Cả nước vẫn còn hơn 315.000 hộ khó khăn về nhà ở, bao gồm: 106.000 hộ người có công với cách mạng; 46.000 hộ thuộc chương trình mục tiêu quốc gia; 153.000 hộ nghèo, cận nghèo khác.

Theo báo Chính phủ, với sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước cùng sự chung tay của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân, thời gian qua đã có khoảng 340.000 hộ người có công với cách mạng và hơn 800.000 hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ nhà ở, góp phần cải thiện cuộc sống, đảm bảo chỗ ở ổn định và giúp nhiều hộ thoát nghèo bền vững.

Tuy nhiên, cả nước vẫn còn hơn 315.000 hộ khó khăn về nhà ở, bao gồm: 106.000 hộ người có công với cách mạng; 46.000 hộ thuộc chương trình mục tiêu quốc gia; 153.000 hộ nghèo, cận nghèo khác.

Các hộ này cần được hỗ trợ cải thiện nhà ở để đảm bảo an toàn, ổn định, hướng đến mục tiêu “an cư, lạc nghiệp”, thực hiện chính sách ưu đãi với người có công, giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh xã hội.

Người dân ở nhà tạm, nhà dột nát được hỗ trợ bao nhiêu khi sửa chữa, xây mới?

Ảnh minh hoạ
Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo số 523/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo Trung ương về việc xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.

Về mức hỗ trợ: Thống nhất một mức hỗ trợ nhà ở đối với tất cả các đối tượng (trừ đối tượng hộ thuộc diện bảo trợ xã hội – không có khả năng đối ứng) là 60 triệu đồng/hộ khi xây dựng mới và 30 triệu đồng/hộ khi sửa chữa.

Đối với các hộ thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, vận động thêm nguồn lực xã hội hóa để đảm bảo mức hỗ trợ tương đương. Các hộ đã hoàn thành xây dựng, sửa chữa trước đây sẽ không được áp dụng hồi tố.

Đối tượng hỗ trợ nhà ở (ngoài hộ người có công với cách mạng): thống nhất hỗ trợ xoá nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo theo số liệu các địa phương đã báo cáo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Đất xây dựng nhà ở: Chỉ hỗ trợ xây dựng trên đất không có tranh chấp. Chủ tịch UBND cấp huyện, xã sẽ quyết định hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.

Mẫu nhà ở: Bộ Xây dựng sẽ hướng dẫn, UBND cấp tỉnh quyết định cụ thể để phù hợp với điều kiện từng địa phương.

Nguyên vật liệu và nhân công: Địa phương cần linh hoạt, sáng tạo trong việc huy động nguồn lực và kiểm soát giá nguyên vật liệu; sử dụng vật liệu xây dựng tại chỗ để tiết kiệm chi phí; huy động lực lượng cộng đồng, quân đội, công an hỗ trợ vận chuyển và thi công, giảm bớt gánh nặng tài chính cho các gia đình.