Tính đến thời điểm hiện tại, cây cầu tổng vốn 137 triệu USD này đang là cây cầu vượt sông dài nhất Việt Nam với chiều dài hơn 5km.
Dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Thịnh trên tuyến Quốc lộ 2C đã được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phê duyệt đầu tư xây dựng với tổng mức đầu tư 137 triệu USD, trong đó vốn vay ODA của Hàn Quốc là 100 triệu USD và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 37 triệu USD.
Được khởi công từ cuối tháng 11/2011 và hoàn thành đưa vào khai thác hoạt động từ tháng 6/2014 cho đến nay, cây cầu này đã chứng kiến từng bước đổi thay của hai tỉnh, thành sau hơn một thập niên.
Cây cầu Vĩnh Thịnh có tổng chiều dài 5.487m được xem là cầu vượt sông dài nhất Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại. Ảnh: Internet
Cầu Vĩnh Thịnh bắc qua sông Hồng có tổng chiều dài 5.487m, nối liền TX. Sơn Tây (Hà Nội) với huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc) và được xem là cây cầu vượt sông dài nhất Việt Nam.
Chiều dài cầu là 4.480m và đường hai đầu cầu dài 1.007m với điểm đầu tuyến theo lý trình của dự án tại Km4+313m (nút giao Quốc lộ 32 với tuyến tránh TX. Sơn Tây); điểm cuối tuyến theo lý trình của dự án tại Km9+800m (vượt qua đê tả sông Hồng khoảng 200m, kết nối với Quốc lộ 2C).
Cây cầu giúp kết nối giao thông liên vùng. Ảnh: Internet
Sau khi hoàn thành, cây cầu được đưa vào sử dụng với mục đích kết nối 2 trục trung tâm (Quốc lộ 32 và Quốc lộ 2), các tuyến đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, đường Hồ Chí Minh để tạo thành một hệ thống giao thông hoàn chỉnh, kết nối trung tâm Thủ đô với các tỉnh lân cận như Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang, Lào Cai.
Cây cầu sau khi đi vào hoạt động cũng đã “chia lửa” giao thông cho các trục đường hướng tâm như Quốc lộ 2, Quốc lộ 3, Quốc lộ 6, Quốc lộ 32 khi lưu thông qua trung tâm thành phố Hà Nội để đi các tỉnh thành phía Nam và ngược lại.
Cầu Vĩnh Thịnh là cầu bê tông cốt thép dự ứng lực vĩnh cửu, được thiết kế xây dựng đảm bảo chịu được động đất cấp 8.
Cây cầu có khổ thông thuyền là 80x100m, mặt cắt ngang cầu thiết kế rộng 16,5m với 4 làn xe. Cầu chính có kết cấu dầm hộp liên tục gồm 9 nhịp bê tông cốt thép dự ứng lực, thi công đúc hẫng cân bằng. Cầu dẫn nhịp có kết cấu dầm Super-T, chiều dài mỗi nhịp 40m.
Đường đầu cầu thiết kế với đường cấp 3 đồng bằng, tốc độ thiết kế 80km/h, mặt cắt ngang đường thiết kế bề rộng nền đường 17,5m, bề rộng mặt đường 16,5m.
Vị trí cây cầu Vĩnh Thịnh nằm vắt ngang qua sông Hồng. Ảnh: Internet
Sau gần một thập niên đi vào hoạt động, cây cầu Vĩnh Thịnh đã đảm nhận tốt vai trò thay thế cho phà Vĩnh Thịnh – từng được xem là huyết mạch giao thông chính nối Sơn Tây (Hà Nội) và Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc).
Ngoài ra, sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính Hà Nội, những công trình giao thông như cầu Vĩnh Thịnh đóng vai trò to lớn đối với Thủ đô trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội nhằm đảm bảo an ninh quốc phòng.
Theo quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc tính đến năm 2030, tầm nhìn 2050, tỉnh này sẽ phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Lúc này, cây cầu Vĩnh Thịnh sẽ trở thành sợi dây kết nối trọng điểm giữa 2 thành phố lớn, 2 trung tâm công nghiệp của miền Bắc.