Đà Nẵng chuẩn bị cho lộ trình làm hầm chui qua sông Hàn gần 5.000 tỷ
Mới đây, Ủy ban Nhân dân TP. Đà Nẵng đã có báo cáo tình hình thực hiện các dự án lớn theo nội dung Nghị quyết số 25 của Hội đồng Nhân dân (HĐND) TP như di dời ga đường sắt; phương án và lộ trình đầu tư; công trình hầm qua sông Hàn hay tuyến hầm qua sân bay Đà Nẵng…
Công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng công trình vượt sông Hàn kết nối từ khu vực đường Đống Đa – Trần Phú sang đường Vân Đồn – Trần Hưng Đạo (hầm qua sông Hàn) nằm trong quy hoạch TP. Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1287 với phân kỳ đầu tư giai đoạn 2031-2045.
Vị trí dự kiến sẽ xây dựng hầm chui sông Hàn. Ảnh: Internet
Theo đó, TP. Đà Nẵng đã chỉ đạo Sở Giao thông vận tải (GTVT) nhanh chóng triển khai các công việc gồm: Đề xuất bố trí vốn năm 2024 nhằm thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư.
Ngoài ra, Sở cũng đã chủ động và làm việc với các chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu các phương án, quy mô dự án cũng như rà soát, phối hợp cập nhật vào các quy hoạch phân khu có liên quan nhằm đảm bảo tính thống nhất.
Từ đó Sở GTVT tiến hành xây dựng nhiệm vụ và phương án khảo sát nhằm phục vụ công tác lựa chọn đơn vị tư vấn thiết kế để lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.
Sở GTVT hiện đang phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thẩm định và phê duyệt dự toán nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư; dự kiến sẽ hoàn thành công tác lựa chọn tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án sau 3 tháng kể từ ngày được bố trí vốn chuẩn bị đầu tư.
Công tác tiếp theo là hoàn thành công tác lựa chọn tư vấn báo cáo nghiên cứu tiền khả thi sau 3 tháng kể từ ngày được bố trí vốn chuẩn bị đầu tư (dự kiến triển khai trong tháng 9/2024); hoàn thành và trình cấp có thẩm quyền thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án trong tháng 12/2024 và hoàn tất báo cáo nghiên cứu khả thi vào tháng 8/2025.
Phối cảnh dự án Hầm chui sông Hàn. Ảnh: Internet
Theo đó, UBND TP. Đà Nẵng đề nghị HĐND TP. Đà Nẵng thống nhất chủ trương bố trí vốn để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư dự án công trình vượt sông Hàn, nằm trong kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch vốn 2024 làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.
Hầm chui sông Hàn từ nút Đống Đa – Trần Phú đến nút Vân Đồn – Trần Hưng Đạo rộng 40m; nối tại điểm giao đường Đống Đa, Trần Phú, bờ Tây sông Hàn theo hình chữ Z, qua kết nối với đường Vân Đồn, Sơn Trà, dự tính kinh phí khoảng 4.700 tỷ đồng, chi phí vận hành 26,4 tỷ đồng/năm.
Lãnh đạo TP. Đà Nẵng cũng đã cân nhắc nhiều yếu tố như muốn giữ lại mặt sông rộng 2,5km.
Theo dự tính, ‘đại’ công trình có tổng chiều dài khoảng 1.405m trong đó phần hầm kín dài 1.005m, phần hầm hở mỗi bờ 200m, tốc độ thiết kế qua hầm vượt sông Hàn là 60km/h. Chiều rộng mặt cắt ngang hầm đảm bảo mỗi chiều 3 làn xe cơ giới nên tổng quy mô có thể lên đến 6 làn xe cơ giới, trong tương lai dự tính có thể khai thác phương tiện giao thông công cộng như BRT.
Hầm chui sông Hàn dự sẽ là “đòn bẩy” cho sức bật của BĐS khu vực
Theo quy hoạch, hầm chui sông Hàn sẽ có đường hầm 2 chiều mỗi bên là 3 làn đường, đi xuyên qua các dự án kết nối hai bờ sông từ quận Sơn Trà đến quận Hải Châu.
Sau khi hoàn thành, dự án hầm chui sông Hàn không chỉ góp phần vào việc phát triển mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, giúp thu hút các “ông lớn” trong ngành đầu tư bất động sản (BĐS) trong và ngoài nước mà còn mang đến nhiều giá trị to lớn khác.
Đà Nẵng hiện có khoảng 1,1 triệu dân với khoảng 60.000 ô tô và 800.000 xe máy. Theo dự tính, tỷ lệ tăng trưởng ô tô/năm tại Đà Nẵng đạt gần 12% và xe máy gần 8%. Do đó, việc phát triển hầm vượt sông Hàn sẽ giúp làm giảm tình trạng kẹt xe, tránh ùn tắc, giảm áp lực trọng tải, tạo động lực cho sự phát triển của thành phố.
