Cục thuế TP. HCM cho biết cơ quan này đã thành lập tổ khai thác danh sách các cá nhân là người nổi tiếng, người sáng tạo nội dung (các YouTuber, TikToker, KOC, KOS, KOL) và các cá nhân bán hàng livestream trên các nền tảng Facebook, TikTok, YouTube…
Báo Người Đưa Tin ngày 26/12/2024 đưa thông tin với tiêu đề: “Một hoa hậu nộp 4,7 tỷ đồng, một streamer nộp 1,9 tỷ đồng tiền thuế” cùng nội dung như sau:
Theo VTV.vn, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành thuế năm 2025, Cục Thuế TP.HCM cho biết cơ quan này đã thành lập tổ khai thác danh sách các cá nhân là người nổi tiếng, người sáng tạo nội dung (các YouTuber, TikToker, KOC, KOS, KOL) và các cá nhân bán hàng livestream trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok, YouTube… để thực hiện kiểm tra thuế.
Cụ thể, Cục Thuế TP.HCM sẽ tiến hành rà soát, kiểm tra các tổ chức, cá nhân có doanh thu từ các sàn thương mại điện tử kể từ năm 2025 để tính thuế.
Theo đó, trong giai đoạn đầu, Cục Thuế TP.HCM sẽ thực hiện kiểm tra thí điểm về thuế đối với 35 nghệ sĩ và người nổi tiếng.
Cục Thuế TP.HCM đã thực hiện kiểm tra thí điểm về thuế đối với 35 nghệ sĩ và người nổi tiếng, nhiều người đã kê khai nộp và nộp thuế trên 1 tỷ đồng. Có một hoa hậu nộp 4,7 tỷ đồng, một streamer nộp 1,9 tỷ đồng. (Ảnh minh hoạ)
Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền và hỗ trợ, các hộ kinh doanh và cá nhân hoạt động thương mại điện tử ngày càng nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật về thuế.
Theo Cục Thuế TP.HCM, hiện cơ quan này đang quản lý 58.264 người nộp thuế hoạt động thương mại điện tử. Trong đó có 12.959 doanh nghiệp và 45.305 hộ, cá nhân kinh doanh, với tổng giá trị giao dịch thành công là 28.700 tỷ đồng.
Năm 2024, cơ quan thuế đã xử lý 14.581 tổ chức và cá nhân, với tổng số thuế truy thu và tiền phạt qua công tác kiểm tra lên đến hơn 286 tỷ đồng, tăng 31% so với số thuế truy thu và phạt năm 2023. Điển hình là một hộ kinh doanh do Chi cục Thuế Quận 1 quản lý đã tự kê khai và nộp 11,5 tỷ đồng (tổng số thuế, tiền phạt vi phạm hành chính và tiền chậm nộp) từ thu nhập từ dịch vụ số.
Bên cạnh đó, nhiều hộ kinh doanh bán hàng trên các sàn thương mại điện tử cũng tự đến cơ quan thuế kê khai và nộp thuế trên 1 tỷ đồng (tiền thuế, tiền phạt vi phạm hành chính và tiền chậm nộp) trong năm 2024. Trong số đó, có thu thuế một người nổi tiếng nộp thuế lên tới 4,7 tỷ đồng và một trường hợp khác là streamer thu 1,9 tỷ đồng.
Trước đó, báo Tiền Phong ngày 27/2/2024 cũng có bài đăng với thông tin: “Doanh thu ba bộ phim gần 1.400 tỷ đồng, Trấn Thành bỏ túi bao nhiêu?”. Nội dung được báo đưa như sau:
Lưu ý: Mọi con số trong bài có tính chất tham khảo, có thể sai số chênh lệch vì mức deal giữa nhà rạp và nhà sản xuất mỗi bộ phim khác nhau.
Tính đến trưa 26/2, Mai của Trấn Thành thu 473 tỷ đồng, theo số liệu củaBox Office.
Hiện, Trấn Thành là đạo diễn đầu tiên của Việt Nam có tổng doanh thu gần 1.400 tỷ đồng, với Bố già 427 tỷ đồng, Nhà bà Nữ 475 tỷ đồng và Mai 480 tỷ đồng.
