Điểm vướng mắc duy nhất tại Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ hiện nay liên quan đến tiến độ thực hiện dự án, nhiều khả năng “nút thắt” này cần đến sự tháo gỡ của Quốc hội.
Nhiều động thái biến giấc mơ “siêu cảng” thành hiện thực trong tương lai
Thông tin mới nhất trên báo Đầu tư cho biết, trong tuần này nếu không có gì thay đổi, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà sẽ chủ trì cuộc họp về việc chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Đây được xem là bước ngoặt quan trọng trong việc quyết định có hay không triển khai dự án siêu cảng này. Theo nhận định, cuộc họp này sẽ tiến hành rà soát lần cuối trước khi dự án siêu cảng được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị Hội đồng Điều phối Đông Nam Bộ lần thứ 5. Ảnh: VGP
Thời điểm đầu tháng 12/2024, trong chuyến làm việc và chỉ đạo Hội nghị Hội đồng Điều phối Đông Nam Bộ lần thứ 5 với chủ đề Tăng trưởng kinh tế “2 con số” vùng Đông Nam Bộ năm 2025: Thách thức, cơ hội và giải pháp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có chỉ đạo rõ về dự án siêu cảng 5,5 tỷ USD.
Theo đó, tại hội nghị này, lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu cấp bách phải giải quyết những vướng mắc và thúc đẩy các dự án trọng điểm trong vùng với lộ trình cụ thể, trong đó có Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Phối cảnh Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Ảnh minh họa
Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ GTVT phối hợp với Bộ KH&ĐT hoàn thiện thủ tục trong tháng 12.
Mới đây, tại Công văn số 10366/BKHĐT – ĐTNN gửi Văn phòng Chính phủ liên quan đến việc rà soát Dự thảo quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, Bộ KH&ĐT đã định danh chính thức cho siêu công trình hạ tầng cảng biển này.
UBND TP. HCM và Bộ KH&ĐT thống nhất ghi nhận tên dự án là Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Đứng trước nhiều cơ hội chưa từng có
Theo như Báo cáo thẩm định số 5590/BC – BKHĐT gửi lãnh đạo Chính phủ vào tháng 7/2024, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định nếu như được triển khai, Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ bổ sung thêm tiềm năng cho hệ thống cảng biển hiện hữu, tương hỗ cũng như khai thác tốt nhất tiềm năng của cụm cảng biển số 4, trở thành một trong những trung tâm trung chuyển quốc tế.
“Dự án không chỉ khẳng định vị thế và định vị quốc gia của Việt Nam trên bản đồ hàng hải quốc tế với vai trò là trung tâm trung chuyển vận tải, logistics lớn của khu vực và thế giới, mà còn giúp Việt Nam trở thành khâu quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội, hỗ trợ đắc lực cho hoạt động thương mại xuất nhập khẩu, đảm bảo quốc phòng, an ninh, kinh tế biển”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định, báo Đầu Tư dẫn lời.
Để có thể đạt được những mục tiêu này, Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ ngoài quyết tâm chính trị lớn, thời gian triển khai nhanh gọn nhằm nắm bắt cơ hội thì việc tham gia của một số nhà đầu tư quốc tế có năng lực tài chính, đặc biệt kinh nghiệm khai thác cảng biển đóng vai trò quan trọng.
Tính đến thời điểm hiện tại, 2 đơn vị trong liên danh đề xuất Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ về cơ bản đều đáp ứng được kỳ vọng.
Trong đó, Công ty Cổ phần Cảng Sài Gòn là đơn vị thành viên của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam – VIMC (đơn vị khai thác, vận hành cảng biển lớn nhất Việt Nam) và Terminal Investment Limited Holding S.A-TIL là đơn vị thành viên của hãng tàu biển lớn bậc nhất thế giới – Mediterranean Shipping Company – MSC.
Theo Phó Tổng Giám đốc VIMC – ông Phạm Anh Tuấn cho biết MSC là hãng tàu lớn nhất thế giới (trụ sở chính tại Geneva, Thụy Sỹ). Hãng tàu này từng có năng lực chuyên chở của đội tàu đạt trên 23 triệu Teu/năm, chiếm 18% tổng năng lực vận tải đội tàu thế giới. “Vòi bạch tuộc” về các tuyến dịch vụ của MSC hiện đang vươn ra đến hơn 500 cảng biển toàn cầu.
Vị trí dự kiến xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng Sản
Theo lãnh đạo VIMC, vị trí dự kiến xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ rõ ràng có nhiều lợi thế cạnh tranh, có thể thu hút được nguồn hàng quốc tế đến từ nhiều quốc gia trong khu vực.
