Sau gần 6 năm tuyến buýt nhanh BRT đi vào hoạt động, sự không hợp lý, không hiệu quả đã thấy rõ. Người tham gia giao thông mệt mỏi, ức chế mỗi lần phải lưu thông trên trục đường này mỗi ngày.
Từ khi hoàn thiện và được đưa vào khai thác (1/1/2017), tuyến buýt nhanh BRT 01 đã nhận được những phản hồi không tích cực của người tham gia giao thông. Thời điểm đó, nhiều ý kiến cho rằng việc tách biệt hẳn một làn đường dành riêng cho xe buýt nhanh BRT trên trục đường từ Yên Nghĩa (Hà Đông) đến Cát Linh (Đống Đa) là không hợp lý.
Sau gần 6 năm tuyến buýt nhanh BRT đi vào hoạt động, sự không hợp lý, không hiệu quả đã thấy rõ. Tháng 7/2021, Thanh tra Chính phủ kiến nghị UBND TP Hà Nội thu hồi hơn 42 tỷ đồng từ sai phạm tại một gói thầu trong dự án buýt nhanh BRT.
Hình ảnh xe buýt nhanh BRT trong giờ cao điểm tại nút giao cầu vượt Lê Văn Lương – Láng Hạ.
Cũng mới đây, Thanh Tra Bộ Xây dựng vừa có kết luận chỉ ra hàng loạt sai phạm trong quy hoạch xây dựng, quản lý xây dựng tại khu vực 2 bên đường Lê Văn Lương, Tố Hữu. Trục đường này cũng chính là nơi xe buýt nhanh BRT lưu thông.
Hàng loạt cao ốc, chung cư cao tầng, khu đô thị mọc lên men theo trục đường này đã khiến cho mật độ phương tiện tham gia giao thông tăng lên đột biến trong những năm qua. Người dân mỗi ngày phải lưu thông trên trục đường này bằng phương tiện cá nhân như ô tô, xe máy đều cảm thấy ngột ngạt, ức chế.
Anh Đỗ Văn Quân (La Khê, Hà Đông) bức xúc: “Một ngày 2 lần tôi phải lưu thông trên trục chung với làn xe buýt nhanh BRT, công việc văn phòng nên toàn phải đi đúng giờ cao điểm. Đường thì được 3 làn, một làn dành cho xe buýt BRT, còn lại 2 làn, ô tô, xe máy chen nhau từng bánh xe ở những điểm giao cắt”.
Ngoài xe máy thì các phương tiện giao thông khác đặc biệt là ô tô cá nhân không dám đi vào làn BRT vì sợ phạt.
Theo ghi nhận, một số điểm đen thường xuyên xảy ra xung đột giao thông giữa xe buýt BRT và các phương tiện giao thông khác như nút giao cầu vượt Lê Văn Lương – Láng Hạ, Tố Hữu – Khuất Duy Tiến, Tố Hữu – Vũ Trọng Khánh, Lê Trọng Tấn – Quang Trung.
Tại nút giao Lê Trọng Tấn -Quang Trung, cảnh ùn ứ, ô tô xếp hàng dài để qua nút giao thông này xảy ra hàng ngày. Chị Trần Bích Phượng (Hà Đông) bức xúc: “Theo tôi nên để ô tô, xe máy đi vào làn đường BRT, vào giờ thấp điểm, cả một làn đường trống trải bỏ không, thi thoảng mới có xe buýt BRT đi vào. Ô tô cá nhân không dám đi vào vì sợ bị phạt nên đành chen nhau với xe máy”.
Xe buýt BRT một mình một làn đường trong giờ thấp điểm.
Anh Bùi Hoàng Thanh (Đống Đa) cho biết: “Tôi mới nghe thông tin sắp tới sẽ cho một số loại phương tiện giao thông nhất định đi chung đường với làn buýt nhanh BRT. Theo tôi nên để tất cả các phương tiện giao thông đi chung, phân làn ô tô xe máy rõ ràng, điều tiết lại giao thông ở những điểm nóng, may ra giao thông mới bớt lộn xộn trên trục đường này”.
Mới đây, Sở GTVT Hà Nội đề xuất cho một số phương tiện đi chung với làn đường của xe buýt nhanh BRT nhằm giảm ùn tắc giao thông trên tuyến.
Tại Báo cáo phương án điều chỉnh, tổ chức giao thông, giải quyết ùn tắc giao thông trên các tuyến đường, Sở GTVT Hà Nội vừa đề xuất TP Hà Nội trên tuyến đường dành riêng cho xe buýt nhanh BRT 01 cho phép các phương tiện lưu thông vào gồm: Xe vận tải khách khối lượng lớn từ 24 chỗ trở lên, các loại xe công vụ, xe cứu nạn, xe buýt thường.
Cảnh ùn tắc giao thông tại nút giao Lê Trọng Tấn – Quang Trung (Hà Đông).
Tuyến BRT là trục xuyên tâm, do tập trung các phương tiện ra, vào khu vực trung tâm, lưu lượng các phương tiện tăng cao, đặc biệt vào các khung giờ cao điểm gây ra tình trạng ùn ứ giao thông.
Do vậy, để giảm thiểu ùn tắc giao thông trên tuyến, tăng hiệu quả khai thác hệ thống hạ tầng giao thông hiện có trên tuyến, Sở này đề xuất TP Hà Nội trên tuyến đường dành riêng cho xe buýt BRT cho phép các phương tiện lưu thông thêm như đã nêu ở trên.
Hình ảnh đoàn xe tang lễ đi vào làn BRT.
Tuy nhiên, hợp phần xe buýt nhanh BRT 01 từ Kim Mã đến bến xe Yên Nghĩa thuộc dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội được Ngân hàng thế giới (WB) tài trợ theo Hiệp định tín dụng tài trợ cho dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội và Hiệp định tín dụng viện trợ của Quỹ môi trường toàn cầu. Vì vậy, để thực hiện điều chỉnh thí điểm như trên, Sở GTVT kiến nghị với TP Hà Nội có ý kiến thống nhất với WB.