Cùng với TP. Thủ Đức, TP. HCM, đây sẽ là “thành phố trong thành phố thứ hai” của Việt Nam.
Trong tháng 11, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của 21 tỉnh, thành phố, trong đó có TP. Hải Phòng.
Một góc huyện Thủy Nguyên. Ảnh: Báo Chính Phủ
Sau khi thành lập, thành phố Thủy Nguyên sẽ có diện tích 269,1km2 và quy mô dân số 397.570 người. Các xã, thị trấn hiện tại phần lớn sẽ được nâng cấp thành phường. Thành phố mới này sẽ bao gồm 21 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 17 phường và 4 xã: Bạch Đằng, Liên Xuân, Ninh Sơn, Quang Trung.
Thủy Nguyên nằm ở cửa ngõ phía Bắc của TP. Hải Phòng và nhiều năm qua đã duy trì tốc độ phát triển kinh tế – xã hội vượt các mục tiêu đề ra. Với hệ thống giao thông được đầu tư mạnh mẽ, địa bàn này có nhiều tuyến đường quan trọng như Quốc lộ 10 (nối Thái Bình – Hải Phòng – Quảng Ninh), đường liên tỉnh Hải Phòng – Hải Dương, và các tuyến Đường tỉnh 359, 352. Thủy Nguyên cũng có hệ thống đường thủy trên các con sông lớn như sông Cấm, sông Kinh Thầy, sông Bạch Đằng, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế và giao thương với các tỉnh lân cận.
Thủy Nguyên là huyện có diện tích lớn nhất Hải Phòng. Ảnh: Bản đồ Việt Nam
Hiện nay, Trung tâm hành chính – chính trị mới của TP. Hải Phòng trên địa bàn Thủy Nguyên đã cơ bản hoàn thành. Dự kiến vào đầu năm 2025, các cơ quan quan trọng như Thành ủy, HĐND, UBND, các Sở, ban, ngành và Trung tâm dịch vụ hành chính công thành phố sẽ chính thức chuyển về đây hoạt động.
Với những tiềm năng và lợi thế sẵn có, cùng sự chuyển dịch của trung tâm hành chính thành phố, Thủy Nguyên được kỳ vọng sẽ có bước phát triển đột phá. Việc trở thành thành phố trực thuộc Hải Phòng sẽ giúp địa phương hoàn thiện các tiêu chuẩn, đồng thời đóng vai trò hạt nhân thúc đẩy Hải Phòng trở thành trung tâm kinh tế lớn của cả nước và một thành phố hiện đại, có vị thế trong khu vực.