Thực tế, hàng hóa tại các quốc gia trong khu vực hiện nay như Thái Lan, Campuchia, Brunei, phía Nam Trung Quốc và Philippines chủ yếu được trung chuyển tại Singapore và Malaysia.
Đối với hàng hóa từ quốc gia trong khu vực này khi di chuyển đến Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, cự ly vận chuyển sẽ giảm khoảng 30-70% so với khi đến Singapore.
Khó khăn duy nhất hiện nay đối với dự án này là tiến độ thực hiện dự án. Ảnh minh họa
Phía MSC hiện cũng đang đặt quyết tâm cao đối với dự án siêu cảng này khi trong các cuộc làm việc, MSC đều xác nhận có kế hoạch sẽ di dời một phần hoạt động trung chuyển của hãng tàu về Việt Nam, hình thành trung tâm trung chuyển tại quốc gia hình chữ S.
Tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng mà dự kiến MSC muốn đầu tư có thể lên đến 4,8 triệu Teu vào năm 2030 và 16,9 triệu Teu vào năm 2047, với mục tiêu khai thác phần lớn là hàng trung chuyển quốc tế do hãng phân phối.
Nhận định về những yếu tố này, thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang đánh giá đây là một nền tảng rất tốt và thuận lợi để đưa Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ trở thành cảng trung chuyển cửa ngõ quốc tế trong khu vực mà không làm ảnh hưởng đến hoạt động khai thác của các cảng biển hiện hữu.
Tuy nhiên, điểm vướng mắc duy nhất tại dự án siêu cảng này, nhiều khả năng cần đến sự tháo gỡ của Quốc hội chính là tiến độ thực hiện dự án.
Theo như hồ sơ đề xuất Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, liên danh CTCP Cảng Sài Gòn đề xuất thực hiện dự án trong vòng 22 năm theo 7 giai đoạn.
Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị quyết số 98/2023/QH, nhà đầu tư sẽ phải giải ngân toàn bộ tổng vốn đầu tư trong vòng 5 năm.
Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, yêu cầu này vô hình chung tạo ra áp lực tài chính và tiến độ giải ngân đối với các nhà đầu tư, đồng thời không phù hợp với nhu cầu cũng như khả năng hấp thụ của thị trường, phá vỡ quy hoạch cảng biển thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, gây ảnh hưởng trực tiếp đến các cảng biển lân cận.
Hiện, nhằm đảm bảo phù hợp với Nghị quyết số 98/2023/QH15, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất tiến độ Dự án vẫn sẽ theo quy định tại điểm b, khoản 9, Điều 7, Nghị quyết số 98/2023/QH15.
Báo cáo thẩm định số 10120 nêu rõ “Trong trường hợp Quốc hội chấp thuận sửa đổi điểm b, khoản 9, Điều 7, Nghị quyết số 98/2023/QH15 theo kiến nghị của TP.HCM, thì đồng thời giao UBND TP. HCM thực hiện điều chỉnh tiến độ thực hiện Dự án mà không phải thực hiện lại thủ tục điều chỉnh chấp thuận chủ trương”.
Theo Đề án, vị trí Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ được đặt ở khu vực cù lao Con Chó (xã Thạnh An, huyện Cần Giờ). Đây là vị trí nằm ở cửa sông Cái Mép – Thị Vải, trong vịnh Gành Rái, gần các tuyến hàng hải quốc tế đi qua Biển Đông, thuận lợi để phát triển cảng trung chuyển quốc tế.
Công trình được gọi là siêu cảng này có mức đầu tư lên tới 5,5 tỷ USD, được kỳ vọng sẽ đủ khả năng cạnh tranh với Singapore, Malaysia.
Theo Báo cáo của Sở GTVT TP. HCM, Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ đề ra mục tiêu xây dựng cảng trở thành trung tâm trung chuyển quốc tế của TP. HCM, thu hút các hãng tàu, hãng vận tải, chủ hàng và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics trong và ngoài nước tham gia vào chuỗi cung ứng vận tải thế giới.
Tổng chiều dài của cảng chính dự kiến khoảng 7km với bến sà lan dự kiến khoảng 2km. Tổng diện tích cảng ước tính 571ha, trong đó khoảng 469,5ha gồm cầu cảng, kho bãi, giao thông nội bộ, khu nhà ở công nhân viên điều hành, hạ tầng kỹ thuật… và 101,5ha là diện tích vùng nước hoạt động cảng.
Theo ước tính, sản lượng hàng hóa năm đầu tiên qua cảng có thể đạt 2,1 triệu TEU (1TEU bằng 1 container 20feet).
Sau 7 giai đoạn đầu tư, lượng hàng hóa qua Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ đạt khoảng 16,9 triệu TEU vào năm 2047, đóng góp vào ngân sách 34.000 – 40.000 tỷ đồng mỗi năm khi khai thác hết công suất.