Cây cầu này không chỉ là biểu tượng của sự phát triển hạ tầng hiện đại mà còn là niềm tự hào của tỉnh, góp phần thúc đẩy địa phương ngày càng phát triển bền vững.
Cầu Kinh Dương Vương, bắc qua dòng sông Đuống, nối huyện Tiên Du và thị xã Thuận Thành. Với tổng mức đầu tư lên đến 1.927 tỷ đồng, cây cầu này không chỉ là công trình trọng điểm của tỉnh Bắc Ninh mà còn đánh dấu bước tiến vượt bậc trong hạ tầng giao thông khu vực.
Cầu Kinh Dương Vương là cây cầu vòm thép cao nhất Việt Nam. Ảnh: Thu Hương
Khởi công từ năm 2018, đây là cây cầu thứ 6 vắt ngang sông Đuống, bên cạnh những cây cầu biểu tượng như Đông Trù, Phù Đổng, Đuống, Hồ và Bình Than, góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông chiến lược của vùng.
Kết cấu vòm thép uốn lượn mềm mại cùng dây văng là điểm nhấn của cây cầu Kinh Dương Vương. Ảnh: Thu Hương
Cầu có chiều dài 1,5km, với 25 nhịp chính, nổi bật với hình dáng kiến trúc 5 vòm chịu lực mang hình tượng cặp rồng thời Lý. Thân rồng uốn lượn hình chữ S mềm mại, uyển chuyển vờn trên sóng nước, giữa đỉnh vòm là đầu cặp rồng cất cao, đối xứng nhau qua hòn ngọc, tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời. Mỗi thân rồng được trang trí 12 vây, tượng trưng cho 12 tháng mưa thuận gió hòa trong năm.
Cây cầu nổi bật với hình dáng kiến trúc 5 vòm chịu lực mang hình tượng cặp rồng thời Lý. Ảnh: Quang Hồng
Được biết, từ mặt nước lên tới đỉnh vòm cao khoảng 87m, cao nhất Việt Nam. Để hoàn thiện nhịp vòm thép, nhà thầu đã huy động cần cẩu nặng 800 tấn từ miền Nam di chuyển bằng đường thủy suốt một tháng, thể hiện sự đầu tư công phu vào công trình.
Mặt cầu được chia làm 4 làn đường với dải phân cách cứng ở giữa. Ảnh: Quang Hồng
Mặt cầu được chia làm 4 làn đường với dải phân cách cứng ở giữa, đáp ứng nhu cầu giao thông ngày càng tăng. Kể từ khi đi vào hoạt động, cầu Kinh Dương Vương không chỉ giảm tải cho cầu Hồ – vốn thường xuyên ùn tắc, mà còn đóng vai trò quan trọng trong kết nối các tuyến quốc lộ 1, 17, 18.
Cầu Kinh Dương Vương là mắt xích quan trọng trong việc hoàn thiện quy hoạch phát triển giao thông vận tải Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, phục vụ cho sự phát triển kinh tế – xã hội Vùng Thủ đô, trực tiếp là các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương.
Cầu Kinh Dương Vương giúp hoàn thiện kết nối giao thông giữa Bắc Ninh với các địa phương. Ảnh: Quang Hồng
Bên cạnh vai trò giao thông, cầu Kinh Dương Vương còn tạo điều kiện thuận lợi để kết nối các khu di tích lịch sử phía Nam sông Đuống như Lăng Kinh Dương Vương, chùa Dâu, chùa Bút Tháp với các di tích phía Bắc sông Đuống như chùa Phật Tích, Đền Đô. Cây cầu đã mở ra cơ hội phát triển du lịch, văn hóa khi đưa các di sản lịch sử gần hơn với du khách và cộng đồng.
Công trình cầu Kinh Dương Vương không chỉ là biểu tượng của sự phát triển hạ tầng hiện đại mà còn là niềm tự hào của Bắc Ninh, góp phần thúc đẩy địa phương ngày càng phát triển bền vững.
Bắc Ninh là tỉnh có diện tích nhỏ nhất cả nước, tiếp giáp với các tỉnh thành gồm TP. Hà Nội, tỉnh Hải Dương, tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Giang. Theo Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã được phê duyệt vào cuối năm 2023, Bắc Ninh sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030, trở thành trung tâm kinh tế và văn hóa năng động của khu vực phía Bắc.