắn hơn như Hà Nội – Vinh, tàu tốc độ cao còn ưu việt hơn nữa. Chặng này dự kiến đường sắt tốc độ cao chạy hết 1,8 tiếng trong khi với máy bay, hành khách sẽ tốn khoảng 3 tiếng cho tất cả các thủ tục.

Còn đường sắt hiện giờ đang chạy từ Hà Nội vào đến TP.HCM khoảng 34 tiếng, xe khách khoảng 30 tiếng. Như vậy là đường sắt tốc độ cao nhanh hơn từ 5-6 lần so với tàu hoả và ô tô khách hiện nay.

Yếu tố an toàn

Tính an toàn của đường sắt tốc độ cao có thể coi là vượt trội so với hầu hết các phương thức giao thông khác nhờ tỷ lệ tai nạn cực thấp, hệ thống kiểm soát tự động hóa cao và ít chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố thời tiết hoặc ngoại cảnh.

Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tai nạn giao thông đường bộ gây tử vong cho khoảng 1,35 triệu người mỗi năm trên toàn thế giới. Trong khi đó, tỷ lệ tử vong trên các hệ thống đường sắt tốc độ cao trên thế giới gần như bằng 0 hoặc cực kỳ thấp.

Như Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Hoàng Gia Khánh cho biết, điểm mạnh của đường sắt tốc độ cao là độ an toàn cao như ở Nhật Shinkansen xây dựng từ năm 1964 nhưng chưa có vụ tai nạn nào xảy ra, các nước thế giới cũng vậy.

Theo một báo cáo từ Ủy ban An toàn Đường sắt Quốc gia Pháp, tỷ lệ tử vong khi sử dụng tàu cao tốc TGV ở nước này là 0,1 người trên mỗi tỷ km. Điều này cho thấy TGV an toàn hơn gấp nhiều lần so với phương tiện giao thông khác.

Đường sắt tốc độ cao 67 tỷ USD sẽ có hàng trăm triệu khách, 'bỏ xa' máy bay, ôtô trong tương lai? - Ảnh 4.

Ảnh minh họa 2 loại hình vận tải đường sắt tốc độ cao và đường bộ bằng AI ChatGPT

Hay tại Trung Quốc, từ năm 2008, khi tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên ra đời, Trung Quốc đã ghi nhận vài sự cố nhỏ, nhưng tỷ lệ tai nạn của đường sắt tốc độ cao Trung Quốc gần như bằng 0 trong suốt quá trình vận hành.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam là một trong những dự án hạ tầng trọng điểm đang được tích cực xúc tiến triển khai ở Việt Nam. Dự án đã được Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất chủ trương đầu tư, hiện đang chờ Quốc hội xem xét, thông qua vào ngày 30/11 tới đây.

Công trình được đề xuất đầu tư với chiều dài 1.541km, quy mô đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa, hạ tầng thiết kế với tốc độ 350km/h, bố trí 23 ga hành khách với cự ly trung bình khoảng 67km, 5 ga hàng gắn với các đầu mối hàng hóa. Sơ bộ xác định tổng mức đầu tư dự án khoảng 67,34 tỷ USD.