Đồng bằng sông Cửu Long nổi tiếng có 9 cửa sông đổ ra biển được ví như 9 “con rồng”. Tuy nhiên theo thời gian, đã có 2 cửa sông biến mất.
Việt Nam nổi tiếng có 2 đồng bằng trù phú nằm ở miền Bắc và miền Nam là Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long. Cả 2 đồng bằng này đều có lượng phù sa màu mỡ bồi đắp phục vụ cho sinh hoạt và canh tác của người dân. Trong đó, Đồng bằng sông Cửu Long được thành do hạ nguồn sông Mê Kông đổ vào tạo thành 2 dòng sông là Tiền Giang và Hậu Giang.
Hình ảnh 9 cửa sông của Đồng bằng sông Cửu Long cùng đổ ra biển
Từ 2 dòng sông này tạo nên 9 cửa sông đổ ra biển mà người Việt ví như 9 “con rồng” uốn lượn quanh năm mang theo phù sa bồi đắp đồng bằng. Theo tìm hiểu của các chuyên gia về địa lý, 9 cửa sông này lần lượt gọi là cửa Tiểu, cửa Đại, cửa Ba Lai, cửa Hàm Luông, cửa Cổ Chiên, cửa Cung Hầu, cửa Định An, cửa Ba Thắc (Bassac), cửa Trần Đề.
Theo thời gian, cửa sông Bassac và cửa sông Ba Lai đã bị lắp đi
Hình ảnh cửa sông Ba Lai hiện tại
Được biết, sông Ba Lai là một nhánh rẽ của sông Tiền ở xã Phú Túc (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) dài 55 km và là ranh giới giữa Cù lao An Hóa và Cù lao Bảo. Cửa sông Ba Lai hiện đã bị lấp bởi cống đập Ba Lai (xã Thạnh Trị, huyện Bình Đại) và nối bên bờ kia là xã Tân Xuân (Ba Tri).
Con đò ngang qua sông Cổn Tròn, là cửa Ba Thắc khi xưa
Trong khi đó, sông Ba Thắc (hay còn gọi là sông Bassac) nằm ở Cù lao Dung (tỉnh Sóc Trăng) cũng không còn. Cù lao Dung nổi lên như trung tâm của các cồn nổi kéo dài liên tiếp nhau do phù sa sông bồi đắp. Chính những cồn nổi này khiến lượng nước đổ vào sông Ba Thắc ngày càng ít hơn rồi biến mất theo dòng chảy của thời gian. Người dân sống 2 bên bờ sông lúc trước cảm thán, giờ chỉ còn nhìn thấy một con rạch nhỏ, 2 bờ cách nhau chỉ 7-8 mét.
Mặc dù mất đi 2 cửa sông nhưng mỗi khi nhắc đến khu vực này, người ta vẫn gọi là 9 “con rồng” đổ ra biển
Mặc dù hiện tại chỉ còn 7 cửa sông và đã đánh mất 2 “con rồng” nhưng người ta vẫn gọi Đồng bằng sông Cửu Long chứ không gọi là “Thất Long” vì ý nghĩa lịch sử gắn liền với truyền thống văn hóa, nét đẹp địa lý ngàn đời của người Việt Nam. Ngoài ra, người xưa quan niệm “cửu” là số 9, mang ý nghĩa tốt đẹp, tượng trưng cho sự vĩnh cửu, không bao giờ thay đổi. Chính vì vậy, cái tên “Cửu Long” vẫn còn nguyên ý nghĩa và giá trị đến hiện nay.