Chỉ vì không muốn bỏ ra số tiền đặt lễ “nhiều hơn nhà khác từng đặt”, mà gia đình nhà trai đã khiến cô dâu trẻ uất ức nghẹn lòng. Mặc cả 10 triệu xuống 5 triệu như mớ rau ngoài chợ, để rước về một nàng dâu, cái giá ấy so với giá trị người con gái, có đáng hay không?…

Đối với phụ nữ, trưởng thành độc lập, có sự nghiệp riêng rạng rỡ là chuyện tốt, song, đa phần chị em đều chỉ mong có cuộc sống êm đềm suôn sẻ, nhất là lấy được tấm chồng tử tế để có chỗ dựa về sau.

Thành gia lập thất là chuyện quan trọng cả đời người, cô gái nào chẳng muốn đi 1 lần đò được hạnh phúc mãi mãi. Tuy nhiên, sự đời không phải lúc nào cũng như mơ, đôi khi đám cưới có nguy cơ đổ bể vì những chuyện rất trời ơi đất hỡi.

Băn khoăn vì chuyện kết hôn có nguy cơ lỡ dở, một cô gái trẻ đã lên diễn đàn tâm sự của chị em để xin lời khuyên, với câu chuyện khá éo le được nhiều người quan tâm chú ý:

“Em năm nay 27 tuổi, làm việc trong một cơ quan nhà nước. Bạn trai bằng tuổi em. Chúng em quen và yêu nhau đã được một năm.

Hai tháng trước, chúng em đã về ra mắt gia đình và được đồng ý nên đã sắp xếp để bố mẹ hai bên gặp nhau.

Gia đình nhà trai đến nhà em nói chuyện rồi xin phép làm lễ ăn hỏi và xin cưới em. Bố mẹ em không phản đối nên hai nhà dễ dàng đi đến thống nhất.

Riêng lễ ăn hỏi, bố mẹ em không thách cưới nhưng yêu cầu nhà trai phải có đầy đủ lễ lạt theo quy định chung của địa phương.

Gia đình nhà trai có hỏi, quy định đó bao gồm những gì vì mỗi địa phương lại có một phong tục riêng?

Bố mẹ em đã thẳng thắn yêu cầu: Lễ ăn hỏi phải có 5 đến 7 tráp (bao gồm: trầu cau, chè thuốc, bánh kẹo, hoa quả) và một lễ đen – tức phong bì”.

Nhà gái đòi lễ đen 10 triệu, nhà trai trả giá 5 triệu, không chịu thì đường ai nấy đi - Ảnh 1.

Món tiền thách cưới theo phong tục truyền thống lại trở thành nguồn cơn khiến cô gái trẻ tan tành chuyện trăm năm.

Câu chuyện được mở đầu khá ngắn gọn, không dài dòng, chủ nhân chia sẻ thẳng thắn vấn đề khởi nguồn từ việc bản thân chuẩn bị kết hôn.

Lễ lạt trước khi cưới là thủ tục truyền thống, có thể mỗi địa phương mỗi khác nhưng về cơ bản đều là nhà trai gửi lễ đến nhà gái. Tuy nhiên, mọi sự chưa hẳn suôn sẻ như ý muốn.

“Trong phong bì đó phải có số tiền 10 triệu. Số tiền đó chính là tiền để bố mẹ em mua sắm lễ mặn cúng ông bà tổ tiên.

Đây là quy định chung của địa phương em chứ không phải của riêng gia đình em. Họ nhà trai, sau khi nghe đến khoản tiền 10 triệu thì tái nhợt mặt.

Tuy nhiên, sau đó, ông bố (em tạm gọi là bố chồng) đã nhanh chóng lấy lại tinh thần và nhất trí cao với yêu cầu của bố mẹ em.

Cách ngày ăn hỏi một ngày, bạn trai em nhắn tin cho em bảo, bố mẹ anh ấy chỉ đồng ý mức tiền 5 triệu để bỏ vào phong bì.

Lý do là vì, cách đây 1 năm, trong họ hàng bên nội nhà anh ấy cũng có người lấy vợ ở xã em. Khi đó, họ chỉ có phong bì 3 triệu.

Bố chồng em bảo, không lý gì phải bỏ phong bì 10 triệu để cưới em. Em đọc tin nhắn của bạn trai, cảm thấy bị xúc phạm ghê gớm.

Tuy nhiên, em vẫn nhẹ nhàng giải thích. Em bảo: “Mỗi địa phương có một quy định khác nhau và mỗi làng trong xã cũng không giống nhau.

