Cặp đôi Tô Đình Khánh và Trần Thị Thương
“Con nói cái gì vậy?”
Cách đây gần 2 năm, Trần Thị Thương (27 tuổi, quê ở Bình Định) khi đó đang đi xuất khẩu lao động tại Nhật có gọi điện về nói chuyện với mẹ – bà Đỗ Thị Kim Liên (60 tuổi). Trong cuộc điện thoại, Thương nói xa nói gần: ” Mẹ ơi, mẹ có xem chương trình mà có anh chàng không có 2 chân không? “.
Nghe con gái hỏi, bà Liên thật thà trả lời: ” Mẹ có xem “. Thương lại tiếp lời: ” Mẹ thấy anh ấy có dễ thương không? Nếu sau này con yêu một người như vậy thì mẹ có chấp nhận không? “. Bà Liên hỏi lại: ” Con nói cái gì vậy? ” thì Thương làm thinh.
Những lần sau gọi điện, Thương lại nhắc đến câu chuyện của “chàng trai không chân”. Bà Liên dần tinh ý nhận ra nỗi niềm sau những câu chuyện tưởng chừng vu vơ của con gái.
Bà Nguyễn Thị Liên
” Nếu con lấy một người như vậy, mẹ sợ sau này con sẽ khổ. Nhưng nếu con thương người ta thì làm sao mẹ cấm được? “, bà Liên nói với Thương.
Khi biết tới hoàn cảnh của Khánh, Thương vừa thương, vừa ngưỡng mộ nghị lực của chàng trai này. Khánh đã truyền cho Thương nhiều năng lượng tích cực để tự tin hơn, vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.
Qua những tin nhắn trò chuyện, hai người dần cảm mến nhau. Khánh cũng nói thật với Thương về những khó khăn mà cả hai sẽ phải đối diện nếu quyết định gắn bó với nhau.
Một thời gian sau, Thương trở về Việt Nam vì công việc ở Nhật khá vất vả. Cô cũng không muốn xa gia đình quá lâu.
Mối tình của Thương và Khánh nên duyên nhờ MXH.
Khánh đã cho Thương rất nhiều nghị lực để tự tin hơn trong cuộc sống.
không dám tổ chức đám cưới ở quê để tránh gièm pha
Ngày Thương về Việt Nam, Khánh đã ra tận sân bay đón. Sau đó, Thương về nhà chị gái ở Gia Lai. Khi đó mẹ Thương cũng đang ở Gia Lai. Thương dần dần từng bước để giới thiệu Khánh với gia đình, ban đầu là trò chuyện qua điện thoại.
Sau đó không lâu, Thương đưa Khánh về nhà chị gái để ra mắt gia đình. Dù biết mọi người trong gia đình Thương đã nắm được hoàn cảnh của mình nhưng đêm trước ngày về nhà bạn gái, Khánh gần như không ngủ, lo lắng liệu khi gặp mình ngoài đời, mọi người sẽ phản ứng ra sao? Có phản đối hay không?
” Thương kể là anh hai khá khó tính, nhưng hôm đó, anh dậy sớm ra đón. Vừa lên tới nơi, mình xuống xe là anh mở cửa, bế vào trong nhà. Anh ôm, rồi rót nước mời. Mình rất bất ngờ, thấy anh dễ thương chứ không hề khó tính như Thương nói.
Mấy anh em ngồi nói chuyện, đợi mẹ từ Bình Định vào. Cả buổi mình cứ nhấp nhổm ngóng mẹ. Khi mẹ tới nơi, cất đồ rồi ôm mình một cái, tự nhiên những điều lo lắng, sợ hãi tan biến hết.
Không biết phải diễn tả như thế nào, nhưng cái ôm đó của mẹ khiến mình ấm áp. Mình cảm nhận được là mẹ đã thương mình rồi “, Khánh nhớ lại.
Bà Liên xúc động trong ngày cưới con gái.
Vợ chồng Khánh và Thương đã kết hôn được 2 năm.
