Trong bài “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa” của Trương Quý Hải có đoạn: “Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa. Cái rét đầu đông khăn em bay hiu hiu gió lạnh. Hoa sữa thôi rơi, em bên tôi một chiều tan lớp. Đường Cổ Ngư xưa chầm chậm bước ta về”.

 

Nhiều người thắc mắc không biết đường Cổ Ngư là đường nào vì chưa bao giờ nghe tên. Thật ra đường Cổ Ngư chính là đường Thanh Niên ngày nay. Cổ Ngư xưa vốn mang tên Cố Ngự, nghĩa là giữ vững. Theo thời gian người dân đọc chệch đi thành Cổ Ngư.

duong-thanh-nien-6

Đường này chỉ dài gần 1km, bắt đầu từ dốc Yên Phụ đến ngã ba Quán Thánh – Thụy Khuê. Nó vốn là con đập được đắp vào đầu thế kỷ 17 để tiện bắt cá trong hồ Tây và hồ Trúc Bạch. Đến khi Pháp có mặt, bắt đầu chú ý hơn vào con đường này. Thời điểm đắp đê Yên Phụ, người Pháp cũng mở rộng đường Cổ Ngư, trồng hai hàng phượng hai bên đường, lắp thêm đèn đốt bằng khí đất để thắp sáng ban đêm.

Dưới thời Pháp thuộc, đường Cổ Ngư có tên Lyoutey. Nhưng người dân Hà Nội vẫn yêu quý cái tên cổ của nó và chỉ gọi là Cổ Ngư.

duong-thanh-nien-1

Những năm 1957-1959, đường Cổ Ngư được lực lượng thanh niên tham gia cải tạo trở nên to đẹp hơn. Bác sĩ Trần Duy Hưng khi đó là Chủ tịch UBND Hà Nội đã đến gặp Bác Hồ và hỏi về việc đặt tên mới cho đường này. Chính Bác Hồ là người đã quyết định đặt tên đường là Thanh Niên để ghi nhận và cổ vũ sự đóng góp của thế hệ trẻ. Cái tên mới của con đường chính thức xuất hiện từ đó.

duong-thanh-nien-2

Đầu đường Thanh Niên, nằm trong vườn hoa Tây Hồ, bên tượng Lý Tự Trọng còn có một cây đa do chính tay Bác Hồ trồng. Đây là một trong những con đường đẹp nhất, lãng mạn nhất Thủ đô. Lòng đường không quá rộng nhưng sạch, đẹp, vỉa hè thoáng, nhiều cây xanh. Nhìn từ trên cao, đường Thanh Niên như một cây cầu bắc ngang qua hồ Tây và hồ Trúc Bạch. Trên đường còn có ngôi chùa cổ Trấn Quốc, được xây từ thời Lý Nam Đế.

duong-thanh-nien-4

duong-thanh-nien-5

Ngày nay, đường Thanh Niên trở thành địa điểm được giới trẻ yêu thích, thường xuyên đến ngắm cảnh. Mỗi khi bình minh hay hoàng hôn, ánh mặt trời chiếu xuống mặt hồ, càng khiến con đường này trở nên thơ mộng. Thế nên nhiều người mới đặt tên cho đường Thanh Niên là “đường tình yêu”, gọi nó là đường lãng mạn nhất Hà Nội.