Câu chuyện được anh D.T.T (quận 6, TPHCM) chia sẻ với phóng viên báo Phụ Nữ TPHCM như một cách giúp những người mua bán vàng qua mạng cảnh giác với các trò lừa đảo.

Anh T.T kể, sau nhiều ngày đăng ký mua vàng online tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) và 4 ngân hàng thương mại không thành công, anh T. vào nhóm “Giao lưu vàng miếng SJC, PNJ, DOJI không qua trung gian” trên mạng xã hội Facebook để rao mua vàng thì lập tức có một tài khoản tên Diamond Nguyễn bình luận nội dung “sẵn 12 lượng vàng tại TPHCM”.

Diamond Nguyễn chủ động gọi điện thoại cho anh T. giới thiệu tên là Nguyễn Cao Cường và yêu cầu anh T. trao đổi qua Zalo. Cường giả vờ kỳ kèo bán vàng cho T. với mức giá nhỉnh hơn một chút so với mức giá mà anh T. đang muốn mua.

Sau khi chốt giá mua bán, Cường lấy lý do đang đi công tác ngoài Hà Nội, nên nhờ người giao vàng cho anh T. “Cường yêu cầu tôi kiểm tra vàng cho kỹ rồi chuyển tiền cho Cường qua số tài khoản ngân hàng mang tên người này” – anh T. kể

Đối tượng lừa đảo

Đối tượng lừa đảo nói có 12 lượng vàng miếng SJC để lừa anh T. vào bẫy.

Anh T. mang theo tiền đến địa chỉ mà Cường đã gửi định vị và gặp hai vợ chồng Nhân – được cho là “em trai của Cường” để lấy vàng. Sau khi kiểm tra chắc chắn vàng miếng SJC là thật, anh T. mở điện thoại chuyển khoản cho Cường kèm thông báo “giờ mình chuyển tiền cho anh Cường nhé”.

Nghe anh T. nói, vợ chồng anh Nhân ngạc nhiên hỏi vì sao anh T. không chuyển tiền trực tiếp cho Nhân mà lại chuyển qua cho Cường. Anh T. vẫn chưa hiểu sự tình, giải thích, do Cường nhận là chủ nhân của số vàng này nên phải chuyển tiền cho Cường. “Vợ chồng Nhân khẳng định số vàng này là của họ. Cường nói với vợ chồng Nhân, tôi là bạn của Cường, do Cường đang đi công tác nên nhờ tôi qua lấy vàng giùm”, anh T. thuật lại.

Anh T. bối rối, gọi điện thoại cho Cường. Cường vẫn yêu cầu anh T. hãy chuyển khoản cho mình, việc còn lại Cường sẽ giải quyết với vợ chồng anh Nhân. Anh T. truy vấn thêm thì bị Cường quát mắng.

Lúc này, người mua và người bán vàng nói chuyện với nhau mới vỡ lẽ Cường đóng vai cả hai bên để lừa anh T. theo kịch bản rất hoàn hảo. Theo đó, Cường sẽ giả vờ là người bán vàng với giá rẻ chỉ 79 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá niêm yết tại SJC là 1 triệu đồng/lượng để mồi chài anh T. Mặt khác, Cường biết vợ chồng anh Nhân đang rao bán vàng với giá 80 triệu đồng/lượng, cao hơn 1 triệu đồng so với giá mua vào của SJC nhưng vẫn chấp nhận mua.

Cường dặn dò anh T khi gặp vợ chồng anh Nhân chỉ kiểm tra vàng, không hỏi về giá cả. Đồng thời, dặn vợ chồng anh Nhân không nên nói giá bán trong lúc giao vàng vì sẽ dính tới pháp luật. Cứ như vậy, suýt chút nữa anh T. đã mất trắng số tiền gần 1 tỉ đồng vào tay một người lạ hoắc tên Cường.

Nhiều người rao thu mua vàng giá cao hơn giá niêm yết tại Công ty SJC từ 2-3 triệu đồng/lượng

Nhiều người rao thu mua vàng giá cao hơn giá niêm yết tại Công ty SJC từ 2-3 triệu đồng/lượng.

Hiện nay, tình trạng rao mua bán vàng online trên mạng xã hội diễn ra khá nhộn nhịp. Nhiều tài khoản cố tình rao mua – bán với giá cao hơn hoặc thấp hơn từ 2-3 triệu đồng/lượng so với mua – bán tại tại Công ty SJC nhằm mục đích mồi chài nhiều người “mua bán ngay kẻo lỡ”.

Theo ông Nguyễn Đức Lệnh – Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, người dân nên mua bán vàng miếng SJC đúng địa điểm là các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép kinh doanh vàng miếng SJC để hạn chế những rủi ro nhất định như câu chuyện kể trên.