×

Tập đoàn Đèo Cả hiến kế cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam hơn 67 tỷ USD

Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo cả nhấn mạnh, việc điều chỉnh, bổ sung các cơ chế đặc thù hiện có là cần thiết để phù hợp với thực tiễn.

Tại tọa đàm “Đường sắt tốc độ cao – Cơ hội và thách thức với doanh nghiệp Việt” do Báo Giao thông tổ chức, các tập đoàn lớn đã đề xuất nhiều kiến nghị quan trọng liên quan đến dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, với tổng mức đầu tư hơn 67 tỷ USD.

Tại tọa đàm, Ông Nguyễn Quang Huy – Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cho biết, dự án này hiện có 19 nhóm cơ chế đặc thù, bao gồm nhiều cơ chế từng được áp dụng cho dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh sự cần thiết phải rà soát, chỉnh lý các cơ chế để khắc phục vướng mắc và đảm bảo hiệu quả triển khai.

Một trong những vấn đề nổi bật là giải phóng mặt bằng (GPMB) và chuẩn bị mỏ vật liệu, hai yếu tố thường gây chậm tiến độ. Ông Huy đề xuất Nhà nước hoặc địa phương đảm nhận phần việc này, thay vì giao doanh nghiệp tự thực hiện thông qua cơ chế thỏa thuận với người dân, vốn mất nhiều thời gian và gặp không ít khó khăn.

Tập đoàn Đèo Cả hiến kế cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam hơn 67 tỷ USD

Ông Nguyễn Quang Huy – Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả. Nguồn ảnh: Tạp chí Giao thông

Dẫn chứng từ dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam, ông Huy cho biết, việc chuẩn bị một mỏ vật liệu thường mất từ 6-9 tháng, trong khi thời gian thi công chỉ kéo dài 2-3 năm. Đối với dự án đường sắt tốc độ cao, nếu Nhà nước chịu trách nhiệm GPMB và cung ứng vật liệu, các nhà thầu có thể tập trung thi công ngay khi nguyên liệu sẵn sàng, giúp rút ngắn thời gian triển khai đáng kể.

Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo cả nhấn mạnh, việc điều chỉnh, bổ sung các cơ chế đặc thù hiện có là cần thiết để phù hợp với thực tiễn.

Chia sẻ thêm tại tọa đàm, ông Mai Thanh Phương – Chủ tịch HĐQT CTCP Tổng Công ty Đường sắt (RCC), nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tham khảo quy trình pháp lý và kinh nghiệm từ các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản.

Ông cho rằng, bước đầu tiên để triển khai dự án không phải tập hợp lực lượng mà là tập hợp thông tin. Các doanh nghiệp cần chia sẻ dữ liệu và phối hợp chặt chẽ để hình thành các liên danh nhà thầu trong nước.

Theo ông Phương, một yếu tố then chốt để hội nhập quốc tế là mời chuyên gia nước ngoài và nhập khẩu lao động chất lượng cao, từ quản lý đến vận hành thiết bị và công nhân. Đồng thời, các nhóm nghiên cứu chung cần được thành lập để phân chia công việc theo thế mạnh của từng doanh nghiệp.

Ông nhấn mạnh, thay vì phô diễn năng lực thi công, các doanh nghiệp Việt cần ưu tiên cách tiếp cận bài bản, bởi với dự án trị giá 33 tỷ USD, năng lực đối ứng trong nước còn hạn chế.

Về phía CTCP Tổng Công ty Công trình Đường sắt, ông Phương khẳng định đơn vị có kinh nghiệm trong lĩnh vực thi công cầu đường sắt và sẽ tập trung thực hiện các hạng mục phù hợp với thế mạnh của mình. Ông lưu ý rằng các nhà thầu Việt Nam không nên ôm đồm toàn tuyến, thay vào đó cần đầu tư kỹ lưỡng, tập trung chuyên môn, và phối hợp đồng bộ giữa các nhà thầu cũng như các doanh nghiệp phụ trợ.

Tọa đàm đã nêu bật nhiều ý kiến giá trị, thể hiện sự quan tâm và kỳ vọng lớn vào dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam. Tuy nhiên, để biến dự án thành hiện thực, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan, cùng với những cơ chế chính sách được xây dựng phù hợp và khả thi.

Related Posts

Our Privacy policy

https://dailytin24.com - © 2024 News