9 dự án này đều là những công trình giao thông quan trọng quốc gia, trọng điểm của ngành GTVT.

106.000 tỷ đồng cho 9 dự án trọng điểm tại ĐBSCL

Sáng 16/10, tại Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh, hội nghị cho thấy sự quan tâm của Chính phủ đối với việc phát triển hạ tầng chiến lược cả nước nói chung, đặc biệt là vùng ĐBCSL nói riêng.

ĐBSCL có nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, song có những điểm nghẽn, hạn chế, đặc biệt là về hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông.

"Vùng đất Chín Rồng" của Việt Nam sẽ bứt phá khó tin nhờ 9 dự án 106.000 tỷ đồng - Ảnh 1.

Thủ tướn phát biểu khai mạc Hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Những hạn chế về hạ tầng giao thông làm tăng chi phí logistics, chi phí đầu vào, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa, không tạo ra không gian phát triển mới, hạn chế việc tái cơ cấu kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tại khu vực này.

Thủ tướng yêu cầu, ngoài các dự án đường bộ, cần tiếp tục bàn các nhiệm vụ, giải pháp triển khai các dự án các sân bay, bến cảng… cho vùng ĐBSCL. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan, tỉnh Cà Mau phải nỗ lực hoàn thành dự án sân bay Cà Mau, máy bay cất hạ cánh được vào dịp 30/4/2025.

“Chúng ta không thể để chậm chỉ vì lý do thủ tục, trong khi nhân dân ngày đêm mong chờ, yêu cầu phát triển phải có sân bay”, Thủ tướng nêu rõ.

Báo cáo Thủ tướng, Bộ GTVT cho biết hiện nay, khu vực ĐBSCL đang triển khai 9 dự án giao thông quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT với tổng vốn đầu tư khoảng 106.000 tỷ đồng. Trong đó, 8/9 dự án đang tổ chức thi công.

Điểm danh 9 dự án 106.000 tỷ đồng sẽ giúp ĐBSCL bứt phá

Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông đoạn Cần Thơ – Cà Mau gồm 2 đoạn Cần Thơ – Hậu Giang và Hậu Giang – Cà Mau

Cao tốc này có chiều hơn 110km, tổng mức đầu tư hơn 27.500 tỷ đồng, khởi công tháng 1-2023, dự kiến hoàn thành trong năm 2025.

Đoạn tuyến cao tốc gồm 2 dự án thành phần: Dự án thành phần đoạn Cần Thơ – Hậu Giang dài hơn 37km; tổng mức đầu tư hơn 10.370 tỷ đồng. Dự án thành phần đoạn Hậu Giang – Cà Mau dài hơn 73km; tổng mức đầu tư hơn 17.152 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư), các địa phương đã bàn giao mặt bằng 99,9%. Đến nay, sản lượng thi công đạt 46%/57% kế hoạch, chậm 11%.

"Vùng đất Chín Rồng" của Việt Nam sẽ bứt phá khó tin nhờ 9 dự án 106.000 tỷ đồng - Ảnh 2.

Dự án cao tốc Cần Thơ-Cà Mau. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Khó khăn của cao tốc Cần Thơ – Cà Mau là nguồn cát phục vụ thi công. Để đảm bảo huy động khối lượng cát còn lại trong năm 2024 (khoảng 5,67 triệu mét khối), Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận kiến nghị Bộ GTVT xem xét, tiếp tục có ý kiến với các địa phương (Vĩnh Long, Bến Tre, An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang) sớm hoàn thành thủ tục khai thác, nâng công suất mỏ cát để cung ứng đủ nguồn cát cho dự án.

Về giải ngân vốn năm 2024, đã giải ngân đạt 79% so với kế hoạch giao. Giải ngân lũy kế từ đầu dự án đến nay đạt 92%.

Dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng gồm 4 dự án thành phần

Cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1 có tổng chiều dài 188km đi qua 4 tỉnh thành An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng. Tổng mức đầu tư trên 44.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách trung ương và địa phương, dự kiến hoàn thành trong năm 2026.

Giai đoạn 1, dự án được đầu tư quy mô phân kỳ 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/h. Giai đoạn hoàn chỉnh, dự án sẽ được đầu tư quy mô 6 làn xe.

"Vùng đất Chín Rồng" của Việt Nam sẽ bứt phá khó tin nhờ 9 dự án 106.000 tỷ đồng - Ảnh 3.

