Người khác có thể thấy em tôi bồng bột nhưng ở trong cuộc mới hiểu gốc rễ vấn đề.

Chẳng có cô gái nào trên đời này lại không muốn mình có được một đám cưới trong mơ, hoặc chí ít là một đám cưới đàng hoàng trước khi bước chân về nhà chồng. Thế nhưng không phải ai cũng có thể đạt được cái mơ ước đơn giản đó.

Nhà tôi có 2 chị em gái, tôi tuy là chị nhưng chưa lập gia đình. Chuyện chưa tính đến chồng con này của tôi cũng đã khiến bố mẹ phiền lòng nhiều lắm rồi nhưng nói thật tôi nghĩ rằng thà bố mẹ phải đau đầu vì con cái không chịu lấy chồng còn hơn là phải đau đầu vì con cái bỏ chồng.

Cái Ly em gái tôi thì lại quyết định chạy theo tiếng gọi của tình yêu khá là sớm, con bé mới 25 tuổi thôi. Bố mẹ và người lớn trong họ thì cho rằng 25 tuổi lấy chồng là chuyện bình thường, muộn hơn thì thành ế rồi còn đâu nhưng tôi thì thấy tuổi 25 cái gì cũng chưa ổn định, lấy thêm chồng để càng không ổn định hơn nữa à?

Nhưng thôi, giống như việc chẳng ai bắt tôi phải đi lấy chồng được thì cũng chẳng ai cấm em tôi không đi lấy chồng được cả.

Qua rất nhiều chuyện của người quen, người nhà thì tôi nhận ra mỗi dịp cưới xin diễn ra thì các cặp đôi hay nảy sinh mâu thuẫn lắm. Nhiều trường hợp rõ ràng đang yêu thương nồng thắm vừa tính đến chuyện cưới hỏi cái là thành ra bỏ nhau luôn. Đấy là còn chưa tính đến chuyện mâu thuẫn giữa nàng dâu và nhà chồng.

Chính vì thế cứ mỗi lần có ai nói với tôi chuyện chuẩn bị cưới xin là tôi hơi e ngại cho họ. Riêng cái công tác chuẩn bị thôi đã đủ thứ chuyện có thể xảy đến rồi. Hôm đó, khi mà cái Ly nó bảo với tôi rằng 2 đứa nó tính cuối năm cưới là tôi đã cảnh báo trước có gì cũng từ từ bàn bạc đừng có mà sồn sồn lên.

Y như những gì tôi đã cảnh báo, chúng nó dự định cưới vào tháng 10 nhưng đã chuẩn bị từ tháng 6 và kể từ đó đến giờ 2 đứa nó cãi cọ liên miên. Chính cái Ly nhà tôi còn bảo yêu đương 4 năm trời chúng nó cãi nhau còn không nhiều bằng 4 tháng vừa qua.

Em gái tôi cởi bỏ áo cưới và trả lại nhẫn ngay trước mặt nhà trai vì cách xưng hô của bố chồng với bố mẹ mình- Ảnh 1.
Những lý do để 2 đứa nó cãi nhau thì có vô vàn từ việc đặt rạp cưới màu gì đến chuyện chụp ảnh cưới ở đâu rồi cỗ bàn như thế nào… Cứ hễ động vào vấn đề cưới xin là chúng nó cãi nhau, cãi cọ nhiều đến nỗi càng sát ngày cưới tình cảm của 2 đứa càng ở mức đáng báo động.

Thế nhưng có một chuyện khiến chúng nó mãi không thể giải quyết được đó là vấn đề nằm ở bố chồng tương lai của nó. Chuyện nghe thì rất đơn giản nhưng thực chất lại rất có vấn đề.

Về tuổi tác thì bố chồng cái Ly kém tuổi bố tôi nhưng lại nhiều tuổi hơn mẹ tôi, vì là 2 bên thông gia nên thông thường người ta sẽ xưng hô là “ông/bà – tôi”. Mọi chuyện sẽ không có gì khi cứ xưng hô ngang bằng như thế, bố tôi mặc dù hơn tuổi cả ông lẫn bà thông gia nhưng vẫn xưng là tôi và gọi họ là ông/bà. Thế nhưng bố chồng của cái Ly lại thích đi theo lối đi riêng.

