Năm 2024, tỉnh này thu hút đầu tư 73 dự án, có 69 dự án đầu tư trong nước và 0 dự án FDI.
Thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định, trong năm 2024 toàn tỉnh đã thu hút được 73 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư là 19.172,17 tỷ đồng (tăng 16,5% so với năm 2023), có 115 dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư với tổng tăng thêm 2.144,8 tỷ đồng, có 6 dự án với tổng vốn 305,53 tỷ đồng đang trình UBND tỉnh xem xét, hàng loạt dự án đủ điều kiện tổ chức lựa chọn đầu tư ngay từ đầu năm 2025, nhiều dự án lớn hứa hẹn cũng sẽ được hình thành trong thời gian tới.
Một số địa phương đã đạt và vượt chỉ tiêu thu hút dự án đầu tư được giao từ đầu năm, góp phần đưa tỉnh trở thành điểm đến hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Số vốn đầu tư phân theo địa bàn năm 2024 – Đơn vị tính: Tỷ đồng
Trong 73 dự án đầu tư thu hút được trong năm, có 69 dự án đầu tư trong nước và 4 dự án FDI. Chia theo lĩnh vực cụ thể như sau:
Trên lĩnh vực công nghiệp, toàn tỉnh đã thu hút được 56 dự án trong năm qua, các dự án tập trung chủ yếu tại cụm công nghiệp thuộc địa bàn Thị xã Hoài Nhơn, thị xã An Nhơn và huyện Tây Sơn.
Tiêu biểu có các dự án như: Nhà Máy chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ Hoài Châu của Công ty CP Lâm Nghiệp Kim Thành Lập 503 tỷ đồng; Nhà máy sản xuất viên nén sinh học và chế biến vật liệu gỗ nội thất của Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển kho bãi Nhơn Tân 823 tỷ đồng; Dự án Nhà máy sản xuất viên nén chất đốt wood pellet của Công ty TNHH Phú An Thành Bình Định 250 tỷ đồng…
Trong lĩnh vực bất động sản, thương mại dịch vụ, kinh tế đô thị vẫn là nhóm ngành tạo dấu ấn vượt trội vào thời gian qua với kết quả thu hút mới 05 dự án đầu tư mới và 01 dự án chuyển nhượng.
Tiêu biểu là các dự án như: Dự án điểm số 2 (2 – 2), Khu du lịch biển Nhơn Lý – Cát Tiến 2.584,3 tỷ đồng; dự án Khu đô thị Tây Nam xã Nhơn Lý hơn 2.812 tỷ đồng; dự án Khu dân cư, dịch vụ và giáo dục phía Tây đường Tây Sơn hơn 1.730 tỷ đồng…
Số lượng dự án phân theo địa bàn. Nguồn: Binhdinh.gov
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, năm qua toàn tỉnh đã thu hút được 05 dự án tại các huyện Tây Sơn, Phù Cát, Vĩnh Thạnh, tiêu biểu gồm các dự án: Khu sản xuất, chế biến nông, lâm sản tập trung tại Thôn 2, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, với vốn đầu tư gần 500 tỷ đồng của Công ty Cổ phần Vinanutrifood Bình Định; dự án Trang trại chăn nuôi heo Vĩnh Quang tại Thôn Định Quang, xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Thạnh, với tổng vốn gần 132 tỷ đồng của Công ty TNHH Nông nghiệp Công nghệ cao Vĩnh Quang,…
Năm 2025, Bình Định xác định ưu tiên triển khai một loạt các dự án lớn, mang tính chiến lược, tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế – xã hội bền vững và toàn diện.
Cụ thể, dự án hạ tầng khu công nghiệp, với 2 dự án trọng điểm là Khu công nghiệp Hoài Mỹ, Hoài Nhơn và dự án KCN Phù Mỹ, các khu công nghiệp này mang tính chiến lược, được kỳ vọng thu hút các dự án sản xuất công nghiệp lớn, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại địa phương.
Tiếp đến là dự án nâng cấp sân bay Phù Cát nhằm cải thiện năng lực vận chuyển hành khách và hàng hóa, đồng thời thúc đẩy du lịch và thương mại.
Bình Định sẽ phát triển du lịch với các dự án tầm cỡ quốc tế tại Tân Thắng, La Vuông, Bãi Con nhằm phát triển thành các điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp quốc tế. Các dự án này không chỉ khai thác tối đa tiềm năng tự nhiên mà còn góp phần quảng bá hình ảnh địa phương ra quốc tế.
Dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam có chiều dài 1.541km với điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP. HCM). Tuyến đường sắt đi qua 20 tỉnh, thành phố. Mỗi địa phương được bố trí 1 nhà ga; bên cạnh đó, có 3 tỉnh có tới 2 nhà ga. Trong đó, Bình Định là một trong 3 địa phương được bố trí sắp xếp 2 nhà ga đường sắt tốc độ cao Bắc Nam. Cụ thể, 2 ga ở Bình Định gồm ga Bồng Sơn được đặt tại thị xã Hoài Nhơn và ga Diêu Trì tại huyện Tuy Phước.