Đường nối Đại lộ Thăng Long với Quốc lộ 32 dài hơn 5km, mặt cắt ngang 60m dự kiến sẽ thông xe kỹ thuật trong năm 2025 sau nhiều năm chậm trễ.
Năm 2017, Hà Nội khởi công dự án Vành đai 3,5 đoạn qua huyện Hoài Đức. Công trình dài 5,5km, mặt cắt ngang 60m với 10 làn xe. Điểm đầu dự án tại nút giao Đại lộ Thăng Long, điểm cuối tại nút giao Quốc lộ 32.
Ghi nhận của Lao Động sáng ngày 16.7 cho thấy, đoạn 1 từ Đại lộ Thăng Long đến cầu Hậu Ái hiện đã cơ bản hoàn thành mặt đường, vỉa hè, trồng cây xanh. Tuy nhiên, dự án vẫn đang phải dựng biển “công trường thi công” để thi công hoàn thiện một số hạng mục như lắp đặt biển báo, hệ thống chiếu sáng, thoát nước…
Người dân chăn thả bò trên đoạn đường đã cơ bản hoàn thành.
Những miệng cống thoát nước không được che đậy tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cho người đi đường.
Đơn vị thi công dựng những ống cống bê-tông chặn các phương tiện vào phạm vi dự án để đề phòng tai nạn song nhiều người dân vẫn cố tình đi vào.
Với đoạn 3 (thi công nút giao), trong đó có nút giao với Đại lộ Thăng Long vẫn đang thi công dang dở, nhiều nhà xưởng trong vùng dự án chưa được giải tỏa. Đây là vị trí sẽ xây dựng nút giao có tổng mức đầu tư gần 2.500 tỉ đồng, gồm hầm chui và các đường nhánh kết nối.
Theo chủ đầu tư, một trong những nguyên nhân khiến tuyến đường thi công chậm chạp là do vướng mắc mặt bằng. Trong phạm vi thực hiện dự án tuyến đường Vành đai 3,5 (từ Đại lộ Thăng Long đến Quốc lộ 32), có khoảng 6.000 m2 Khu di chỉ Vườn Chuối (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức). Để có thể thi công hoàn thành dự án tuyến đường Vành đai 3,5 thì cần phải khai quật, di dời khu di chỉ này.
Với các đoạn không vướng mặt bằng khu di tích nhưng vẫn thi công chưa xong, chủ đầu tư cho biết đang chỉ đạo đơn vị thực hiện dự án, các nhà thầu khẩn trương hoàn thành các đoạn của dự án theo hình thức “cuốn chiếu”.
Dự kiến, toàn tuyến sẽ thông xe kỹ thuật trong năm 2025. Tuyến đường Vành đai 3,5 đoạn qua Hoài Đức khi hoàn thành có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần kết nối giữa phía Bắc và Nam sông Hồng, từng bước đồng bộ hệ thống hạ tầng khu vực. Đồng thời góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông, phục vụ người dân đi lại thuận tiện, tạo điều kiện phát triển kinh tế – xã hội, góp phần làm thay đổi diện mạo khu vực phía Tây của thành phố.