Cầu Thượng Cát có tổng chiều dài 5,2km với tổng mức đầu tư khoảng 8.300 tỷ đồng. Đây là 1 trong 10 cây cầu bắc qua sông Hồng nằm trong quy hoạch giao thông vận tải Hà Nội, được thực hiện trong giai đoạn 2015- 2030.
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 6316/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án, vị trí công trình cầu Thượng Cát và đường hai đầu cầu, tỷ lệ 1/500, tại quận Bắc Từ Liêm và huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
Theo đó, tổng chiều dài tuyến là 5,2km. Vị trí điểm đầu tại nút giao với đường Kỳ Vũ thuộc phường Thượng Cát (quận Bắc Từ Liêm). Điểm cuối tại nút giao với đường 23B thuộc xã Đại Mạch, huyện Đông Anh. Trong ảnh: Nút giao đường Kỳ Vũ.
Cầu Thượng Cát là công trình cấp đặc biệt, đường hai đầu cầu là đường trục chính đô thị. Quy mô mặt cắt ngang điển hình cầu Thượng Cát 31-53m, gồm 6 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ và làn tách nhập.
Đường phía Nam cầu 60m, gồm cầu dẫn 6 làn xe cơ giới ở giữa, 2 làn hỗn hợp song hành và các dải phân cách, dải an toàn, vỉa hè hai bên tuyến đường. Đường phía Bắc cầu 50m, gồm 4 làn xe cơ giới ở giữa, 2 làn hỗn hợp song hành và các dải phân cách, dải an toàn, vỉa hè hai bên tuyến đường.
Khu vực sông Hồng thuộc phường Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm. Khu vực này dự kiến sẽ xây dựng cầu Thượng Cát.
Theo UBND thành phố Hà Nội, việc đầu tư xây dựng cầu Thượng Cát bảo đảm tính đồng bộ, thông suốt, nối thông toàn tuyến đường Vành đai 3,5 từ phía Nam lên phía Bắc sông Hồng. Đồng thời, mở thêm đường kết nối phía Tây, Tây Nam Thủ đô giữa các quận, huyện phía Bắc và Nam sông Hồng. Trong ảnh: Tuyến đê Liên Mạc- Thượng Cát.
Được biết, dự án cầu Thượng Cát có tổng mức đầu tư gần 8.300 tỷ đồng từ ngân sách thành phố. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội là chủ đầu tư.
Cầu Thượng Cát là một trong 10 cầu bắc qua sông Hồng nằm trong Quy hoạch Giao thông vận tải Hà Nội, được thực hiện trong giai đoạn 2015-2030; 9 cầu còn lại gồm: Hồng Hà, Mễ Sở (vành đai 4), Thăng Long mới (vành đai 3), Tứ Liên, Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), Ngọc Hồi (vành đai 3,5), cầu/hầm Trần Hưng Đạo, cầu Phú Xuyên, Vân Phúc (đường trục Bắc – Nam nối với tỉnh Vĩnh Phúc).