Thành phố này hiện đang đốc thúc nhằm khẩn trương triển khai dự án khu kinh tế ven biển phía Nam với quy mô diện tích 20.000ha, đây là khu kinh tế ven biển thứ 2 trên địa bàn sau Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải.
Vị trí và quy mô khu kinh tế ven biển
Ngày 4/12/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành Quyết định 1511/QĐ-TTg về việc thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng.
Theo đó, Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng, TP. Hải Phòng sẽ là khu kinh tế ven biển có quy mô diện tích 20.000ha (trong đó có khoảng 2.909ha là đất lấn biển) nằm ở khu vực Đông Nam của TP. Hải Phòng gồm địa bàn 4 huyện và 1 quận.
Cụ thể, khu kinh tế này sẽ được triển khai chi tiết tại:
Huyện Kiến Thụy bao gồm toàn bộ xã Đoàn Xá, Tân Trào, một phần xã Đại Hợp, Tú Sơn, Kiến Quốc, Kiến Hưng, Ngũ Phúc; huyện An Lão gồm một phần xã An Thọ và xã Chiến Thắng; huyện Tiên Lãng gồm toàn bộ xã Vinh Quang (sáp nhập từ 2 xã Vinh Quang và Tiên Hưng), Hùng Thắng, Đông Hưng, Tây Hưng, Nam Hưng, Bắc Hưng và một phần các xã Tiên Thắng, Tiên Minh; huyện Vĩnh Bảo gồm toàn bộ xã Trấn Dương, Hòa Bình, Vĩnh Tiến, Cổ Am; quận Đồ Sơn lấy một phần phường Bàng La.
Hình ảnh phối cảnh Khu kinh tế phía Nam Hải Phòng. Ảnh: BQL Khu kinh tế Hải Phòng
Việc thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng nhằm mục tiêu khai thác tối đa lợi thế về vị trí cửa ngõ quốc tế, nền tảng phát triển công nghiệp cũng như dịch vụ cảng biển trong việc kết nối kinh tế, thương mại, dịch vụ với các địa bàn lân cận và quốc tế; kết hợp chặt chẽ giữa việc thu hút đầu tư và phát triển kinh tế với đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo tồn và phát huy giá trị của hệ sinh thái biển, di tích lịch sử văn hóa cũng như đảm bảo an sinh xã hội.
Theo quyết định được phê duyệt, cơ chế, hoạt động, chính sách cũng như tổ chức quản lý đối với Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng sẽ được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về KCN, khu kinh tế, pháp luật về đầu tư cũng như quy định của pháp luật có liên quan.
Lộ trình phát triển Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng
Theo kế hoạch, giai đoạn đến năm 2025 sẽ tập trung tổ chức lập quy hoạch chung cho toàn bộ Khu kinh tế, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; đồng thời triển khai lập và phê duyệt quy hoạch phân khu chức năng trong khu vực.
Cũng trong giai đoạn này, các công trình hạ tầng giao thông và kỹ thuật trọng điểm sẽ được ưu tiên đầu tư xây dựng.
Từ năm 2026 đến 2030, Khu kinh tế sẽ bước vào giai đoạn triển khai đầu tư xây dựng các khu chức năng cụ thể. Các dự án lớn bao gồm cảng Nam Đồ Sơn, các dự án phát triển đô thị, cùng hệ thống hạ tầng kỹ thuật bên trong và ngoài khu vực công nghiệp, cụm công nghiệp. Ngoài ra, các công trình giao thông đường bộ, nhà ở xã hội và hạ tầng xã hội khác cũng nằm trong kế hoạch thực hiện. Sau năm 2030, các hạng mục đầu tư còn lại sẽ tiếp tục được triển khai để hoàn thiện toàn diện khu kinh tế.
Một góc TP. Hải Phòng. Ảnh: Internet
Theo ông Lê Trung Kiên – Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, theo Đề án, Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng được quy hoạch trong phương án phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp thuộc Quy hoạch TP. Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đề án này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1516/QĐ-TTg ngày 1/12/2023. Đây sẽ là khu kinh tế ven biển thứ hai của TP. Hải Phòng, sau Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải, được thành lập năm 2008.
Đặc biệt, Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng được định hướng phát triển thành một khu kinh tế sinh thái thế hệ 3.0, đa ngành, với trọng tâm là công nghiệp công nghệ cao và logistics hiện đại. Đây sẽ trở thành đầu mối quan trọng, kết nối Hải Phòng vào chuỗi giá trị và cung ứng khu vực cũng như toàn cầu.
Định hướng phát triển Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng
Theo định hướng đến năm 2030, Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng được kỳ vọng trở thành động lực chủ đạo thúc đẩy nền kinh tế thành phố, với quy mô tương đương 80% năng lực của Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải tính đến năm 2023.
Trong giai đoạn này, khu kinh tế được hoạch định vận hành đạt 80% theo kế hoạch, đồng thời hoàn thành các chỉ tiêu quan trọng:
Hoàn thiện 100% hệ thống hạ tầng theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Khu kinh tế phía Nam Hải Phòng sẽ là khu kinh tế thứ 2 trên địa bàn TP sau Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải. Ảnh minh họa
Tỷ lệ lấp đầy diện tích đất công nghiệp và thương mại đạt 80%; Thu hút đầu tư xã hội đạt 700.000 tỷ đồng; Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 2 triệu tỷ đồng; Đóng góp ngân sách nhà nước ước tính 550.000 tỷ đồng; Tạo ra khoảng 301.000 việc làm cho người lao động.
Để đảm bảo tổ chức thực hiện, Thủ tướng Chính phủ đã giao UBND TP. Hải Phòng chịu trách nhiệm toàn diện về các số liệu báo cáo, nội dung tiếp thu và giải trình liên quan đến Đề án thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng.
UBND TP. Hải Phòng cần tiếp thu đầy đủ ý kiến từ các Bộ, ngành và cơ quan liên quan trong quá trình quy hoạch, đầu tư xây dựng, phát triển khu kinh tế. Đồng thời, cần đảm bảo tính khả thi của phương án huy động vốn, phân kỳ đầu tư, và lập danh mục cụ thể các dự án ưu tiên triển khai.
Các dự án ưu tiên bao gồm hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong Khu kinh tế, hệ thống giao thông kết nối nội và ngoại khu; quỹ đất xây dựng nhà ở và các thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp và KĐT.
Trước đó, tại Hội nghị lần thứ 18 Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hải Phòng khóa XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 diễn ra ngày 3/12, các đại biểu đã thống nhất nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, bao gồm việc khẩn trương thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng và Khu thương mại tự do thế hệ mới. Những bước đi này được kỳ vọng sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng bền vững của thành phố trong giai đoạn tới.
TP. Hải Phòng có diện tích đất liền 1.561,8km2,là thành phố lớn thứ 3 của Việt Nam, thành phố lớn thứ 2 ở miền Bắc sau Hà Nội và là một trong năm thành phố trực thuộc Trung ương của Việt Nam, là trung tâm cấp vùng và cấp quốc gia cùng với Đà Nẵng và Cần Thơ.
Thời điểm hiện tại, TP. Hải Phòng sở hữu hệ thống cảng biển lớn nhất miền Bắc và lớn thứ hai cả nước, với chiều dài cầu cảng 11,53km, hơn 40 cảng và 69 cầu cảng. Theo bảng xếp hạng 50 cảng container bận rộn nhất thế giới của Hội đồng Vận tải Thế giới, cảng Hải Phòng xếp thứ 33 với lưu lượng hàng hóa đạt 5,7 triệu TEUS vào năm 2021.