Dự án đường sắt TP. HCM – Cần Thơ sẽ giải bài toán giao thông giữa Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội khu vực.
Dự án đường sắt TP. HCM – Cần Thơ đang trong quá trình lấy ý kiến để hoàn thiện báo cáo trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Những thông tin ban đầu đã hé lộ một bức tranh đầy tiềm năng về dự án, hứa hẹn mở ra một phương thức vận tải mới, góp phần kết nối mạnh mẽ hai khu vực kinh tế quan trọng là Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo Dự thảo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi do liên danh tư vấn TEDI SOUTH – TRICC – TEDI lập, tuyến đường sắt TP. HCM – Cần Thơ bắt đầu tại ga An Bình (phường Dĩ An, TP. Dĩ An, Bình Dương) và kết thúc tại ga Cần Thơ (phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP. Cần Thơ). Tuyến đường đi qua 6 tỉnh, thành phố, bao gồm Bình Dương, TP. HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và TP. Cần Thơ.
Bản đồ hướng tuyến đường sắt TP. HCM – Cần Thơ
Giai đoạn I của dự án sẽ xây dựng đường đơn với tổng chiều dài 175,2km. Trong đó, phần nền đất chiếm 43,72% (76,6km), còn lại là công trình cầu cạn và cầu vượt sông chiếm 56,28% (98,6km).
Tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường đôi khổ 1.435mm và điện khí hóa. Tốc độ tối đa của tàu khách đạt 160 km/h, còn tàu hàng là 120 km/h. Công nghệ động lực phân tán EMU sẽ được sử dụng cho tàu khách, trong khi tàu hàng sử dụng công nghệ động lực tập trung.
Dự kiến, đến năm 2055, tuyến đường sắt này sẽ vận chuyển khoảng 18,324 triệu hành khách và 26,148 triệu tấn hàng hóa mỗi năm, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng của khu vực.
Dọc tuyến đường, sẽ bố trí 12 nhà ga, 4 trạm khách tương lai, 3 depot lớn (An Bình, Tân Kiên, Cần Thơ), cùng các trạm bảo dưỡng và khám xe tại Thạnh Đức, Tam Hiệp, Cai Lậy, Bình Minh. Hạ tầng dự án còn bao gồm 5 cây cầu lớn vượt sông, trong đó có hai cầu đặc biệt bắc qua sông Tiền và sông Hậu.
Kế hoạch triển khai dự án
>> Chi tiết 5 ga hàng hoá trên tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam quy mô 67 tỷ USD
Dự án cần khoảng 801,5ha đất, bao gồm 193,88ha đất ở, 479,1ha đất nông nghiệp (trong đó đất trồng lúa chiếm 430,19ha) và 128,52ha đất dành cho công trình công cộng.
Chi phí đầu tư giai đoạn I, bao gồm xây dựng đường đơn và giải phóng mặt bằng, ước tính khoảng 173.643 tỷ đồng (7,16 tỷ USD). Trong đó, riêng chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư chiếm 45.675 tỷ đồng.
Ở giai đoạn II, dự án sẽ nâng cấp toàn tuyến lên đường đôi với tổng chi phí khoảng 64.973 tỷ đồng (2,7 tỷ USD). Như vậy, tổng mức đầu tư cả hai giai đoạn lên tới 238.616 tỷ đồng (tương đương 9,84 tỷ USD).
Để đảm bảo đồng bộ giữa hạ tầng và phương tiện, dự án được đề xuất đầu tư theo hình thức đầu tư công. Trong giai đoạn đầu, phương tiện sẽ được đầu tư ngay để tránh rủi ro về huy động doanh nghiệp. Sau khi đưa vào khai thác, dự án sẽ kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư phương tiện, kinh doanh các khu đoạn có tiềm năng, đồng thời hợp tác khai thác các dịch vụ thương mại dọc tuyến.
Đề xuất mới nhất này có sự thay đổi so với phương án đầu kỳ hồi đầu năm 2024, khi dự án được đề xuất theo mô hình đối tác công tư (PPP), kết hợp Nhà nước thanh toán chi phí giải phóng mặt bằng và nhà đầu tư tư nhân xây dựng hạ tầng, thử nghiệm rồi bàn giao lại (hình thức BTL).
Theo đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải), các phương án đầu tư vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu và sẽ tiếp tục được xem xét kỹ lưỡng trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Dự án đường sắt TP. HCM – Cần Thơ không chỉ giải bài toán giao thông giữa Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội, và mở ra cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư bền vững cho các địa phương dọc tuyến. Với quy mô lớn và tiềm năng phát triển mạnh mẽ, đây được coi là bước ngoặt quan trọng cho hạ tầng giao thông phía Nam.