Đô thị đặc biệt này dự kiến sẽ thu hồi khoảng 136ha đất để xây dựng 2 tuyến vành đai với tổng vốn đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng.
Thông tin trên báo Lao Động cho biết, tháng 7/2023, Hội đồng Nhân dân (HĐND) TP. Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 14/NQ-HĐND về quyết định chủ trương đầu tư dự án “Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3,5 đoạn từ Phúc La – Văn Phú đến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ”.
Theo đó, dự án này được chia làm 3 dự án thành phần, gồm 2 dự án bồi thường hỗ trợ tái định cư với sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 8.556 tỷ đồng.
Đường Vành đai 3,5 dài 10,34km, điểm đầu Km0+000 thuộc phố Văn Khê, quận Hà Đông, điểm cuối ở Km10+340 giao với cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, có chiều rộng mặt cắt ngang 60-80m, tốc độ thiết kế 80km/h.
Vị trí Dự án Vành đai 3,5. Ảnh: Báo Lao Động
Trên tuyến sẽ được đầu tư xây dựng 6 công trình cầu gồm: Cầu sông Nhuệ, Hòa Bình, Tô Lịch, cầu vượt Quốc lộ 1A, cầu vượt đường sắt và cầu vượt nút giao cao tốc Pháp Vân- Cầu Giẽ.
Tuyến đường gồm có các nút giao chính gồm nút giao Văn Khê (Km0); nút giao đường trục phía Nam vượt đường sắt (Km1+757,80); nút giao đường sắt hiện hữu (Km5+857,55); nút giao Quốc lộ 1A (Km9+147,75) và nút giao cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ (Km10+324,36).
Để triển khai thực hiện dự án, tổng diện tích đất dự kiến cần thu hồi để thực hiện dự án ở vào khoảng 1.299.353m2 (129,9ha), trong đó đất trồng lúa 2 vụ khoảng 48,54ha.
Chủ đầu tư sẽ tiến hành lựa chọn nhà thầu thi công trong quý IV/2024 – quý I/2025. Dự kiến, công trình sẽ hoàn thành, bàn giao vào quý IV/2027.
Vị trí các cây cầu trên tuyến Vành đai 3,5. Ảnh: Báo Lao Động
Việc triển khai Dự án Vành đai 3,5 đoạn Phúc La – Văn Phú đến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ nhằm giúp giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông, góp phần đẩy nhanh tốc độ hình thành các khu đô thị trong khu vực giữa Vành đai 3 và Vành đai 4, đẩy mạnh việc khai thác tiềm năng về quỹ đất, nhân lực, vật lực cũng như nhằm mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội tại Thủ đô.
Thông tin trên báo Tiền Phong cho biết, trong giai đoạn 2022 -2026, quận Thanh Xuân cũng sẽ tiến hành thu hồi 60.902m2 đất của 681 trường hợp để triển khai Dự án Xây dựng đường Vành đai 2,5 đoạn từ Nguyễn Trãi (Quốc lộ 6) đến Đầm Hồng.
Tuyến đường có chiều dài khoảng 1.520m, chiều rộng 40m, lòng đường 22,5m với 6 làn xe, vỉa hè 14,5m và dải phân cách rộng 3m, điểm đầu kết nối với đường Nguyễn Trãi (phường Thượng Đình), điểm cuối tại Đầm Hồng – Quốc lộ 1 (phường Khương Đình).
Cấp hạng của tuyến đường là đường liên khu vực, được thiết kế với vận tốc 60km/h. Đây là dự án nhóm A với tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng, do UBND quận Thanh Xuân làm chủ đầu tư.
Vị trí tuyến Vành đai 2,5 sẽ đi qua. Ảnh: Báo Tiền Phong
Dự án được phê duyệt triển khai trong giai đoạn 2022-2026.
UBND TP. Hà Nội đã chấp thuận quỹ nhà tái định cư cho dự án tại tòa nhà CTI.1B, CTI.2 Vĩnh Hoàng, quận Hoàng Mai và dự án tòa nhà C1, số 289A đường Khuất Duy Tiến, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy.
Dự án sau khi hoàn thành góp phần hoàn thiện và thông suốt tuyến đường Vành đai 2,5, nhằm góp phần giải quyết tình trạng ách tắc giao thông trong khu vực và thúc đẩy kinh tế – xã hội khu vực Thanh Xuân nói riêng và TP nói chung có cơ hội phát triển.
Theo Nghị quyết số 1210/2016, đô thị đặc biệt được xác định có vị trí, chức năng và vai trò quan trọng, bao gồm Thủ đô hoặc trung tâm tổng hợp cấp quốc gia, quốc tế về các lĩnh vực như kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục, đào tạo, du lịch, y tế, khoa học và công nghệ. Ngoài ra, đô thị đặc biệt còn là đầu mối giao thông và giao lưu quốc tế, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của cả nước.
Theo quy định, một đô thị đặc biệt phải có quy mô dân số từ 5 triệu người trở lên, trong đó khu vực nội thành phải đạt từ 3 triệu người trở lên.
Hiện tại, Hà Nội và TP. HCM là hai thành phố được xếp loại đô thị đặc biệt. Thủ đô Hà Nội có diện tích hơn 3.358km2 với dân số hơn 8,2 triệu người, trong khi TP. HCM rộng 2.095km2 với dân số gần 10 triệu người.