Dự kiến tháng 12/2027 sẽ chính thức khởi công Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.
Ngày 26/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chủ trì phiên họp thứ ba của Ban Chỉ đạo xây dựng đề án thực hiện chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam cũng như các dự án đường sắt quan trọng quốc gia.
Theo Phó Thủ tướng chính phủ, mục tiêu của dự án đường sắt Bắc – Nam không chỉ xây dựng được một tuyến đường sắt tốc độ cao, mà còn phát triển ngành công nghiệp đường sắt tốc độ cao, đủ năng lực thi công, quản lý, vận hành, khai thác…
Phối cảnh Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam. Ảnh minh họa
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh mục tiêu không chỉ xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao, mà còn phát triển ngành công nghiệp đường sắt đủ năng lực thi công, quản lý, vận hành và khai thác.
Theo lãnh đạo Chính phủ, kế hoạch thực hiện dự án cần rõ ràng, đồng bộ, bài bản từ xây dựng cơ chế chính sách, quy chuẩn, tiêu chuẩn, đến khảo sát, thiết kế, lựa chọn công nghệ và tổ chức vận hành. Từng bước phải đảm bảo tính khoa học, tránh tình trạng “vừa làm vừa chờ”.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy cho biết, sau khi Quốc hội thông qua, bộ đã xây dựng kế hoạch tổng thể, bao gồm lựa chọn tư vấn, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, đấu thầu các gói thi công và dự kiến khởi công vào tháng 12/2027.
Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam là dự án giao thông trọng điểm quốc gia. Ảnh minh họa
Lãnh đạo các Bộ ngành cũng bàn thảo nhiều vấn đề trọng tâm như phát triển công nghiệp cơ khí đường sắt, đào tạo nhân lực, huy động vốn, xây dựng kế hoạch sử dụng đất theo định hướng TOD (phát triển đô thị gắn với giao thông).
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đề xuất phối hợp xác định nhu cầu nhân lực phù hợp với công nghệ, “càng chi tiết càng tốt”.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh việc lựa chọn các đơn vị tư vấn thiết kế và giám sát phải là những tổ chức có uy tín và năng lực hàng đầu thế giới.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý, việc ban hành nghị quyết của Chính phủ cần toàn diện, linh hoạt, đảm bảo tính khả thi để không chỉ hoàn thiện tuyến đường sắt tốc độ cao mà còn mở rộng thêm trong tương lai. Việt Nam phải làm chủ toàn bộ quy trình phát triển, từ thông tin, điều khiển, vận hành đến các hệ sinh thái kinh tế liên quan.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Kế hoạch cần rõ ràng về sản phẩm, tiến độ, người thực hiện và trách nhiệm của từng bên”. Đồng thời, phải sửa đổi Luật Đường sắt, bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến công nghệ, thiết bị, vận hành và an toàn xây dựng.
Phó Thủ tướng yêu cầu lựa chọn các đơn vị tư vấn quốc tế uy tín và xây dựng tiêu chí để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia cung cấp sản phẩm, dịch vụ. “Cần xác định rõ doanh nghiệp trong nước sẽ đảm nhận khâu nào, nhập khẩu thiết bị gì, và hướng tới phát triển sản xuất đa mục đích”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết.
Bên cạnh đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cần tái cơ cấu bộ máy để sẵn sàng tham gia triển khai dự án và tiếp nhận vận hành sau khi hoàn thành. Các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin, dữ liệu vận hành và xử lý sự cố cũng phải được thực hiện chặt chẽ, từng bước làm chủ hoàn toàn.
Với dự án trải dài từ Bắc vào Nam, mọi công việc cần được phân chia rõ ràng, từ các công trình xây dựng đến các hoạt động phi công trình, đảm bảo xuyên suốt và hiệu quả.
Mới đây, theo tính toán của Bộ GTVT, thời gian hoàn vốn cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam khoảng 17,7 năm. Nguồn thu từ giá vé khó có thể bù đắp chi phí nhưng nguồn thu từ quỹ đất khi phát triển các khu đô thị, khu thương mại hứa hẹn đem lại hàng tỷ USD cho ngân sách.
Trong báo cáo tiền khả thi, nguồn thu từ khai thác quỹ đất tại các khu vực phát triển định hướng giao thông (TOD) và khai thác thương mại dự kiến đạt khoảng 22 tỷ USD, theo Tạp chí VnEconomy.
Trong đó, 5 tỷ USD từ quảng cáo và dịch vụ, còn lại 17 tỷ USD từ quỹ đất. Theo phương án đề xuất, địa phương sẽ giữ lại 8,5 tỷ USD trong tổng số này, còn 8,5 tỷ USD sẽ được góp vào đầu tư cho dự án