Ở làng em, đám cưới nhà nghèo cũng phải theo quy định đấy thì tại sao nhà trai lại kỳ kèo 5 triệu – 10 triệu với gia đình em?”.

Sau đó, em bảo bạn trai nhận lo chiếc phong bì đó để bố mẹ chồng không phải tiếc rẻ và gia đình em cũng không bị ê mặt trước họ hàng. Bạn trai em đã đồng ý với em”.

Cuối cùng thì cũng rõ, nỗi băn khoăn của cô gái là gì.

Khoản tiền gọi là “lễ đen” vốn không có gì phải bàn cãi, vì nó là thủ tục cưới xin ở nhiều nơi, và bây giờ với nhiều gia đình nó cũng không hẳn là quá to tát, so với tổng chi phí cả đám cưới thì cũng chỉ bằng một phần nhỏ.

Song, trong trường hợp này, có vẻ như nhà chú rể tương lai không muốn bỏ ra đủ 10 triệu, chỉ vì họ nghe họ hàng có người từng đặt lễ chỉ bằng 1/3 số tiền đó. Họ nghĩ rằng, không muốn bỏ ra một khoản “nhiều hơn nhà người khác” để rước một nàng dâu về nhà.

Thủ tục truyền thống đã biến thành màn tính toán lố bịch: một bên là cô gái trẻ tội nghiệp, còn một bên là món tiền 10 triệu bị bớt 1 nửa còn 5 triệu.

Cái lễ đen vốn dĩ chỉ là hình thức, 10 triệu ấy không thể so sánh với những gì bố mẹ cô gái bỏ ra để nuôi nấng con trưởng thành, bây giờ sắp tới nhà người khác làm dâu lại còn bị cò kè thêm bớt.

Khác gì mua con dâu với cái giá bị mặc cả như mớ rau con cá ngoài chợ!

Nhà gái đòi lễ đen 10 triệu, nhà trai trả giá 5 triệu, không chịu thì đường ai nấy đi - Ảnh 2.

Nhà trai bỏ về ngay trong lễ ăn hỏi sau cuộc tranh cãi gay gắt, cô dâu trẻ hoang mang đau khổ vô cùng.

Khi biết được điều này, cô gái đã cảm thấy “bị xúc phạm ghê gớm”, chẳng biết là nhà trai tiếc tiền hay là họ quá kỹ tính nên mới cố chấp như vậy?

Vì không muốn 2 bên nhà xảy ra tranh cãi quanh khoản tiền đó mà cô gái đã bàn với bạn trai rằng bỏ thêm 5 triệu cho xong việc.

Nghe bạn trai đồng ý, cô gái an tâm, tưởng rằng không còn gì phải lo lắng nữa, chỉ cần chuẩn bị đến ngày hạnh phúc nhất trong đời. Ngờ đâu…

“Hôm qua là lễ ăn hỏi, em cứ đinh ninh rằng, mọi chuyện đã được sắp đặt ổn thỏa. Tuy nhiên, lúc đại diện gia đình em mở lễ và bóc phong bì trước mặt họ hàng đôi bên thì phát hiện chiếc phong bì chỉ có 5 triệu đồng.

Vị đại diện này rất thẳng thắn nói rằng, nhà trai làm như vậy là chưa đúng yêu cầu của nhà gái.

Bố em định đứng lên nói đỡ lời cho thông gia nhưng vì phong tục tập quán, bố em là chủ nhà nhưng vẫn là bậc con cháu nên không được phép cắt lời bề trên.

Kết quả, gia đình nhà trai thấy bị phê bình thì nóng mắt. Ông bố chồng em đứng dậy cắt lời đại diện nhà gái và cho rằng, số tiền 10 triệu là quá lớn.

Đặt số tiền đó không khác gì mua đứt em. Vì thế, ông ấy không chấp nhận. Ông còn đưa ra dẫn chứng, đám A, đám B ở xã em chỉ có phong bì 3 triệu, 4 triệu.

Đến đây thì họ hàng bên em càng thêm bức xúc. Mọi người cho rằng, nhà trai như vậy là không tôn trọng nhà gái và quá tính toán. Thành ra, đôi bên gia đình lời qua tiếng lại.

Cuối cùng, gia đình nhà trai ôm theo lễ lạt và bỏ về”.

Đặt lễ cưới một nàng dâu với cái giá 10 triệu, sau đó bớt lại còn 5 triệu, cho dù là ở vùng quê thì ai nghe cũng cảm thấy bất bình.

Nếu bố mẹ chàng trai không có điều kiện, họ hoàn toàn có thể chia sẻ với nhà thông gia, kiểu gì bố mẹ cô gái cũng không làm khó, chẳng ai mong gả con gái đi mà lại “hét” giá cái phong bì đặt lễ, bởi như thế khác gì coi cô gái là món hàng để 2 bên mặc cả!

