Bà Hai là người gốc Bắc, quê Nam Định theo gia đình vô Sài Gòn từ sớm. Bà có căn nhà với mảnh đất lớn nằm ngay mặt tiền một con đường cũng tương đối lớn. Sau này xe cộ Sài Gòn nhiều dần lên, ở mặt tiền bà thấy ồn ào quá nên bà cho vợ chồng ông Bảy mướn làm lò bánh mì.
Ông Bảy trước đi lính, người gốc Sài Gòn. Sau năm 75 phải đi cải tạo, gia đình ly tán, vợ con về quê làm ruộng. Khi về lại Sài Gòn vợ chồng làm đủ nghề cuối cùng chọn quay lại nghề làm bánh mì gia truyền. Lò bánh mì của ông Bảy là lò thủ công, nên nóng nực và ồn nhưng được cái bánh mì ngon, bánh mì bự thiệt bự, nóng giòn và thơm lừng mùi bơ. Bà con đi xe đò thường hay mua về làm quà cho sắp nhỏ dưới quê, bán nhiều trên những cần xé ở Hàng Xanh hay bến xe Miền Đông, Miền Tây. Vợ chồng ông bà Bảy và bà Hai tuy chỉ là khách mướn nhà và chủ nhà nhưng sống với nhau tình cảm, dần dần cũng như chị em trong nhà, chuyện gì cũng chạy qua chạy lại, sớm tối có nhau.
Làm ăn được mấy năm, buôn bán khấm khá, nhà ông bảy dư tiền mới xin mua lại của bà Hai một phần mặt tiền căn nhà mình đang mướn. Năm đó là năm 1992, thời đó giá nhà Sài Gòn rẻ lắm, miếng đất căn nhà của bà Hai ngang 8 thước dài 30 thước, cắt phân nửa phía trước mặt tiền chỉ chừa lối đi hơn một thước để đi ra nhà sau, bán cho vợ chồng ông Bảy giá 27 cây vàng một cái giá không quá rẻ mà cũng không quá mắc thời đó.
Chuyện là vợ chồng ông Bảy tuy là có dư nhưng cũng chỉ gom được có hai chục cây vàng còn thiếu bảy cây. Vợ chồng ông Bảy mới xin nợ lại bà Hai, ít bữa kiếm tiền trả tiếp. Lúc đó không ai nghĩ chuyện gì lớn nên bà Hai cứ ký giấy bán, ghi rõ là số tiền 27 cây vàng đã trả hết còn chuyện thiếu lại 7 cây chỉ là nói miệng với nhau không có ghi vô giấy. Thời đó người ta tin nhau.
Nhưng rồi, đời mà, nhiều chuyện xảy ra. Đầu tiên là ông Bảy bị bịnh chết đột ngột, bà Bảy quá đau buồn nên cũng không còn ham buôn bán nữa. Bà suốt ngày ngồi trước bàn thờ ông, chuyện buôn bán giao lại cho cô con gái đang tuổi ăn, tuổi học, tuổi yêu đương, nên cũng không mặn mà lắm. Ai cũng lơ là cái lò bánh mì đã giúp mình kiếm tiền. Rồi các lò bánh mì khác mọc lên như nấm sau mưa, bánh mì ngon đều giá lại rẻ… cạnh tranh khốc liệt hơn. Cái lò bánh mì của nhà bà Bảy càng lúc càng ế ẩm, chỉ buôn bán cầm chừng. Lúc này thỉnh thoảng bà Hai có nhắc món nợ bảy cây vàng, nhưng bà Bảy không trả nổi, ăn còn thiếu trước hụt sau, lấy gì trả. Bà Hai thấy vậy nên thôi cũng không nhắc nữa, quay qua an ủi bà Bảy.
Sau lại có chuyện anh con trai lớn của bà Hai ra làm ăn sao đó bị thua lỗ còn suýt vướng vô vòng lao lý vì nghe đâu nợ người ta mấy tỷ bạc. Bà Hai bình thường không mấy chiều con nhưng đến nước này, thương con thương cháu, đành đứt ruột ký giấy bán căn nhà thân thương. Lúc bán nhà, bà Bảy có chạy qua ngăn cản, bà Bảy nói :” Thiệt tình là giờ 7 cây vàng tui cũng không có để trả cho chị nhưng bán căn nhà thì uổng quá. Bà Hai cười mà nước mắt chảy dài. Bà Hai nói với bà Bảy: “thôi món nợ đó của bà với tôi, thôi thì bỏ đi, có đáng bao nhiêu đâu. Mình sống nay chết mai, chỉ là sống ít ngày nữa với con với cháu thôi bà ạ”
Căn nhà phía sau lối đi nhỏ nên chỉ bán được hơn bốn tỷ vừa đủ cho con trai trả nợ. Cả bốn thế hệ nhà bà Hai phải dắt díu nhau ra đường, lên tận Gò Vấp thuê một căn nhà cấp bốn ở tạm.
Bà Hai đi được mấy hôm thì một bữa nọ bà Bảy ngủ dậy, tươi tỉnh hẳn, bà ra thắp nhang cho ông Bảy rồi cũng đi rao bán nhà, Căn nhà bà Bảy ở mặt tiền nên bán được 400 cây vàng. Tiền bán nhà bà Bảy chia cho con trai và con gái mỗi đứa 100 cây vàng gửi vô ngân hàng sau này muốn làm gì thì làm. Phần còn lại bà Bảy đem lên Gò Vấp tìm mua một miếng đất lớn cất lên 2 căn nhà cũng khá lớn có sân trước sân sau, hai căn giống y hệt nhau. Bà ở một căn, căn kia bà mời cả gia đình bà Hai về ở. Bà Bảy nói: “Ngày xưa bảy cây vàng là một phần tư căn nhà, tính ra nó tương đương với gần 100 cây. Bây giờ, tôi trả bà cả vốn lẫn lời bằng căn nhà mới này”. Cả nhà bà Hai mừng như vừa được cứu sống, khóc cười cười khóc.