×

Metro gần 35.000 tỷ đồng ở Hà Nội vượt qua “chốt” cuối cùng nhưng chưa hẹn ngày chở khách

Sau 14 năm chờ đợi, đoạn trên cao tuyến Metro Nhổn – ga Hà Nội đã chính thức vượt qua “chốt” cuối cùng để sẵn sàng đưa vào vận hành thương mại.

Sáng 3/8, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết Hội đồng Kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng đã chấp thuận kết quả nghiệm thu có điều kiện với tuyến đường sắt đô Nhổn – ga Hà Nội đoạn đi trên cao.

Hội đồng đã có buổi kiểm tra hiện trường, họp đánh giá kết quả nghiệm thu hoàn thành công trình tại Depot Nhổn vào chiều ngày 2/8.

Như vậy, sau 14 năm chờ đợi (từ năm 2010), tuyến Metro Nhổn – ga Hà Nội đã chính thức vượt qua “chốt” cuối cùng để sẵn sàng đưa vào vận hành thương mại.

Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, dự án hiện các gói thầu thuộc đoạn trên cao đã được thi công đáp ứng yêu cầu thiết kế, công tác quản lý chất lượng và nghiệm thu hoàn thành đã được thực hiện theo quy định, công tác vận hành hệ thống, khai thác thử đáp ứng điều kiện kỹ thuật, hợp đồng dự án. Các thủ tục liên quan đến phòng cháy chữa cháy, môi trường, an toàn hệ thống đã được thực hiện và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.

Metro gần 35.000 tỷ đồng ở Hà Nội vượt qua "chốt" cuối cùng nhưng chưa hẹn ngày chở khách - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Xuân Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng chủ trì cuộc họp chiều 2/8 – Ảnh: MRB

Theo hội đồng, từ khi dự án triển khai, các cơ quan thường trực hội đồng đã tổ chức 21 đợt kiểm tra hiện trường công trình, kiểm tra công tác quản lý chất lượng, hồ sơ thi công, nghiệm thu các hạng mục công trình; từ đầu năm 2024 đến nay đã kiểm tra 6 đợt.

Thông qua kết quả kiểm tra hiện trường, báo cáo của chủ đầu tư (Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội) và các bên có liên quan, Cơ quan Thường trực Hội đồng, ý kiến của các thành viên Hội đồng nhận định, đoạn trên cao thuộc Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị thí điểm Thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn – ga Hà Nội cơ bản đủ điều kiện để được Hội đồng xem xét việc chấp thuận kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư theo quy định.

Tổ chức rà soát toàn bộ, đảm bảo an toàn khi vận hành khai thác
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Xuân Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng cũng lưu ý, trước khi đưa vào khai thác, chủ đầu tư cần yêu cầu các nhà thầu, các bên liên quan tổ chức rà soát toàn bộ các hệ thống, thiết bị phụ trợ phục vụ vận hành, khai thác đảm bảo sẵn sàng, đáp ứng khả năng hoạt động bình thường và đảm bảo an toàn khi vận hành khai thác. Đồng thời vệ sinh công nghiệp toàn bộ đoạn trên cao trước khi bàn giao cho Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội.

UBND Thành phố Hà Nội cũng sớm phê duyệt quy trình vận hành trước khi đưa công trình vào khai thác sử dụng, chỉ đạo Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội phối hợp với chủ đầu tư trong việc tiếp nhận, bàn giao đảm bảo sẵn sàng vận hành công trình, tổ chức rà soát lại công tác chuẩn bị nhân lực phục vụ chạy tàu và thực hiện vận hành, khai thác theo đúng quy trình vận hành và biểu đồ chạy tàu đã được phê duyệt.

Metro gần 35.000 tỷ đồng ở Hà Nội vượt qua "chốt" cuối cùng nhưng chưa hẹn ngày chở khách - Ảnh 2.

Metro gần 35.000 tỷ đồng ở Hà Nội vượt qua "chốt" cuối cùng nhưng chưa hẹn ngày chở khách - Ảnh 3.

Metro gần 35.000 tỷ đồng ở Hà Nội vượt qua "chốt" cuối cùng nhưng chưa hẹn ngày chở khách - Ảnh 4.

Hội đồng Kiểm tra Nhà nước đã tiến hành kiểm tra hiện trường tại Depot – Nhổn – Ảnh: MRB

UBND Thành phố Hà Nội sẽ quyết định thời điểm đưa công trình vào khai thác sau khi các ý kiến của Hội đồng được khắc phục để công trình đáp ứng yêu cầu về vận hành, đảm bảo an toàn.

Trước đó, MRB đề xuất UBND TP Hà Nội vận hành thương mại đoạn trên cao metro Nhổn – ga Hà Nội từ ngày 9/8. Đồng thời, MRB cũng kiến nghị thành phố giao các đơn vị tổ chức phân luồng giao thông, vệ sinh môi trường, không để người dân đổ rác, vật liệu phế thải ở vỉa hè dọc hai bên tuyến đường giúp việc vận hành diễn ra an toàn, thuận lợi.

Tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn – ga Hà Nội có tổng chiều dài chính tuyến là 12,5 km trong đó có 8,5 km đoạn đi trên cao và khoảng 4,0 km đoạn đi ngầm. Lộ trình của tuyến có điểm đầu Nhổn – theo Quốc lộ 32 – Cầu Diễn – Mai Dịch – Nút giao với đường vành đai 3 – Cầu Giấy (nút giao với đường vành đai 2) – Kim Mã – Cát Linh – Quốc Tử Giám- điểm cuối Ga Hà Nội (trên đường Trần Hưng Đạo, trước ga Hà Nội).

Toàn tuyến gồm 8 ga trên cao (ga S1 đến ga S8), 4 ga ngầm (ga S9 đến ga S12), trong đó có 2 ga kết nối trung chuyển.

Quyết định phê duyệt dự án vào năm 2006, Hà Nội dự kiến khởi công năm 2006 để hoàn thành năm 2010. Tuy nhiên, đến tháng 9/2010, dự án mới chính thức khởi công và hơn 10 lần trì hoãn.

Sau nhiều lần lỡ hẹn nên tổng mức đầu tư cho dự án cũng đã tăng từ hơn 18.000 tỷ đồng lên 34.826 tỷ đồng.

Related Posts

Our Privacy policy

https://dailytin24.com - © 2025 News