Với quyết tâm hoàn thành các tiêu chí lên quận vào năm 2023, huyện này đang dồn lực gấp rút hoàn thiện các tiêu chí giao thông, xây dựng hạ tầng…
Ngày 12/12/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 1569/QĐ-TTg, phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, ngoài 12 quận hiện hữu, định hướng đến năm 2030, Hà Nội dự kiến thành lập 6 quận, thành phố. Trong đó, huyện Thanh Trì được dự kiến lên quận.
Một góc huyện Thanh Trì. Ảnh: Internet
Hiện huyện Thanh Trì đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành các dự án thuộc đối tượng đạt tiêu chí, phấn đấu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt Đề án thành lập quận vào quý II/2025.
Thông tin từ UBND huyện Thanh Trì, đến năm 2015, đã có 100% xã trên địa bàn huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Đặc biệt, ngày 30/9/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định công nhận huyện Thanh Trì đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Thanh Trì cũng là huyện đầu tiên của Hà Nội được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Huyện Thanh Trì có gì?
Thanh Trì tự hào là vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống lịch sử – văn hóa và cách mạng là quê hương của nhiều danh nhân Việt Nam như: Đô hồ Đại vương Phạm Tu, Tiên triết Chu Văn An, Bảng nhãn Nguyễn Như Đổ, danh nhân Ngô Thì Nhậm.
Thanh Trì còn là mảnh đất giàu truyền thống yêu nước. Đây cũng là quê hương của đồng chí Đỗ Mười – nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; đồng chí Đỗ Ngọc Du – nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội lâm thời; đồng chí Vương Thừa Vũ – nguyên Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội…
Bản đồ huyện Thanh Trì. Ảnh: Hanoi.gov
Thanh Trì là huyện nằm ở phía Nam thành phố, với diện tích tự nhiên 6.292,7ha, dân số trên 200.000 người gồm 15 xã và 1 thị trấn Văn Điển. Thanh Trì là huyện có diện tích nhỏ nhất trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Mới đây, UBND TP. Hà Nội đã ban hành bảng giá đất điều chỉnh áp dụng từ 20/12 đến hết ngày 31/12/2025. Tại huyện Thanh Trì, giá đất ở vị trí đẹp nhất trên 3 tuyến đường, gồm Nguyễn Xiển (đoạn qua xã Tân Triều), Nghiêm Xuân Yêm (đoạn qua xã Tân Triều và đoạn từ Cầu Dậu đến hết xã Thanh Liệt) và Phạm Tu (từ giáp phường Đại Kim đến ngã tư giao cắt đường Cầu Bươu tại nút giao Phúc La – Cầu Bươu) có mức cao nhất 116,9 triệu đồng/m2.
Dễ thấy, huyện Thanh Trì đang có nhiều tiềm năng phát triển. Tại đây, nhiều cơ quan nghiên cứu khoa học, khu công nghiệp, nhiều trường học, cơ sở y tế của Trung ương và Thành phố… Nhiều khu đô thị mới ra đời như: Linh Đàm, Định Công, Đại Thanh, Pháp Vân – Tứ Hiệp, Tứ Hiệp – Ngũ Hiệp… Nhiều khu công nghiệp hình thành như: Khu công nghiệp Vĩnh Tuy, Ngọc Hồi; nhiều tuyến đường liên xã, liên thôn được cải tạo và nâng cấp.
Đặc biệt, TP. Hà Nội cũng đã giao đất cho huyện Thanh Trì để thực hiện dự án Xây dựng khu di dân phục vụ giải phóng mặt bằng khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An. Dự án này có tổng diện tích lên đến 154.468,5m2, đặt tại xã Thanh Liệt.
Con đường 70 liên quận nối Hà Đông – Văn Điển cũng đang được gấp rút đầu tư xây dựng và mở rộng để giúp giảm tải áp lực giao thông cho các tuyến đường cửa ngõ phía Nam thành phố, đồng bộ hạ tầng giao thông, góp phần phát triển kinh tế – xã hội Thủ đô.