NSND Tự Long và ca sĩ SOOBIN đều sinh ra trong những gia đình nghệ thuật, cũng bởi vậy họ sớm được đắm chìm trong những làn điệu dân gian.
Mới đây, đêm Công diễn 1 chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai 2024 đã được phát sóng với chủ đề Người thiếu niên thuở nào. Trong số các tiết mục tham dự, Nhà Sao Sáng gồm 3 anh tài NSND Tự Long, SOOBIN và Cường Seven gây ấn tượng mạnh mẽ khi làm mới bài dân ca Trống cơm bằng việc kết hợp thành công màu sắc đương đại và truyền thống.
Hiện tại, phần trình diễn Trống cơm thu hút gần 400.000 lượt xem, đứng thứ 8 trong số các video âm nhạc thịnh hành trên YouTube.
Sự thành công của tiết mục Trống cơm có đóng góp không nhỏ của hai người cha: NSƯT Tự Lẫm (cha NSND Tự Long) và NSƯT Huỳnh Tú (cha ca sĩ SOOBIN). Cùng là những nghệ sĩ nổi tiếng ở các loại hình nghệ thuật truyền thống, họ đã vun đắp tình yêu với văn hóa dân tộc cho con trai mỗi ngày, giúp NSND Tự Long và SOOBIN am hiểu, phô bày được vốn hiểu biết với những nhạc cụ và điệu hát dân gian.
Tiết mục “Trống cơm” tại “Anh trai vượt ngàn chông gai”. (Ảnh: NSX)
NSƯT Tự Lẫm
Cha ruột Tự Long là NSƯT Tự Lẫm (nghệ danh Hai Lẫm) là một nghệ sĩ hát quan họ nổi tiếng của xứ Kinh Bắc. Ông được xem là một trong những người đặt nền móng của Đoàn Dân ca Quan họ Bắc Ninh (nay là Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh) và từng giữ chức trưởng đoàn trong những ngày đầu thành lập.
Ngoài quan họ, NSƯT Vũ Tự Lẫm cũng từng tham gia điện ảnh với vai Chi trong bộ phim Đến hẹn lại lên (1974) của đạo diễn Trần Vũ. Năm 2016, nghệ sĩ Tự Lẫm được phong tặng danh hiệu NSƯT cùng ngày Tự Long nhận danh hiệu NSND.
Nghệ sĩ Nhân dân Tự Long và cha – NSƯT Tự Lẫm. (Ảnh: FBNV)
Trong chương trình Ký ức vui vẻ, NSND Tự Long từng kể cha là một người nghiêm khắc, thuở nhỏ anh rất nghịch ngợm nên hay bị đánh đòn. “Có một trận đòn khiến em rất buồn. Đó là khi em mắc lỗi và bố cầm một thanh tre rất lớn, lúc đó em chạy ba vòng trong khu tập thể mà bố vẫn không đuổi kịp…
Lúc đó, em chỉ nghĩ phải chạy thôi chứ không nghĩ là bố sẽ càng chạy càng mệt. Đến vòng thứ 3 thì em dừng lại và anh Sâm (nhà báo Lại Văn Sâm – PV) nghĩ cơn giận đó trút như thế nào. Em bị đánh từ gáy xuống đến chân, không một chỗ nào không phồng”.
Sau khi học phổ thông, Tự Long từng tốt nghiệp Trường Trung cấp Xây dựng Bắc Ninh, khoa Mộc dân dụng, rồi đi làm thợ mộc. Thế nhưng, có lẽ chính truyền thống nghệ thuật của gia đình đã giúp anh thi đậu khoa Chèo, Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội, mở đầu cho chặng đường nghệ thuật vàng son sau đó.
Dịp năm 2024, mẹ NSND Tự Long là nghệ sĩ Nguyễn Thị Phức (Minh Phức) được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú trong đợt xét tặng lần thứ 10. Anh chia sẻ: “Vậy là nhà mình có thêm một NSƯT nữa rồi. Tổng số bây giờ là 2 Nghệ sĩ Ưu tú và 1 Nghệ sĩ Nhân dân”.
NSƯT Huỳnh Tú
Nghệ sĩ Ưu tú Huỳnh Tú tên thật là Nguyễn Huỳnh Tú, sinh năm 1960 tại Thanh Trì – Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) năm 1982, ông ở lại trường giảng dạy 3 năm. Năm 1987, ông về Đoàn Ca múa nhạc Thăng Long và thành lập nhóm nhạc Mưa Rừng. Ông sáng tác nhiều về khí nhạc (nhạc thính phòng), hòa tấu, độc tấu…
NSƯT Huỳnh Tú. (Ảnh: FBNV)
Từ nhỏ, SOOBIN đã được cha cho theo học đàn bầu, piano… Nam ca sĩ từng chia sẻ bản thân học và biết chơi đàn bầu từ năm 3 tuổi, lần đầu tiên được xuất ngoại biểu diễn với nhạc cụ dân tộc này là năm 5 tuổi ở nhiều nước trên thế giới như Nga, Hàn Quốc…
Sau tiết mục Trống cơm tại Anh trai vượt ngàn chông gai, SOOBIN chia sẻ: “Có lẽ trong cuộc đời sự nghiệp của tôi sẽ khó có một sân khấu nào được chơi lại đàn bầu với nhiều cảm xúc như tại đây. Với sân khấu thứ 2 này, tôi muốn tri ân tới người thầy đầu tiên trong cuộc đời, người đã đưa tôi đến với âm nhạc, đưa tôi biết tới đàn bầu, biết tới những âm hưởng của dân gian, dân tộc, người kết nối linh hồn của tôi với nghệ thuật. Đó chính là bố tôi – NSƯT Nguyễn Huỳnh Tú. Con mong sau khi bố xem bài hát này, bố sẽ cảm thấy tự hào về người con trai này”.