Công nhân thi công tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng. Ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản

Dự án được chia làm 4 dự án thành phần do 4 địa phương có dự án đi qua làm cơ quan chủ quản. Trong đó, dự án thành phần 1 tại tỉnh An Giang có chiều dài 57,2km, dự án thành phần 2 tại TP Cần Thơ dài 37,2km, dự án thành phần 3 tại tỉnh Hậu Giang dài gần 37km và dự án thành phần 4 tại tỉnh Sóc Trăng dài 56,9km.

Dự án cao tốc Cao Lãnh – An Hữu gồm 2 dự án thành phần

Công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh – An Hữu giai đoạn 1 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 769/QĐ-TTg ngày 24-6-2023 và phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1640/QĐ-TTg ngày 19-12-2023. Sơ bộ tổng mức đầu tư là 7.496 tỷ đồng, bao gồm 2 dự án thành phần.

Dự án thành phần 1 thuộc địa bàn tỉnh Đồng Tháp, chiều dài khoảng 16 km, sơ bộ tổng mức đầu tư 3.640 tỷ đồng, do UBND tỉnh Đồng Tháp làm cơ quan chủ quản.

"Vùng đất Chín Rồng" của Việt Nam sẽ bứt phá khó tin nhờ 9 dự án 106.000 tỷ đồng - Ảnh 4.

Khởi công Dự án cao tốc Cao Lãnh – An Hữu (thành phần 1). Ảnh: Báo Ấp Bắc

Dự án thành phần 2 thuộc địa bàn tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang, chiều dài khoảng 11,43 km, sơ bộ tổng mức đầu tư 3.856 tỷ đồng do UBND tỉnh Tiền Giang làm cơ quan chủ quản.

Dự án thành phần 2 có điểm đầu giao với Dự án thành phần 1 tại Km16+000 thuộc xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp; điểm cuối giao với tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận tại lý trình khoảng Km98+950 (cách nút giao An Thái Trung khoảng 1,8 km) thuộc xã An Thái Trung, huyện Cái Bè.

Dự án cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh

Dự án cao tốc này với phần vốn ODA từ Hàn Quốc do Bộ GTVT làm cơ quan chủ quản đang hoàn thiện thủ tục và dự kiến khởi công đầu năm 2025.

Cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh dài khoảng 26,6km; điểm đầu kết nối với tuyến đường N2 tại km 96+875 thuộc thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp; điểm cuối tại nút giao An Bình (đầu cầu Cao Lãnh) thuộc huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

Giai đoạn 1, cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh được đầu tư phân kỳ với quy mô nền đường rộng 17m, 4 làn xe; bố trí không liên tục các đoạn dừng xe khẩn cấp với khoảng cách 4 -5km/vị trí. Đường gom được xây dựng với bề rộng nền đường tối thiểu 5m.

Ở giai đoạn 4, dự án tuy được đầu tư quy mô 4 làn xe hạn chế nhưng thực hiện giải phóng mặt bằng với quy mô 6 làn xe hoàn chỉnh theo quy hoạch.

Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi – Bến Nhất, Gò Quao – Vĩnh Thuận

Dự án có chiều dài tuyến khoảng 51,94km; trong đó, đoạn Rạch Sỏi – Bến Nhất dài 11,2km, có điểm đầu tại Km 0+000 (Km 88+540 QL61) thuộc huyện Châu Thành và điểm cuối Km 11+200 (Km 77+00 QL61) tại huyện Giồng Riềng (Kiên Giang).

Còn đoạn Gò Quao – Vĩnh Thuận dài 40,74km, có điểm đầu Km20+600 (Km 67+213 QL61) thuộc huyện Gò Quao và điểm cuối Km 61+342 (Km 67+174 QL61) tại huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang).

Dự án có quy mô xây dựng đường cấp III đồng bằng, 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80km/h và công trình cầu trên đoạn đường này thiết kế bằng thép, bêtông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực.

"Vùng đất Chín Rồng" của Việt Nam sẽ bứt phá khó tin nhờ 9 dự án 106.000 tỷ đồng - Ảnh 5.Hướng tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi – Bến Nhất và Gò Quao – Vĩnh Thuận (trục khoanh tròn màu đỏ) trên địa phận tỉnh Kiên Giang và Bạc Liêu. Ảnh: Dự thảo bản đồ phát triển hạ tầng kỹ thuật quốc gia

Tổng mức đầu tư dự án hơn 3.904 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước do Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư; dự kiến thi công cơ bản hoàn thành vào năm 2025.

