Địa danh này gắn liền với cuộc chiến 81 ngày đêm hào hùng của dân tộc ta.
Di tích Thành cổ Quảng Trị nằm giữa lòng thị xã Quảng Trị; cách quốc lộ 1A gần 1km về phía Đông Bắc, cách thành phố Đông Hà khoảng 14km về phía Đông Nam và cách thành phố Huế hơn 60km về phía Bắc. Địa danh lịch sử này nằm ngay cạnh dòng sông Thạch Hãn – nơi từng được ví như chiếc ‘cối xay thịt’ trong trận chiến đấu 81 ngày đêm trên vùng đất lửa Quảng Trị.
Hình ảnh Thành cổ Quảng Trị khi nhìn từ trên cao. Ảnh: Internet
Thành cổ Quảng Trị là một công trình kiến trúc quân sự độc đáo, được khởi công vào thời vua Gia Long (1809) và hoàn thiện sau gần 3 thập kỷ dưới triều vua Minh Mạng (1837). Đây là một kiệt tác kiến trúc quân sự độc đáo với chu vi khoảng 2.160m, được bảo vệ bởi hệ thống hào nước xung quanh, mỗi góc của thành được tăng cường một pháo đài nhô ra, tạo thành hệ thống phòng thủ vững chắc.
Đây cũng là nơi đã chứng kiến biết bao thăng trầm lịch sử, đặc biệt là cuộc chiến 81 ngày đêm đầy hào hùng của dân tộc ta. Nơi đây, được xem như nghĩa trang liệt sĩ không mồ của các anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập của Tổ quốc.
Thành cổ Quảng Trị 1967. Ảnh: Internet
Nhắc đến Thành cổ Quảng Trị là nhắc đến cuộc chiến đấu 81 ngày đêm vào “mùa hè đỏ lửa” 1972 (28/6-16/9/1972), một trong những biểu hiện sinh động nhất cho khát vọng độc lập, tự do, thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại.
Góc thành cổ phía Nam với Tiền môn (cửa chính phía Nam) được phục dựng theo kiến trúc cũ. Ảnh: Internet
Để bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, có biết bao anh hùng, liệt sỹ đã anh dũng ngã xuống, mang theo tuổi thanh xuân, bao ước nguyện hóa thân vào lòng đất mẹ Quảng Trị. Cũng bởi vậy, Thành cổ Quảng Trị được xem là nghĩa trang liệt sỹ không nấm mồ.
Trên báo Quân đội Nhân dân số ra ngày 9/8/1972 đã viết: “Mỗi mét vuông đất tại Thành cổ Quảng Trị là một mét máu và sự hy sinh của các anh đã trở thành bất tử. Trong 81 ngày đêm, từ ngày 28/6 đến 16/9/1972, Thành cổ Quảng Trị đã phải hứng chịu 328.000 tấn bom đạn. Trung bình mỗi chiến sĩ phải hứng lấy 100 quả bom, 200 quả đạn pháo. Mỗi ngày có 1 đại đội vượt dòng Thạch Hãn để tiếp viện quân số, nhưng đêm nay một đại đội tiến vào thì ngày mai chỉ còn lại vài người sống sót.”
Đài tưởng niệm – ngôi mồ chung của các chiến sĩ. Ảnh: Internet
Do phải gánh chịu một khối lượng bom đạn khổng lồ đã san phẳng hầu hết các công trình bên trong, chỉ để lại hệ thống tường thành với những vết tích chiến tranh in hằn. Những đoạn tường gạch loang lổ vết đạn như những câu chuyện kể về một quá khứ đau thương.
50 năm đã trôi qua, khúc tráng ca của 81 ngày đêm lịch sử đã lùi xa, những dấu tích về trận đánh không còn nhiều, các nhân chứng sống dần một ít đi, nhưng mảnh đất năm xưa, con người năm ấy mãi mãi được khắc ghi như một biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Ngày 9/12/2013, Thành cổ Quảng Trị đã được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia đặc biệt, gắn với sự kiện lịch sử 81 ngày đêm. Thành cổ Quảng Trị năm xưa là chiến trường ác liệt, hôm nay là màu của cây cỏ, hoa lá, màu xanh của sự sống đã hồi sinh.
Nhiều công trình tri ân bên trong khuôn viên thành cổ đã được xây dựng. Ảnh: Internet
Nhờ sự quan tâm đầu tư của các cấp chính quyền, Di tích Thành cổ Quảng Trị đã nhiều lần được trùng tu, tôn tạo. Bên cạnh việc bảo tồn những giá trị lịch sử, nhiều công trình tri ân bên trong khuôn viên thành cổ đã được xây dựng, nhằm đáp ứng nhu cầu viếng thăm của hàng vạn lượt khách trong và ngoài nước mỗi năm.
Ngày nay, Thành cổ Quảng Trị là nơi khắc dấu những chiến công bất tử của quân, dân Quảng Trị nói riêng và cả nước nói chung; nơi giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho hôm nay và cho các thế hệ mai sau.
Quảng Trị hôm nay đã vươn lên mạnh mẽ với một sức sống mới, viết nên câu chuyện cổ tích có thật về “đất thép nở hoa”. Từ một vùng đất bom cày đạn sới, nay diện mạo kinh tế-xã hội của tỉnh không ngừng phát triển, thu nhập và mức sống người dân ngày càng được nâng lên rõ rệt.