Hầm chui qua sông Hàn dự án sẽ là “đòn bẩy” cho BĐS khu vực phát triển. Ảnh: Internet
Việc giao thông qua lại trong hầm vào mùa mưa gió cũng sẽ thuận lợi hơn, dễ dàng kết nối với các quận ở Đà Nẵng.
Đà Nẵng hiện đang có tốc độ phát triển du lịch vượt bậc. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, số lượng khách du lịch do cơ sở lưu trú trên địa bàn TP. Đà Nẵng phục vụ khoảng 7,39 triệu lượt (năm 2023). Trong đó khách quốc tế khoảng 1,98 triệu lượt khách, khách nội địa khoảng 5,41 triệu lượt. Doanh thu lưu trú, ăn uống và lữ hành dự kiến gần 28.000 tỷ đồng; trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú lữ hành dự kiến gần 15.000 tỷ đồng.
Việc hạ tầng giao thông được nâng cấp, sân bay quốc tế được cải tạo cùng dự án Hầm chui sông Hàn (dự sẽ là hầm chui qua sông lớn thứ 2 Việt Nam) sẽ giúp thị trường BĐS Đà Nẵng nói chung, quận Sơn Trà và quận Hải Châu nói riêng có bước tăng trưởng, thu hút được “con mắt” của các nhà đầu tư sành sỏi.
Hiện nay, Đà Nẵng vẫn là “mảnh đất màu mỡ” quy tụ nhiều dự án BĐS của “ông lớn” trong ngành BĐS như Sun Group, Sun Frontier, Đông Đô… với nhiều căn hộ cao cấp, nhiều tiện ích…
Cũng không phải ngẫu nhiên mà Đà Nẵng luôn được xem là “thỏi nam châm” thu hút đầu tư BĐS trong gần 1 thập kỷ vừa qua. Ngoài những yếu tố vượt trội về chất lượng sống khi nơi đây được coi là “thành phố đáng sống” nhất Việt Nam thì việc quy hoạch, đặc biệt là cơ sở hạ tầng, dịch vụ vẫn luôn là đề tài thu hút.
Việc “rót” một nguồn vốn lớn vào quận Sơn Trà và quận Hải Châu để làm dự án Hầm chui qua sông Hàn sẽ góp phần nâng tầm nơi đây trở thành một nơi an cư lý tưởng cho giới doanh nhân thành đạt, trí thức trẻ, người nước ngoài đến sinh sống và làm việc tại Việt Nam.
Dù hội tụ đầy đủ yếu tố nhưng giá BĐS Đà Nẵng hiện chỉ ở mức tăng nhẹ so với thị trường khu vực lân cận.
Theo đánh giá của các chuyên gia, giá BĐS Đà Nẵng hiện vẫn thấp hơn so với hai thành phố lớn là TP. Hà Nội và TP. HCM.
Ý kiến trái chiều xoay quanh dự án hầm chui gần 5.000 tỷ đồng
Cuối tháng 9/2016, UBND TP. Đà Nẵng đã phối hợp với Sở GTVT tổ chức cuộc thi tuyển chọn phương án kiến trúc cho công trình hầm chui sông Hàn.
Trong số 7 phương án của 11 đơn vị hợp thành 6 liên danh đề xuất, có duy nhất một đề xuất làm hầm chui, còn lại chọn cầu nổi với kiến trúc độc đáo.
Chính quyền TP. Đà Nẵng thời điểm đó cũng đã họp bàn với các đơn vị liên quan về phương án, thiết kế cũng như nguồn vốn xây dựng hầm vượt sông Hàn.
Nhưng do có nhiều ý kiến tranh cãi về hiệu quả cũng như những lo ngại về việc làm hầm qua sông Hàn nên dự án hầm vượt qua sông Hàn vẫn chưa được triển khai.
Thời điểm đó, chia sẻ trên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, KTS Hoàng Sừ – Nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quảng Nam đã chỉ ra nhiều “bất cập” nếu triển khai dự án này.
Theo phân tích của KTS Hoàng Sừ, Đà Nẵng hiện chỉ có khoảng hơn 1 triệu dân nhưng trên đoạn sông từ cầu Đỏ đến cầu Thuận Phước dài khoảng 12km có đến 10 cầu.
“Nếu tính cả hầm chui, bình quân 1,2 km một cầu, mỗi cây cầu chỉ gánh 100.000 dân. Điều này cũng đồng nghĩa việc Đà Nẵng có mật độ cầu dày đặc nhất nước. Và trên thực tế, dường như một vài cây cầu trên sông Hàn Đà Nẵng ra đời chưa phải vì nhu cầu giao thông quá lớn mà vì nhu cầu khai thác đất. Đây cũng là tác nhân dẫn đến tình trạng Đà Nẵng mau chóng cạn kiệt quỹ đất phát triển cho tương lai”, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam trích dẫn quan điểm của KTS Hoàng Sừ.
