Cầu Cẩm Lý (huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt chủ trương đầu tư xây mới với tổng vốn gần 800 tỷ đồng, nhằm tách phương tiện đường bộ và đường sắt để đảm bảo an toàn.
Cầu Cẩm Lý (huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) nằm trên quốc lộ 37. Cầu bắc qua sông Lục Nam và được xây dựng từ năm 1979. Đây là cầu duy nhất trên cả nước hiện vẫn còn ô tô và tàu hoả đi chung với nhau.
Do thiết kế ban đầu chủ yếu phục vụ tàu hỏa nên chỉ một chiều có thể lưu thông. Xe qua đây phải chờ đèn đỏ 4-5 phút để nhường đường cho làn xe đối diện. Khi tàu hoả đi qua thì phải chờ hàng chục phút nên dễ dần đến ùn tắc hàng cây số.
Không những thế, làn đường dành cho xe máy, xe đạp chỉ rộng hơn một mét. Thành lan can mỏng và thấp. Sàn cầu làm bằng những tấm bê tông nên khi xe máy di chuyển sẽ bị rung lắc.
Hàng ngày xe tải từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương chạy đi các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng qua cầu Cẩm Lý (Lục Nam, Bắc Giang) vì vừa rút ngắn được hàng chục km, vừa tránh được một số trạm thu phí. Việc “cõng” các xe quá khổ, quá tải đi qua đây mỗi ngày tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho cây cầu.
Công ty Đường sắt Hà Lạng – đơn vị quản lý cầu đường sắt Cẩm Lý, đã liên tục phải sửa chữa, thay mới thanh nan, bảo dưỡng hệ thống thanh sắt và ốc vít nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế, cầm chừng.
Trước tình trạng này, đầu năm 2024 Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt chủ trương đầu tư chủ trương đầu tư dự án xây dựng mới cầu Cẩm Lý, với tổng vốn đầu tư gần 800 tỷ đồng.
Cây cầu mới sẽ có tổng chiều dài 3,2 km. Quy mô đầu tư xây dựng đường cấp 3 đồng bằng, vận tốc thiết kế 80 km/h. Điểm đầu dự án giao với quốc lộ 37 thuộc địa phận xã Cẩm Lý, huyện Lục Nam. Điểm cuối kết nối với quốc lộ 37, thuộc địa phận xã Bắc Lũng, huyện Lục Nam. Trong ảnh là vị trí xây cầu mới.
Dự kiến cầu Cẩm Lý mới sẽ cơ bản hoàn thành vào năm 2025, khi hoàn thành sẽ giúp tăng cường kết nối, nâng cao năng lực khai thác, để bảo đảm an toàn giao thông, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang vận tải từ Bắc Giang và Hải Dương đến các địa phương vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh.