Một cánh đồng rộng xanh mướt lúa non. Một con đường cong băng qua ruộng lúa. Khi thì gió dập dờn từng đợt sóng vuốt ve cánh đồng xanh, khi thì lúa đồng im re, lặng thinh che chở cho những cá ếch, côn trùng đang giao thoa trong thế giới nước cạn nuôi ruộng lúa và tôm tép miệt đồng… Bỗng đâu giữa những xanh thẫm ruộng đồng một chiếc xe của giới giàu sang băng qua con đường uốn lượn giữa đồng. Chiếc xe chở theo một cuộc tình chủ tớ, chênh lệch giàu nghèo, khoảng cách giai cấp mà tha thiết yêu thương, dịu dàng và dữ dội…
Cảnh trong phim “Tiếng sét trong mưa”
Chắc chắn với khán giả sành điệu, ai cũng có thể reo lên: Đây là cảnh phimTiếng sét trong mưa, của đạo diễn – NSƯT Nguyễn Phương Điền. Bộ phim ghi dấu chuyện tình của Cậu Ba – Cao Minh Đạt và con Bình – con ở của nhà Cậu Ba – Nhật Kim Anh. Phim nổi đình nổi đám đến mức có khá nhiều người cứ ngỡ bộ phim mở đầu cho dòng phim lấy không gian miền Tây làm bối cảnh, cảm xúc sáng tác cho các nghệ sĩ.
Trước đó, có rất nhiều phim còn rặt miền Tây hơn như Giữa dòng, Chuyện Ngã Bảy, Ông cá Hô, Một thẻo nhân tình, Giọt lệ bên sông, Cánh đồng bất tận… Nhưng hầu hết thường nghiêng về chuyện thân phận con người trước nhân tình thế thái, đạo nghĩa hơn là chuyện xứ sở quê hương theo dòng chảy văn hóa lịch sử. Tỷ như Mắt lụa cũng của đạo diễn Nguyễn Phương Điền, chuyện phim gắn với truyền thống dệt lụa của xứ Tân Châu. Hay phim Sống trong bóng đêm thì bối cảnh chính là những lò làm gạch, làm lu dọc theo sông Cổ Chiên thuộc Vĩnh Long.
Hiện anh cũng đang chuẩn bị cho phim Đò xuôi, lấy cảm hứng chính từ nghề dệt chiếu của xứ Cà Mau từng có và đặt dấu ấn sâu đậm trong Tình anh bán chiếu của soạn giả Viễn Châu được nghệ sĩ Út Trà Ôn thể hiện. Nghe Phương Điền say sưa kể về những bối cảnh anh sẽ chọn quay ở Cà Mau, những sân phơi đay, phơi lát, nhuộm màu lát để cho những chiếc chiếu đạt mỹ thuật, tạo hình hoa văn… Chắc chắn khán giả lại đẫm nước mắt vì những trường đoạn của người đạo diễn bị đồn khóc trước khi diễn viên và nhân vật khóc.
Và trong lúc Phương Điền ráo riết với chuyện tình người bán chiếu thì một đồng nghiệp của anh vừa đóng máy bộ phim Mùa sậy trổ bông, với sự phát triển của nghề làm bánh tét. Món bánh hiện diện trong Tết nhứt, giỗ chạp cúng bái ông bà tổ tiên, đồng thời là món yêu thích của tất cả con cháu từ đời này qua đời khác.
Trước đó, hai truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn Sơn Nam là Mùa len trâu và Một cuộc bể dâu đã được đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh chuyển thể thành công bộ phim điện ảnh cùng tên Mùa len trâu. Phim đã tham dự nhiều liên hoan phim, điện ảnh trong và ngoài nước, trình chiếu tại hơn 40 quốc gia và đoạt 4 giải thưởng quốc tế. Xem phim, khán giả dường như bị choáng ngợp bởi khung cảnh đồng nước nổi mênh mông và đời sống khoáng đạt của dân miền Tây. Còn Cánh đồng bất tận (đạo diễn Quang Bình) cũng khắc họa một bức tranh rộng lớn không thua kém, nhưng phía sau đó là những phận người phiêu bạt được khắc hoạ bằng bi kịch nội tâm khốc liệt của đời sống đã nhiều thay đổi…
Chỉ với điện ảnh, khán giả mới được chiêm ngưỡng những thước phim tái hiện chân thật đặc trưng của vùng đất phương Nam. Cảnh phim “Người đàn bà ngủ trên mái nhà”
Một miền sông nước khoáng đạt, trù phú và cũng khắc nghiệt từ lâu đã đi vào văn học, nhưng chỉ với điện ảnh, khán giả mới được chiêm ngưỡng những thước phim tái hiện chân thật đặc trưng của vùng đất này. Chẳng hạn với Mùa len trâu là công việc len trâu vất vả, trong Tro tàn rực rỡ (đạo diễn Bùi Thạc Chuyên) là nghề đóng đáy hàng khơi, làm than củi. Trong Tro tàn rực rỡ có phân cảnh đặc chất miền Tây là cảnh người dân đi xuồng vượt đê ngăn mặn.
Vai trò của AI trong bộ phim thắng giải Oscar 2023
Theo Bùi Thạc Chuyên, hình ảnh chiếc xuồng trượt gây ấn tượng mạnh với người xem, vì ẩn dụ một cách tinh tế cuộc “vượt cạn” của nhân vật Hậu. Còn trong Đất phương Nam (phim truyền hình của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn) là một bộ “sưu tầm” âm nhạc diễn xướng phương Nam, từ các làn điệu hò, vè, hát sắc bùa, nói thơ, nói tuồng… đến trích đoạn cải lương.
Những câu chuyện từ ăn, mặc, sinh sống, giấc ngủ và những chiếc giường hạnh phúc, những dòng sông người ta đi qua, những ruộng lúa, vườn dừa… giờ đây càng trở nên quá cám dỗ với thế giới phim ảnh. Và theo sau các bộ phim, ta có quyền hy vọng những làng nghề sẽ trở thành những địa chỉ để phát triển văn hóa du lịch trong tương lai.
Nếu tính cả Người tình của đạo diễn người Pháp Jean-Jacques Annaud, bối cảnh sông nước, văn hóa và con người miền Tây Nam bộ đã và sẽ là những yếu tố góp phần tạo nên sự thành công cho các tác phẩm phim ảnh Việt. Phim ảnh không chỉ truyền tải ý nghĩa, thông điệp về số phận của những thân phận long đong, chìm nổi… mà sẽ còn tiếp tục kể về cuộc hành trình bất tận của con người trên vùng đất phương Nam nối bước cha ông hằng trăm năm qua.