Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, trong lịch sử đầu tư công của nước ta, đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam là dự án có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, dự kiến tổng chi xấp xỉ 70 tỷ USD. Trong định hướng phát triển tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, mỗi ga tàu đều có các khu đô thị đính kèm.

Chiều 29/10, tại tọa đàm “Đường sắt tốc độ cao – Thời cơ và thách thức” do Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ tổ chức, Thứ trưởng Trần Quốc Phương khẳng định, việc xây dựng đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam là cần thiết để Việt Nam có bước đột phá về hạ tầng, tạo tác động tích cực và lan tỏa đến tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Theo ông Phương, trong lịch sử đầu tư công của nước ta, đây là dự án có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, dự kiến tổng chi xấp xỉ 70 tỷ USD. Nếu số tiền này được đưa vào triển khai từ nay đến năm 2035 thì tác động của đầu tư đường sắt tốc độ cao sẽ làm tăng khoảng 0,97 điểm % GDP, góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết hiện dự án đang ở giai đoạn đánh giá tiền khả thi. Công trình này có tác động trực tiếp đến nhiều lĩnh vực.

Theo đó, công trình sẽ tác động đến ngành xây dựng trong cơ cấu GDP, bởi đây là công trình xây lắp. Các ngành phụ trợ phục vụ cho công trình này như ngành cung cấp vật liệu cho xây dựng công trình, kể cả các vật liệu thông thường như cát, đá, sỏi hay vật liệu đặc chủng như sắt, thép để làm đường ray hoặc các công trình khác.

Mỗi ga tàu tốc độ cao Bắc - Nam đều 'đính kèm' khu đô thị ảnh 1

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, trong định hướng phát triển tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, mỗi ga tàu đều có khu đô thị đính kèm.

Các ngành dịch vụ cung cấp cho công trình này như tài chính, ngân hàng hay dịch vụ về huy động vốn cũng chịu tác động.

Đặc biệt, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nhấn mạnh tác động lan tỏa đến phát triển đô thị. “Tuyến đường mở ra hơn 20 ga từ Bắc vào Nam, trong định hướng phát triển tuyến đường sắt này, mỗi ga đều có các khu đô thị đính kèm. Đây cũng là một động lực cho phát triển. Trong tương lai chúng ta xác định phát triển đô thị là một động lực thì đây là một động lực tốt để phát triển kinh tế – xã hội” – ông Phương nói.

Các ngành khai thác sau này cũng chịu tác động khi dự án đi vào vận hành, đặc biệt là dịch vụ du lịch. Công trình đường sắt Bắc – Nam quy mô cực lớn, do vậy để huy động lực lượng tham gia vào xây dựng công trình này sẽ tạo ra công ăn việc làm tương đối lớn.

Ngoài ra, công trình sẽ tác động đến tăng trưởng của ngành vận tải, hướng tới hiện đại hóa hệ thống giao thông vận tải, tăng thêm doanh số, năng suất, công suất phục vụ cho giao thông vận tải với một đường sắt mới.

“Công trình sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế – xã hội sau khi đưa vào khai thác, vận hành; góp phần gia tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đặc biệt là giảm chi phí logistic, góp phần đáng kể cho phát triển các ngành công nghiệp, ngành sản xuất kinh doanh có sử dụng đến tuyến đường sắt này” – ông Phương cho hay.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, TP.HCM.

Dự án có mục tiêu xây dựng mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; xây dựng 23 ga khách, 5 ga hàng; đường sắt tốc độ cao vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.