Tuy nhiên, có lẽ vì thể diện nên nhà trai vẫn đồng ý số tiền lễ mà nhà gái đưa ra.

Chỉ buồn là đến ngày ăn hỏi thực sự, diễn biến câu chuyện lại đi theo một hướng khác không ai ngờ tới.

Nàng dâu trẻ tưởng vấn đề đã được giải quyết âm thầm, với sự hỗ trợ của chồng tương lai, bởi lẽ đây là đám cưới của họ, đương nhiên 2 người phải có trách nhiệm trong mọi thứ liên quan.

Đã xác định về chung một mái nhà, gắn bó với nhau, thì việc bỏ ra thêm 5 triệu cho đủ số lễ là điều chàng trai nên làm, dĩ hòa vi quý cả đôi bên.

Trước khi bố mẹ cô gái biết nhà trai tự ý bớt 1 nửa tiền lễ, thì chàng trai có thể xử lý ổn thỏa theo cách mà cô gái nghĩ ra. Song, buồn thay, cô gái đã quá tin tưởng người yêu để rồi nhận về cái kết choáng váng.

Nhà gái đòi lễ đen 10 triệu, nhà trai trả giá 5 triệu, không chịu thì đường ai nấy đi - Ảnh 3.

Giá trị, nhân phẩm của một người con gái đã trở thành thứ có thể mua bán, tính toán như vậy sao?

Rất nhiều chị em tỏ ra thông cảm với tình cảnh của nàng dâu “hụt”, chuyện kết hôn trọng đại cả đời, mong chờ biết bao lâu, hồi hộp hạnh phúc, mà cuối cùng lại lỡ dở chỉ vì chiếc phong bì đặt lễ.

Có lẽ, viết xong những lời tâm sự đầy nước mắt ấy xong, cô gái khá hoang mang thất vọng về người bạn trai mình đã yêu thương tin tưởng, lại càng thất vọng vì bố mẹ chồng tương lai, dường như người lớn đã quá tính toán, không để tâm đến cảm xúc suy nghĩ của đôi trẻ, kết cục là tan tành lễ ăn hỏi.

Thật éo le thay.

Con gái nhà người ta nuôi không biết tốn bao nhiêu tiền của, cưới vợ cho con mà kì kèo như mua bó rau ngoài chợ. 10 triệu chứ có phải 100 triệu đâu, xấu hổ thay”.

“Tình yêu và cưới xin là 2 chuyện hoàn toàn khác nhau. nếu cưới về người ta mua đứt với 10 triệu thì liệu bạn có vui vẻ ở đó sống được cả đời phục tùng không?

Lại còn phải lén lút bàn với chú rể bỏ thêm 5 triệu, khác gì cố mua chính bản thân mình với giá quá rẻ? Yêu đương đến mức đám cưới rồi mà chồng tương lai không nói đỡ được lời nào, cũng không biết giải quyết cho êm thấm, nhu nhược.

Lấy về rồi lại suốt ngày chì chiết nhau chuyện tiền bạc thôi”.

“Bố mẹ nuôi bao nhiêu năm, muốn gả vào nhà thoáng 1 tý, ít nhất cũng nở mày nở mặt và lại đúng phong tục địa phương.

10 triệu không ít nhưng cũng không phải là quá to. Bỏ lễ 10 triệu bây giờ là chuyện bình thường, đầy nhà còn không tiếc làm lễ hẳn vài chục triệu đến cả trăm cây vàng, có gì là cao đâu mà nhà trai kì kèo thế nhỉ.

Hóa ra là nhà trai coi con dâu không đáng 10 triệu. Bạn nên suy nghĩ, xem xét lại cách sống và sự tính toán của nhà trai nhé, sướng hay khổ là ở mình thôi”.

Trong chuyện này, cả 2 bên đều có cái đúng cái sai, nhà gái thì giữ thể diện quá, nhà trai thì bảo thủ. Chỉ tội nghiệp đôi bạn trẻ, tan tành lễ ăn hỏi, giờ hai nhà cũng khó nhìn mặt nhau. Ai cũng thấy nan giải, không biết khuyên cô gái thế nào cho ổn thỏa.

Thời này rồi mà vẫn còn bi kịch như thế, chắc là chuyện độc nhất vô nhị. Phận đàn bà con gái, buồn thay…

“Bây giờ, em không biết phải giải quyết thế nào nữa? Không lẽ, vì chuyện này mà chuyện trăm năm của chúng em bị dang dở hay sao?”.