Đầu năm 2025, tỉnh Thừa Thiên – Huế sẽ chính thức “cất cánh” lên TP trực thuộc Trung ương, trở thành TP trực thuộc Trung ương thứ 6 của Việt Nam, vậy người dân tại đây có cần đổi sổ đỏ hay không?
Thông tin trên báo Lao Động cho biết, liên quan đến việc nhiều người dân thắc mắc việc có cần đổi sổ đỏ sau khi Huế trở thành TP trực thuộc Trung ương hay không, Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế đã có giải đáp về vấn đề này.
Theo chia sẻ của Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên – Huế, Nghị quyết số 175 ngày 30/11/2024 của Quốc hội về việc thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương và Nghị quyết số 1314 ngày 30/11/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của TP. Huế, các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sẽ được chia tách, sáp nhập và nâng cấp thành quận, thị xã và phường.
Tỉnh Thừa Thiên – Huế sắp trở thành TP trực thuộc Trung ương thứ 6 của Việt Nam. Ảnh: Internet
Cùng với sự thay đổi này, những thông tin trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cũng sẽ có sự thay đổi, bao gồm:
– Địa chỉ thửa đất, địa chỉ tài sản gắn liền với đất, địa chỉ của người sử dụng đất, địa chỉ của chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, số hiệu thửa đất cùng các thông tin khác có thể thay đổi và cần đăng ký biến động trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp.
Mặc dù vậy, theo quy định pháp luật đất đai hiện hành, những thay đổi về thông tin này không yêu cầu người dân, doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục đăng ký biến động trong một thời gian nhất định.
Do đó, khi hộ gia đình, cá nhân hoặc doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính khác, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh và các chi nhánh sẽ thực hiện đăng ký biến động về thông tin thay đổi, đồng thời đăng ký biến động khác theo yêu cầu của người sử dụng đất hoặc chủ sở hữu.
Với những thắc mắc liên quan đến vấn đề này, Sở TN&MT đã có công văn chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh cùng các chi nhánh trong việc giải quyết thủ tục hành chính về đất đai.
Các đơn vị này không được yêu cầu công dân, tổ chức thực hiện riêng các thủ tục đăng ký biến động, điều chỉnh tên đơn vị hành chính mới.
Theo đó, việc đăng ký thay đổi tên đơn vị hành chính sẽ được giải quyết đồng thời khi người sử dụng đất sử dụng các thủ tục hành chính về đất đai khác, thủ tục này chỉ thực hiện khi người sử dụng đất có nhu cầu, không thu phí thẩm định theo quy định của HĐND tỉnh.
Đến năm 2030, TP. Huế sẽ trở thành đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam. Ảnh: Internet
Ngoài ra, Sở TN&MT cũng đề nghị Sở Tư pháp chỉ đạo các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn, UBND các huyện, thị xã và TP. Huế chỉ đạo UBND các phường, xã, thị trấn thực hiện công chứng, hoặc chứng thực các hợp đồng giao dịch đảm bảo, hợp đồng chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mà không yêu cầu điều chỉnh tên đơn vị hành chính mới trên Giấy chứng nhận đã cấp.
Trước đó, thông tin trên Cổng thông tin Điện tử Quốc hội cho biết, ngày 30/11/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương.
Theo đó, từ ngày 01/01/2025, TP. Huế sẽ là TP trực thuộc Trung ương trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên là 4.947,11km2 và quy mô dân số là 1.236.393 người của tỉnh Thừa Thiên Huế.
TP. Huế có vị trí tiếp giáp TP. Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, tỉnh Quảng Trị, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và biển Đông.
Với việc Huế “cất cánh” lên TP trực thuộc Trung ương, từ ngày 01/01/2025, Việt Nam sẽ có 6 thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm: TP. Hà Nội, TP. HCM, TP. Hải Phòng, TP. Đà Nẵng, TP. Cần Thơ và TP. Huế.
Theo Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định 1745/QĐ-TTg năm 2023: Đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; đến năm 2030 là đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam; một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước; quốc phòng, an ninh được đảm bảo vững chắc; đời sống vật chất và tinh thần người dân đạt mức cao.