5 tháng sau ngày ra mắt, Khánh và Thương chính thức tổ chức đám cưới. Biết Thương yêu một người có hoàn cảnh đặc biệt như Khánh, bà con lối xóm, bạn bè của cô dị nghị, nói ra nói vào nhiều. Bà Liên nghe mà buồn, thương con, nghĩ rằng con mình cũng chẳng đến nỗi nào mà phải chịu nhiều thiệt thòi, điều tiếng. Bà chẳng biết làm gì để bảo vệ con, chỉ im lặng, mặc kệ người ta muốn nói gì thì nói. Bản thân bà cũng buồn, nhưng rồi nhanh chóng gạt nỗi buồn đó sang một bên.
Để tránh gièm pha, gia đình bà Liên không tổ chức đám cưới cho Thương ở quê, chỉ tổ chức ở TP.HCM. Biết vợ thiệt thòi vì mình, Khánh cố gắng hết sức để lo một đám cưới chỉn chu, để vợ được tự hào về mình.
“Thương con rể đầu rồi nên giờ cố gắng thương cho trót”
Hiện tại, Khánh và Thương đã kết hôn được 2 năm, tổ ấm có thêm một bé gái đáng yêu. Sau khi vợ chồng Thương có con, bà Liên vào TP.HCM sống cùng, hỗ trợ chăm cháu.
Tổ ấm của Thương và Khánh đã có thêm công chúa nhỏ.
Hàng ngày hai vợ chồng đi làm, thỉnh thoảng về phụ mẹ nấu cơm, làm việc lặt vặt trong nhà. Cả Thương và chồng đều hiểu rằng, mẹ vào giúp vì thương con, thương cháu chứ không phải trách nhiệm của bà. Vì thế khi mẹ mệt, cả hai bảo nhau sắp xếp công việc, thời gian đỡ đần, cho mẹ được nghỉ ngơi. Hàng tháng, Khánh chủ động bảo Thương biếu tiền để bà chi tiêu.
Nhắc đến chàng rể của mình, bà Liên không ít lần rưng rưng nước mắt. Bà rất thương con rể, luôn dặn con gái thương chồng thì bỏ qua những chuyện nhỏ nhặt, sống vui vẻ, hạnh phúc, đừng làm chồng buồn, áp lực.
Mỗi khi Thương mách mẹ điều gì đó về Khánh, bà Liên đều bênh con rể. Thương hỏi đùa: ” Mẹ thương con hơn hay anh Khánh hơn ” thì bà Liên nói: ” Mẹ thương Khánh hơn “.
Bà Liên và Khánh hợp nhau ở nhiều điểm. Mẹ vợ và con rể đều hiền lành, chưa bao giờ xảy ra mâu thuẫn gì. Bà Liên là một người mẹ vợ rất tâm lý, chiều con rể. Vì Khánh bị bệnh về thận nên phải ăn kiêng gia vị, vậy là khi nấu cơm, bà Liên dần dần giảm gia vị trong lúc nấu ăn, cho cả nhà cùng ăn nhạt để Khánh không thấy tủi thân.
Bà Liên còn nhiều nỗi trăn trở về cuộc hôn nhân của con gái.
Đáp lại tình cảm quý báu ấy, Khánh đã tận tay làm một bó hoa, dồn hết tình cảm vào trong đó để tặng mẹ nhân ngày Phụ nữ Việt Nam khiến bà Liên rất hạnh phúc.
Khánh tâm sự, bản thân anh từng nghĩ mình sẽ khó có được một gia đình thực sự. Thế nên khi cưới được Thương, được gia đình vợ yêu quý, Khánh rất trân trọng và luôn tự nhủ phải sống sao cho đúng với tình cảm mọi người dành cho mình.
Vốn là người kiệm lời nên khi được hỏi cảm nhận về con rể, bà Liên cười hiền: ” Con rể ok. Thương nó từ đầu rồi nên giờ cố gắng thương cho trót “.
Vợ chồng Khánh chỉ mong mẹ luôn mạnh khỏe để ở bên con cái thật lâu. Với bà Liên, trong lòng bà vẫn luôn đau đáu nhiều nỗi lo, không biết con gái có cố gắng vun đắp cho cuộc sống được không? ” Sợ con không cố được thì khổ lắm “, bà Liên xúc động.