Dự án Cao Lãnh – Lộ Tẻ

Dự án đầu tư nâng cấp tuyến Cao Lãnh – Lộ Tẻ trên địa phận tỉnh Đồng Tháp và thành phố Cần Thơ có chiều dài khoảng 28,8km với tổng mức đầu tư khoảng 950 tỷ đồng, được triển khai thi công từ cuối tháng 4/2024 và dự kiến hoàn thành, đưa vào khai thác vào ngày 31/12/2025.

Mục tiêu dự án nhằm nâng cao năng lực thông hành, đáp ứng nhu cầu vận tải trên tuyến trục dọc phía tây của khu vực, phát huy hiệu quả các dự án đầu tư trong vùng.

Dự án có điểm đầu tại tại nút giao An Bình, thuộc xã An Bình, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp (khoảng Km 26+00 theo lý trình quốc lộ N2B) và điểm cuối kết nối với tuyến Lộ Tẻ – Rạch Sỏi, thuộc địa phận thành phố Cần Thơ (khoảng Km 54+844 theo lý trình quốc lộ N2B).

Dự án Lộ Tẻ – Rạch Sỏi

Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt đầu tư dự án nâng cấp mặt đường tuyến Lộ Tẻ – Rạch Sỏi trên địa phận thành phố Cần Thơ và tỉnh Kiên Giang, với tổng mức đầu tư khoảng 750 tỷ đồng.

Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành đưa vào khai thác trước ngày 31/12/2025. Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận được giao nhiệm vụ chủ đầu tư dự án và tổ chức quản lý dự án để đảm bảo hoàn thành đúng thời gian phê duyệt của Bộ Giao thông Vận tải.

"Vùng đất Chín Rồng" của Việt Nam sẽ bứt phá khó tin nhờ 9 dự án 106.000 tỷ đồng - Ảnh 6.

Nhà thầu đang thi công nhưng tuyến Lộ Tẻ – Rạch Sỏi. Ảnh: Báo Giao thông

Tuyến đường Lộ Tẻ – Rạch Sỏi giai đoạn 1 với chiều dài 51,5 km, chiều rộng nền đường 17 m, quy mô 4 làn xe đã hoàn thành, đưa vào khai thác từ tháng 01/2021, là dự án thực hiện bằng nguồn vốn vay ODA của Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF).

Điểm đầu dự án tại Km02+104.11 thuộc địa bàn huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ, kết nối dự án xây dựng cầu Vàm Cống đã hoàn thành và đưa vào khai thác. Điểm cuối dự án tại Km53+553 thuộc địa bàn huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang, kết nối với dự án tuyến tránh thành phố Rạch Giá.

Dự án cầu Rạch Miễu 2

Rạch Miễu 2 là cầu thứ bảy bắc qua sông Tiền, sau Rạch Miễu, Cao Lãnh (Đồng Tháp), Mỹ Thuận (nối Vĩnh Long với Tiền Giang), Mỹ Thuận 2, Hàm Luông (Bến Tre), Cổ Chiên (nối Bến Tre với Trà Vinh).

Dự án có tổng mức đầu tư 5.200 tỷ đồng, sau đó điều chỉnh hơn 6.800 tỷ đồng, dài 17,6 km, nối Tiền Giang với Bến Tre, khởi công tháng 3/2022, dự kiến hoàn thành sau ba năm. Công trình cách cầu hiện hữu gần 4 km, sau khi hoàn thành giúp giảm tải cho quốc lộ 60, đặc biệt là cầu hiện hữu hay ùn tắc dịp lễ, Tết.

Nhìn từ trên cao, Dự án xây dựng cầu Rạch Miễu 2 đã nối dài một mạch từ tỉnh Tiền Giang đến tỉnh Bến Tre. Ảnh: VGP/Nhật Thy

Dự án cầu Đại Ngãi

Cầu Đại Ngãi vượt sông Hậu ở tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng được lùi tiến độ hoàn thành vào năm 2027, khai thác đồng bộ năm 2028 thay vì năm 2026 như kết hoạch ban đầu.

Dự án có chiều dài khoảng 15,14km được chia làm hai công trình chính gồm: cầu dây văng Đại Ngãi 1 và cầu Đại Ngãi 2. Tổng mức đầu tư hơn 7.962 ty đồng từ ngân sách nhà nước.