Ông Sừ cũng nêu ra hiện trạng khu vực bờ sông Hàn, đoạn từ cầu quay sông Hàn đến cầu Thuận Phước chỉ có diện tích khoảng 10km2, dân số 3 phường với khoảng 150.000 dân, dân cư sẽ không có khả năng tăng cao đột biến, nhu cầu giao thông cho khu vực này là khá nhỏ, kể cả trong tương lai.
Theo tính toán của ông Sừ, nếu làm hầm chui qua sông Hàn với quy mô 6 làn xe, khu vực nhỏ bé này sẽ có 3 hầm – hầm khủng (cầu Quay, hầm chui, cầu Thuận Phước) phục vụ với khoảng cách chỉ 1,2km, bình quân 1 cầu/50.000 dân.
Việc Đà Nẵng làm dự án hầm chui gần 5.000 tỷ để giải quyết ùn tắc ở cầu Quay (cầu sông Hàn) nhưng tình trạng ùn tắc tại Đà Nẵng không chỉ diễn ra ở Cầu Quay mà diễn ra ở nhiều điểm trọng yếu trong thành phố là chưa thực sự cần thiết vào thời điểm đó, theo quan điểm của ông Sừ.
Trong khi đó ở thời điểm hiện tại, sau khi có thông tin dự án này đang được chuẩn bị nguồn lực để triển khai, nhiều người cũng đã bày tỏ băn khoăn.
Trên bài đăng “Hầm qua sông Hàn Đà Nẵng sẽ làm ở vị trí nào?” của báo Tuổi Trẻ, bên dưới phần bài viết, nhiều độc giả đã để lại bình luận đáng chú ý.
Theo như chia sẻ của một độc giả, việc Đà Nẵng làm hầm chui qua sông Hàn là chưa cần thiết ở thời điểm hiện tại.
“Giao thông Đà Nẵng chưa tới mức kẹt đường, kẹt cầu… qua sông Hàn nên khoan tính đến làm hầm. Đà Nẵng nên dồn tiền “sắp xếp lại đô thị lần cuối” cho những khu phố còn hun hút đã sót lại trong thời kỳ Đà Nẵng là công trường của những năm 90 thế kỷ trước. Hiện tại rất nhiều khu dân cư, khu phố các quận Hải Châu, Thanh Khê còn bề bộn, kiệt hẻm sâu hun hút, hẹp lối đi… Người dân muốn được giải tỏa trắng như các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, Cẩm Lệ… và sắp xếp, phân lô để khang trang, sạch đẹp hơn. Ngoài ra, thành phố nên xây mới chợ đầu mối Hòa Phước, chợ Hòa Cường đã quá tải trầm trọng rồi”.
Chung quan điểm, độc giả Chan thanh cho rằng “Mật độ giao thông không quá cao, đất trông giao thông còn nhiều, không có giới hạn tĩnh không cho tàu lớn qua lại, tại sao Đà Nẵng lại chọn làm hầm? Chưa nói tới chi phí đầu tư xây dựng tốn kém, những vấn đề phía sau khi hoàn thành hầm như chi phí bảo trì, gần cửa biển, nơi có nhiều bão nhiều, dễ xảy ra tình trạng ngập nặng”.
Trong khi đó, độc giả Hoa lại cho rằng: “Việc làm cầu và “sắp xếp lại đô thị” là hoàn toàn khác nhau. Đường từ Đống Đa sang Vân Đồn làm cầu là hợp lý vì khu Nại Hiên Đông là khu phố chung cư lớn nhất Đà Nẵng. Kết nối để cư dân đi lại thông thương là việc nên làm, chỉ có là làm nổi hay làm ngầm kinh phí cái nào phù hợp hơn thì làm thôi”.
Hay như độc giả Phiên cũng cho rằng “Từ dự án đến thực thi còn xa lắm, nên họ phải chuẩn bị trước để có kế hoạch GPMB, tránh tình trạng “con đường đắt nhất hành tinh” như HN. Chợ Hòa Phước thì dự án lâu lắm rồi, nên miễn bàn. Làng Đại học gần 30 năm rồi đã xong đâu nên đừng tưởng đem ra bàn rồi sang năm là xong. Cho dù có thông qua thì chục năm nữa mới hình thành nên bạn không phải can, cầu Sông Hàn sáng và chiều nào cũng tắc cứng kìa”.
Liệu rằng với những khúc mắc còn hiện hữu về thực trạng hiện nay tại Đà Nẵng nói chung và quận Sơn Trà, quận Hải Châu nói riêng, việc xây dựng hầm chui cầu sông Hàn có thực sự sẽ giải quyết được thực trạng ùn tắc và thay đổi bộ mặt đô thị cho thành phố hay sẽ làm tăng thêm “gánh nặng” khi mỗi năm bỏ ra 26,4 tỷ đồng cho chi phí vận hành cầu?