UBND huyện Phú Xuyên đã lên kế hoạch cưỡng chế thu hồi đất ở xã Hồng Minh để thi công dự án đường trục phía Nam, dự kiến tháng 8.2024.

Dự án đầu tư xây dựng đường trục phía Nam Hà Nội (tên cũ là dự án đầu tư xây dựng đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây) có chiều dài hơn 41km qua các quận Hà Đông, huyện Thanh Oai, Ứng Hòa và Phú Xuyên.

Tuyến đường khi hoàn thành kỳ vọng giảm tải áp lực giao thông cho Quốc lộ 21, đồng thời đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Công trình có tổng mức đầu tư 6.076 tỉ đồng, triển khai theo hình thức BT (hợp đồng xây dựng – chuyển giao công trình), bắt đầu thi công từ năm 2008.

Sau hơn 15 năm triển khai, dự án đã hoàn thiện được 21km, đoạn qua địa bàn quận Hà Đông, huyện Thanh Oai và Ứng Hòa.
21 km dự án đã hoàn thành, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Ảnh: Hữu Chánh
21km dự án đường trục phía Nam Hà Nội đã hoàn thành, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Ảnh: Hữu Chánh
Phần còn lại đi qua địa bàn các xã: Hoàng Long, Tri Trung, Phú Túc, Châu Can của huyện Phú Xuyên hiện vẫn thi công ì ạch; riêng đoạn qua xã Hồng Minh nhiều năm qua vẫn “giậm chân tại chỗ” vì vướng phần diện tích 1.930,4m2.

Đây là vị trí cuối cùng nằm trong phạm vi 8,9km đường trục phía Nam qua huyện Phú Xuyên, 6 năm qua với 40 cuộc họp, tuyên truyền, vận động, đối thoại nhưng chưa thể giải phóng mặt bằng.

Theo UBND huyện Phú Xuyên, 15 thửa đất được cho là của các gia đình ở thôn Phù Bật, xã Hồng Minh nằm trong phạm vi phải giải phóng mặt bằng để thi công dự án xây dựng đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây có nguồn gốc do UBND xã tự ý giao bán trái quy định từ năm 2008.

Việc giao đất này vi phạm pháp luật đất đai và đã được Tòa án nhân dân TP Hà Nội xử lý theo bản án số 922/2016/HS-PT ngày 7.9.2016.

Tại thời điểm giao đất, UBND xã Hồng Minh không đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, và các hộ dân đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với số tiền 23.400.000 đồng/hộ.

Theo quy định tại Điều 75 Luật Đất đai và các nghị định của Chính phủ, không có quy định bồi thường, hỗ trợ về đất khi Nhà nước thu hồi đất trong trường hợp giao đất trái thẩm quyền sau ngày 1.7.2004, do vậy, không có cơ sở để hỗ trợ các hộ dân này, dẫn đến việc họ không đồng ý phối hợp thực hiện giải phóng mặt bằng.

a

ss

Gần 2.000m2 diện tích đoạn qua xã Hồng Minh nhiều năm qua chưa được giải phóng mặt bằng. Ảnh: Hữu Chánh
Về vấn đề này, UBND huyện Phú Xuyên đã báo cáo các sở, ngành liên quan.

Ngày 28.2.2024, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội ban hành Văn bản số 1300/STNT-KTĐ, khẳng định không có quy định bồi thường, hỗ trợ về đất khi Nhà nước thu hồi đất trong trường hợp giao trái thẩm quyền sau ngày 1.7.2004.

Ngày 24.5, UBND huyện Phú Xuyên phối hợp với chính quyền xã Hồng Minh tổ chức đối thoại nhưng các hộ vẫn không đồng ý với phương án bồi thường.

Ngày 12.7 và 22.7, các buổi chi trả kinh phí bồi thường và hỗ trợ vẫn không thành công khi các hộ không nhận kinh phí và không bàn giao mặt bằng.

Cầu

Cầu qua kênh Vân Đình bỏ hoang nhiều năm chưa thể đấu nối. Ảnh: Hữu Chánh
Tại buổi làm việc hôm 25.7, cơ quan khối nội chính và phòng ban chuyên môn UBND huyện Phú Xuyên khẳng định, các bước giải phóng mặt bằng thi công dự án xây đường trục phía Nam Hà Nội qua xã Hồng Minh liên quan đến 15 hộ đã thực hiện đúng quy định.

Đến nay, huyện Phú Xuyên vẫn đang tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ tự nguyện bàn giao mặt bằng.

Trường hợp các hộ dân vẫn không chấp hành, dự kiến ngày 13.8, UBND huyện Phú Xuyên sẽ cưỡng chế thu hồi đất để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thi công dự án sau nhiều năm chậm trễ.