Khi nhắc đến con phố này chắc hẳn nhiều người sẽ ‘vỡ òa’ vì quá quen thuộc nhưng ít ai biết lịch sử tên gọi của nó.
Theo sách Từ điển đường phố Hà Nội, trong số những con phố cổ ở trung tâm thủ đô, có một đường phố mang tên gọi lạ lùng đó là phố Tien Tsin trước Cách mạng tháng Tám. Nghe thì có vẻ kỳ lạ nhưng thực ra đó chính là phố Hàng Gà ngày nay, theo cuốn từ điển của nhà nghiên cứu Giang Quân.
Cho tới thời điểm hiện tại vẫn chưa rõ phố Hàng Gà được chính quyền bảo hộ Pháp đổi tên thành phố Tien Tsin từ năm bao nhiêu nhưng có khả năng là từ đầu thế kỷ 20 bởi khi đó có đợt chỉnh trang lại phố xá năm 1902.
Về lai lịch con phố này, phố Hàng Gà là đất thôn Tân Lập – Tân Khai (thành lập năm Minh Mạng thứ 3 (1822), tổng Tiền Túc (sau đổi là tổng Thuận Mỹ), huyện Thọ Xương cũ. Vị trí phố nằm gần cửa Đông thành Hà Nội, đây là khu vực có nhiều người mang gà vịt đến để bán, khác với Dốc Hàng Gà đầu phố Huế ngày nay, gần chợ Hôm. Vào thời kỳ đầu nhà Nguyễn, phố Hàng Gà được viết trên các giấy tờ hành chính là phố Tân Khai, tuy nhiên dân chúng lại gọi đoạn bên trên nối tiếp với phố Hàng Cót gọi là phố Hàng Gà.
Tới năm 1919, chính quyền Hà Nội đổi tên phố này thành phố Broni, tên một viên sĩ quan Pháp chết trận ở ngoài Cửa Đông thành Hà Nội. Tới năm 1933, họ lại đổi lại tên là phố Tien Tsin.
Vào năm 1945, Thị trưởng thành phố Hà Nội Trần Văn Lai đã ký quyết định đổi tên phố Tien Tsin trở lại thành phố Hàng Gà. Ngoài ra, một số con phố “Hàng” khác có tên thực dân Pháp cũng trở lại tên cũ, ví dụ như Hàng Chĩnh (Vases), Hàng Bông (Coton), Hàng Trống (Jules Ferry), Hàng Chuối (Beylier), Hàng Đường (Sucre), Hàng Than (Charbon), Hàng Quạt (Éventails), Hàng Đậu (Graines), Hàng Hương (Joffre), Hàng Khay (Paul Bert),… Nếu có dịp đến thủ đô Hà Nội, bạn có thể ghé qua phố Hàng Gà để cảm nhận được một thoáng lịch sử đong đầy ký ức xưa, hiện tại ở đây có rất nhiều hàng quán với các món ẩm thực đa dạng để du khách thưởng thức.