Chiều 17/7, cầu Bến Rừng nối Quảng Ninh – Hải Phòng dài hơn 1,8km, tổng mức đầu tư 2.000 tỷ đồng chính thức được thông xe.
Thông xe cầu Bến Rừng
Sau gần 2 năm xây dựng, chiều 17/7, cầu Bến Rừng với tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng nối Hải Phòng và Quảng Ninh đã chính thức được thông xe. Người dân và các phương tiện chính thức được lưu thông qua đây từ 0h ngày 18/7.
Tham dự và chứng kiến lễ thông xe có Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, cùng đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo TP. Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh.
Chiều ngày 17/7/2024, UBND TP. Hải Phòng đã tổ chức Lễ Thông xe cầu Bến Rừng. Ảnh: Báo Quảng Ninh
Cầu Bến Rừng được xây dựng ở vị trí cách phà Rừng hiện hành khoảng 3,7km theo hướng thượng lưu, nằm ở phía Hải Phòng thuộc xã Gia Đức, huyện Thủy Nguyên, cách cầu sông Chanh khoảng 4,3km và cách quốc lộ 18 khoảng 6,4km.
Việc hoàn thành cây cầu này sẽ giúp cư dân thị xã Quảng Yên và huyện Thủy Nguyên di chuyển thuận lợi, nhanh chóng mà không cần phải đợi phà Rừng trong 30-60 phút hoặc đi vòng 40km đến Quốc lộ 18, rồi lại tiếp tục đến Quốc lộ 10 như trước đây.
Cầu Bến Rừng có tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương, ngân sách thành phố Hải Phòng và ngân sách tỉnh Quảng Ninh (chi phí giải phóng phần cầu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh) do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng làm chủ đầu tư.
Đây là công trình giao thông nhóm B, công trình cầu đường bộ cấp đặc biệt với kết cấu vĩnh cửu, có chiều dài hơn 1,86 km, cầu chính và cầu dẫn rộng 21,5 m, phần cầu chính gồm 4 nhịp, phần cầu dẫn gồm 34 nhịp, mố trụ cầu kết cấu bê tông cốt thép.
Đường dẫn 2 đầu cầu chiều dài 410 m, mặt cắt nền đường rộng 22,5 m gồm 4 làn xe cơ giới, 2 làn hỗn hợp, dải an toàn, dải phân cách, lề đường không gia cố cùng hệ thống điện chiếu sáng, biển báo hiệu đường thủy, đường bộ.
Cầu Bến Rừng nối Hải Phòng – Quảng Ninh trước khi thông xe. Ảnh: VTC News
Có mặt trong đoàn kiểm tra công trình cầu Bến Rừng trước khi tiến hành thông xe, PGS.TS Nguyễn Hữu Hưng – Giảng viên cao cấp Khoa Công trình, Trường ĐH Giao thông Vận tải đánh giá cao nỗ lực thi công của đội ngũ nhà thầu, tư vấn giám sát, kĩ sư, công nhân suốt thời gian qua.
Ông cho biết cầu Bến Rừng được áp dụng kỹ thuật thi công đúc hẫng theo đúng xu hướng kỹ thuật thi công của các nước tiên tiến trên thế giới, quá trình thi công kiểm soát tốt được các thông số kỹ thuật của cầu
PGS.TS Nguyễn Hữu Hưng nhận xét cây cầu còn có có điểm nổi bật là ứng dụng thi công mặt phẳng tháp nghiêng ra ngoài, lần đầu xuất hiện tại Việt Nam. Điều này tạo vẻ đẹp kiến trúc ấn tượng nhưng cũng gây ra khó khăn trong việc thi công và tiếp cận cáp văng cho đội ngũ công nhân, kĩ sư.
Hơn nữa, địa chất khu vực lòng sông thi công 3 trụ tháp khá phức tạp, điều kiện thủy triều thay đổi lên xuống liên tục nhưng các đơn vị thi công cũng kiểm soát tốt được chất lượng công trình.
Bến phà 45 tuổi, lớn nhất miền Bắc sẽ “nghỉ hưu”
Khi cầu Bến Rừng gần 2.000 tỷ hoàn thành, bến phà Rừng nối Hải Phòng với Quảng Ninh sẽ sớm đóng cửa sau gần nửa thế kỷ hoạt động.
Tại khu vực bến phà trên sông Bạch Đằng, sông có chiều rộng trung bình khoảng 1.000 mét và nơi rộng nhất lên tới gần 2.000 mét, cùng độ sâu trung bình là 10 mét. Đôi khi, việc di chuyển từ bến này sang bến kia có thể mất gần nửa tiếng. Trung bình một ngày phà lớn chạy được 30 chuyến, phà nhỏ chạy được 20 chuyến.
Bến phà Rừng đi vào hoạt động từ năm 1979 nối huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng với thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh đã chấm dứt cảnh ngồi đò ngang, tạo điều kiện thuận lợi về giao thông cho người dân 2 bên bờ sông Đá Bạc. Tuy nhiên, những năm gần đây, do không được đầu tư cải tạo, nâng cấp, cả bến lẫn phà đều xuống cấp.
Cầu Bến Rừng sẵn sàng làm thay nhiệm vụ của phà Rừng. Ảnh: VnEconomy
Trước thực trạng Bến phà Rừng đã xuống cấp không đáp ứng nhu cầu giao thông vận tải giữa các khu công nghiệp, cụm công nghiệp cũng như nhu cầu đi lại của người dân giữa Hải Phòng và Quảng Ninh nên ngày 22/12/2020, chủ trương đầu tư Dự án cầu Bến Rừng đã được phê duyệt.
Theo Sở GTVT Quảng Ninh, khi cầu Bến Rừng được đưa vào sử dụng trong tháng 5, tuyến phà Rừng sẽ chính thức ngừng hoạt động. 20 nhân viên phục vụ tại phà Rừng sẽ được bố trí công việc mới sau khi tuyến phà không hoạt động nữa.
Sở này cũng đã ra thông báo về việc chuyển nhượng các phương tiện đi lại trên tuyến phà. Hiện tại, tuyến phà Rừng có 3 phà không tự hành, 2 đò khách và 3 ca nô lai dắt đang hoạt động và đây đều là tài sản của nhà nước.
Sở Giao thông Vận tải Quảng Ninh yêu cầu các UBND cấp thành phố, thị xã, huyện trong tỉnh xem xét lại kế hoạch và hiện trạng để xác định nhu cầu sử dụng những phương tiện này, sau đó gửi yêu cầu bằng văn bản về Sở để tổng hợp và đề xuất với UBND tỉnh Quảng Ninh.