Ông ấy cho rằng bản thân hơn tuổi mẹ tôi nên liên tục xưng “anh” và gọi mẹ tôi là “cô”, đoạn này đã là không nên rồi nhưng thôi thì phiên phiến bỏ qua được nhưng không hiểu sao bố tôi hơn tuổi ông ấy mà ông ấy lại nhất quyết gọi bố tôi là “chú” và xưng là “tôi”.

Bố tôi không thoải mái với kiểu nói chuyện này nên đã đôi lần nhắc khéo con rể rồi, chính em rể cũng liên tục nhắc nhở bố mình nhưng không biết vì lý do nào mà ông ấy nhất quyết không chịu thay đổi.

Đã vậy, cứ hễ có chuyện gì là ông ấy lại gọi điện cho bố mẹ tôi. Gọi điện để mách tội con dâu tương lai mà toàn những chuyện lông gà vỏ tỏi như vậy cái Ly nó nhớ không hết người trong họ nên chào hỏi không đúng thứ bậc. Bản thân ông ấy xưng hô đã chuẩn đâu nhưng lại liên tục soi xét con dâu trong cách xưng hô.

Hôm ấy là trước ngày cưới đúng 1 ngày, 11h đêm tự nhiên bố chồng tương lai của cái Ly gọi điện cho bố tôi để mách tội con bé, mách tội gì bố tôi cũng không nhớ nữa vì hôm ấy bố tôi cực kỳ khó chịu rồi nên ông ấy nói gì bố tôi cũng nghe không lọt tai.

Điều đáng nói là tất cả mọi người đều có cảm giác ông ấy cô tình gọi điện và nói chuyện nhiều với bố tôi chỉ để được xưng hô “chú – tôi”. Cách xưng hô cực kỳ thiếu tôn trọng thông gia. Bố tôi đã cố nhịn đi vì con gái rồi nhưng càng nhịn thì ông ấy càng quá đà.

Ngày hôm sau là ngày cưới, đám cưới bắt đầu từ 4 tháng trước kéo dài đến giờ với quá nhiều vấn đề nên sự vui vẻ gần như chẳng còn gì hết, mọi thứ dường như chỉ làm cho nó xong mà thôi. Thế nhưng một biến cố ập đến khiến đám cưới này thật sự “xong”.

Rượu vào kha khá, bố chồng cái Ly bắt đầu không kiểm soát được ngôn từ, ông ấy khề khà kể với họ hàng rằng cố tình xưng hô như thế để nhà gái biết là “dưới phân” mình. Nhà gái kể cả có hơn tuổi cũng chỉ là hàng dưới nhà trai mà thôi, gọi là “chú” tức là “chú em” cho quen dần đi chứ đừng có suy nghĩ ngang hàng được với nhà trai.

Nghe xong câu đó, dường như đã chạm vào giới hạn cuối cùng của cái Ly. Em gái tôi lặng lẽ đứng dậy, đi vào phòng trống cởi bỏ áo cưới, mặc lại quần áo bình thường rồi đi ra ngoài đưa trả cho nhà trai nhẫn cưới lẫn vàng cưới. Nó thậm chí còn không thèm nói lý do, chỉ buông ra 1 câu duy nhất:

– Không có cưới xin gì nữa!

Nói xong nó đi ra khỏi nhà hàng, tắt điện thoại không ai liên lạc được nữa.

Cả đám cưới loạn thành mớ bòng bong nhưng tôi và bố mẹ mình đã kịp đứng ra xử lý hết mọi việc. Trước mặt quan khách thì đám cưới vẫn diễn ra bình thường như không có chuyện gì xảy ra, chỉ là sau đám cưới đó, em tôi không hề về nhà chồng, không đăng ký kết hôn và hoàn toàn chấm dứt với chồng nó mà thôi.

Đến tận giờ phút này, tôi cũng chưa biết là nó dự tính thế nào nhưng quả thật rất khó để nói nó, nó làm thế cũng không có sai nhưng chẳng lẽ cứ thế mà em tôi lại thành gái đã một đời chồng?