Được gọi là “đạo diễn nghìn tỷ đồng”, Trấn Thành thực tế bỏ túi được bao nhiêu?
Trấn Thành chỉ thu khoảng 450 tỷ đồng trên tổng doanh thu 1.400 tỷ đồng
Theo nhà sản xuất phim Cao Tùng, người có kinh nghiệm sản xuất, phát hành phim cho Galaxy Cinema, tỷ lệ ăn chia giữa nhà rạp và nhà sản xuất phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
“Hiện tại, nhà rạp cũng là nhà phát hành. Khi deal với nhà rạp, người làm phim gặp một số vấn đề như rạp có đông khách không. Hiện tại có thể nói CGV và Galaxy đang mạnh nhất, có quyền ép mức ăn chia tốt nhất cho nhà rạp, cụ thể là 55% cho tuần đầu, 50% cho tuần thứ hai và 45% cho tuần thứ ba”, ông Cao Tùng trả lời Tiền Phong.
Theo nhà sản xuất Cao Tùng, về ba bộ phim của Trấn Thành, do nam MC là cái tên uy tín mùa phim chiếu Tết, tỷ lệ ăn chia sẽ khá đồng đều, nhưng phải đảm bảo những nguyên tắc sau:
Thứ nhất, tổng doanh thu phải trừ 8% thuế VAT.
Thứ hai là phí phát hành, hiện được tính theo hai cách: 4-5% của tổng doanh thu hoặc 8-10% tổng doanh thu sau khi trừ phí thuê rạp.
Sau khi ra được con số, nhà rạp một nửa, nhà sản xuất lấy một nửa.
Sau đó, phía phát hành lấy từ 8-10% số tiền còn lại của Trấn Thành.
Theo cách tính đó, ta có:
1.375 tỷ đồng, sau khi trừ 8% thuế VAT, số tiền ba bộ phim là 1.265 tỷ đồng.
Số tiền 1.265 tỷ đồng tiếp tục trừ khoảng 4-5% phí phát hành chung, còn lại 1.214,4 tỷ đồng.
Sau hai khoản phí, nhà rạp lấy một nửa là 607,2 tỷ đồng.
Số tiền còn lại của Trấn Thành là 607,2 tỷ đồng, trừ tiếp cho 8% phí phát hành (tùy thuộc vào quá trình thương lượng giữa Trấn Thành và nhà phát hành, có thể thấp hơn). Số tiền nam đạo diễn bỏ túi sau khi ăn chia với nhà rạp là 558,6 tỷ đồng.
Sau Bố già và Nhà bà Nữ, Trấn Thành tiếp tục lập kỷ lục về doanh thu với Mai.
Đây chỉ là mức ăn chia với nhà rạp, chưa tính kinh phí thực hiện phim, công tác PR. Kinh phí phim công khai của Bố già, Nhà bà Nữ và Mai lần lượt là 20 tỷ đồng, 35 tỷ đồng và 50 tỷ đồng, tổng cộng khoảng 105 tỷ đồng.
Trừ cho phần kinh phí, số tiền còn lại của Trấn Thành sau ba bộ phim ăn khách nhất mọi thời của phòng vé Việt vào khoảng 453,6 tỷ đồng.
Sau khi phân tích một số yếu tố ảnh hưởng đến số tiền cuối cùng về túi Trấn Thành, nhà sản xuất phim cho biết rạp chiếu lấy hơn 60% là hợp lý.
“Chúng ta nên quy ra bài toán kinh tế. Rạp đầu tư phòng chiếu bài bản rất tốn tiền, doanh thu mỗi ngày chỉ như tiền chợ, chủ yếu dựa vào chi phí phát hành. Vì vậy, tuần đầu phim ra rạp, họ lấy phí cao vốn rất bình thường. Và nếu chính phủ không hỗ trợ dòng nội dung nội địa, về mặt nguyên tắc, rạp phải vận hành theo kiểu thị trường để có thể tồn tại”, nhà sản xuất Cao Tùng nói thêm.