Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh mới đây đã có tờ trình gửi Bộ Giao thông vận tải đề nghị xem xét ý kiến thẩm định để UBND tỉnh hoàn chỉnh hồ sơ trình Thủ tướng quyết định bổ sung sân bay gần 5.000 tỷ vào quy hoạch tổng thể cảng hàng không, sân bay toàn quốc.
Sau hơn 2 năm tiến hành nghiên cứu, mới đây Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Tây Ninh đã có Tờ trình số 4034/TTr-UBND gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề nghị xem xét và cho ý kiến thẩm định để UBND tỉnh hoàn chỉnh hồ sơ trình Thủ tướng chính phủ, quyết định bổ sung Cảng hàng không Tây Ninh vào Quy hoạch Tổng thể hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trước đó, Cảng hàng không Tây Ninh đã có trong danh sách các cảng hàng không, sân bay tiềm năng được đề cập trong Quyết định số 648/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch Tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tỉnh Tây Ninh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ảnh: Internet
Các đề án này sẽ được gửi tới Bộ GTVT xem xét và báo cáo Thủ tướng quyết định việc bổ sung quy hoạch và triển khai xây dựng khi đủ điều kiện.
Đối với Cảng hàng không Tây Ninh, tại tờ trình số 4034/TTr-UBND, UBND tỉnh Tây Ninh đã đề xuất nghiên cứu vị trí triển khai Cảng hàng không Tây Ninh tại xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu.
Sân bay Tây Ninh nếu được xây dựng sẽ là động lực phát triển của địa phương. Ảnh minh họa
Vị trí được đề xuất này cách Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất khoảng 74km, cách Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sẽ là sân bay lớn nhất Việt Nam) 106km, cách biên giới Campuchia 44km, cách TP. Tây Ninh 24km, cách Khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen khoảng 15km và cách Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát khoảng 68km.
Cảng hàng không Tây Ninh dự kiến xây dựng đường cất hạ cánh theo trục Đông Bắc – Tây Nam, với chiều dài 3.200m, chiều rộng 45m và cao trình sân bay ở mức 18m. Tổng diện tích đất quy hoạch cho dự án là 420ha.
Theo Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông Vận tải (TEDI) – đơn vị lập Đề án, khu vực dự kiến quy hoạch cảng hàng không nằm hoàn toàn trên địa hình đồng bằng trống trải, tương đối bằng phẳng. Địa hình này thuận lợi cho công tác san lấp mặt bằng, với khả năng cân bằng khối lượng đào đắp nền mà không gặp phải các trở ngại lớn.
Ngoài ra, khu vực không tập trung đông dân cư, giúp giảm thiểu khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đồng thời không ảnh hưởng đến nhà dân hay các công trình hiện hữu. Tĩnh không sườn và tĩnh không hai đầu cũng được đánh giá là đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật.
Đại diện TEDI cho biết: “Thời gian thực hiện Cảng hàng không Tây Ninh được đề xuất trong giai đoạn 2026-2030. Tuy nhiên, dự án chỉ có thể khởi động sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch Tổng thể hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Quy mô và tầm quan trọng của Dự án Cảng hàng không Tây Ninh
Theo Tờ trình số 4034/TTr-UBND, ông Dương Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, cho biết tổng mức đầu tư sơ bộ cho giai đoạn đầu của Dự án Cảng hàng không Tây Ninh là khoảng 4.738 tỷ đồng. Giai đoạn này nhằm đáp ứng công suất khai thác 1 triệu lượt hành khách/năm, tương đương 400 lượt hành khách/giờ cao điểm.
Trên cơ sở chỉ đạo từ Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 648/QĐ-TTg, UBND tỉnh Tây Ninh đã xây dựng phương án huy động vốn tối đa từ nguồn ngoài ngân sách theo hình thức đối tác công tư (PPP). Cơ cấu nguồn vốn bao gồm: Vốn Nhà nước hỗ trợ dự án: 15% (khoảng 711,1 tỷ đồng) và vốn từ nhà đầu tư là 85% (khoảng 4.026,8 tỷ đồng).
Thời gian hoàn vốn cho dự án theo phương thức PPP, hợp đồng BOT, được dự kiến khoảng 42 năm, tương tự một số dự án cảng hàng không khác như Sa Pa, Quảng Trị và Bình Thuận.
Lãnh đạo UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, sau khi dự án được bổ sung vào Quy hoạch Tổng thể hệ thống cảng hàng không toàn quốc, địa phương sẽ chính thức kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia. Việc triển khai dự án không chỉ thúc đẩy kinh tế – xã hội của tỉnh mà còn góp phần hình thành các khu đô thị, khu công nghiệp, và phát triển du lịch, dịch vụ logistics.
Nếu dự án được thực hiện theo phương thức PPP, toàn bộ chi phí vận hành, bảo trì và khai thác trong suốt vòng đời dự án sẽ do nhà đầu tư chịu trách nhiệm, giúp tiết kiệm nguồn lực và giảm tải cho bộ máy quản lý Nhà nước.
Cảng hàng không Tây Ninh nằm cách sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất khoảng 74km. Vị trí này được đánh giá là phù hợp để trở thành cảng hàng không vệ tinh, giúp giải tỏa áp lực quá tải hành khách cũng như hỗ trợ trong trường hợp xảy ra sự cố kỹ thuật tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Lãnh đạo tỉnh Tây Ninh khẳng định: “Việc xây dựng Cảng hàng không Tây Ninh sẽ đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, vùng Đông Nam Bộ, đặc biệt là các ngành du lịch, dịch vụ và logistics, đồng thời gắn với nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng và an ninh”.
Cảng hàng không Tây Ninh được thiết kế theo tiêu chuẩn ICAO cấp 4E với 6 vị trí đỗ máy bay, được xây dựng trên diện tích 420ha, là sân bay dân dụng và cảng hàng không nội địa. Công suất khai thác: 1 triệu lượt hành khách/năm; giờ cao điểm đạt khoảng 400 lượt hành khách/giờ.
Tây Ninh là tỉnh nằm ở vị trí cầu nối giữa TP. HCM và Thủ đô Phnôm Pênh, Vương quốc Campuchia, đây cũng là một trong những tỉnh nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Theo Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu đến năm 2030, Tây Ninh trở thành tỉnh phát triển năng động, văn minh, có môi trường sống tốt, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu; đến năm 2050, Tây Ninh trở thành tỉnh có nền kinh tế phát triển dựa vào công nghiệp sạch và nông nghiệp công nghệ cao.