×

CEO Nguyễn Phương Hằng lại tới công chuyện với giới nghệ sĩ rồi

Việc viết lại lời bài hát “Đoạn buồn đêm mưa” và biến bài hát này thành một tác phẩm phái sinh của CEO Nguyễn Phương Hằng phải xin phép tác giả và chi trả tiền thù lao theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.

Ngày  02/10/2024  Dân Việt đưa tin “CEO Nguyễn Phương Hằng có vi phạm bản quyền âm nhạc?”. Nội dung chính như sau: 

Những ngày qua, thông tin CEO Nguyễn Phương Hằng – Tổng Giám đốc điều hành Khu du lịch Đại Nam hết án tù, trở lại với cuộc sống đời thường “chiếm sóng” rất nhiều diễn đàn. Trong đó, hình ảnh bà Nguyễn Phương Hằng đứng trước hàng nghìn người trong buổi giao lưu tối 29/9 hát ca khúc “T30 và tôi” và “Mưa An Phước” do chính bà “chế tác phần lời” trên nền nhạc bài hát “Đoạn buồn đêm mưa” của tác giả Tú Nhi (Tú Nhi là nghệ danh của danh ca Chế Linh). Những clip ghi lại phần biểu diễn này sau đó được lan truyền chóng mặt trên các nền tảng xã hội. Thậm chí, ngay hôm sau, phần beat karaoke bài nhạc chế này cũng đã được sản xuất và tung lên mạng để mọi người có thể hát theo.

Bài hát “T30 và tôi” của CEO Nguyễn Phương Hằng đã được biến thành beat karaoke phổ biến trang nền tảng số. Ảnh chụp màn hình

Bà Nguyễn Phương Hằng nói rằng, trong tận cùng khổ đau bà đã viết nên được những bài thơ và bài hát này. Dù có thể những bài hát này chưa hay nhưng đó là những gì thật nhất mà bà đã trải qua và muốn chia sẻ cùng mọi người.

Thực tế, bài hát “Đoạn buồn đêm mưa” có một số phận khá… đặc biệt. Bài hát này do nhạc sĩ Tú Nhi sáng tác trước năm 1975. Bài hát này sau đó đã được ông cho phép nhạc sĩ Vinh Sử in nhạc để bán vì thấy hoàn cảnh của ông thời đó khá tội nghiệp. Tuy nhiên, mới đây, khi danh ca Chế Linh đăng tải bài hát này lên YouTube thì bị một bên đánh gậy bản quyền. Nam danh ca ngay sau đó đã lên tiếng bày tỏ sự bức xúc và quyết định thu hồi bài hát này.

“Trước năm 1975, tôi có giúp nhạc sĩ Vinh Sử lúc khó khăn, cho phép dùng bài hát “Đoạn buồn đêm mưa” in tờ nhạc để bán, giải quyết khó khăn về tài chính. Xuyên suốt từ trước 1975 đến tận bây giờ, tôi không hề đề cập gì đến quyền sở hữu hay phí tác quyền… Nhưng thời gian gần đây, có những sự tranh chấp vô lối bài hát do tôi sáng tác và chính tôi đã hát trên kênh YouTube của chính tôi, nhưng đã bị khiếu nại bởi một cơ sở khác. Họ cho rằng, họ đã sở hữu những bài hát của nhạc sĩ Vinh Sử, trong đó có bài “Đoạn buồn đêm mưa” của Tú Nhi. Vì nhạc sĩ Vinh Sử đã không còn nên với tư cách là chính chủ của bài này, tôi xin chính thức thu hồi bài hát kể trên kể từ hôm nay, để tránh mọi phiền phức không nên có”, danh ca Chế Linh chia sẻ.

Nếu CEO Nguyễn Phương Hằng chưa xin phép Chế Linh thì là vi phạm bản quyền

PV Dân Việt đã liên hệ danh ca Chế Linh, danh ca cho biết, ông đang ở nước ngoài nên chưa hề biết bài hát “Đoạn buồn đêm mưa” của mình bị viết lại lời. Tuy nhiên, ông sẽ xem xét và có phản hồi sau.

Chia sẻ với Dân Việt, Luật sư Phan Tuấn Vũ – Phó Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TP.HCM, Trưởng Văn phòng luật sư Phan Law Vietnam chia sẻ, khi một ai đó viết lại lời cho một bài hát dựa trên tác phẩm âm nhạc đã được công bố, điều này có nghĩa là người đó đang sử dụng quyền sở hữu tài sản của tác giả gốc. Việc này có thể bị xem là vi phạm bản quyền nếu làm trái với các quy định về quyền tác giả.

Trong trường hợp bài hát còn thời hạn bảo hộ thì việc viết lại lời bài hát là hành động sử dụng một tác phẩm âm nhạc có sẵn để sáng tác lại. Khi muốn sử dụng một tác phẩm âm nhạc đang được bảo hộ để viết lời mới, bạn phải xin phép chủ sở hữu quyền tác giả và nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm gốc theo quy định tại khoản 3 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ.

Trường hợp tự ý viết lại mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả hoặc tác giả là hành vi xâm phạm quyền tác giả theo quy định tại khoản 7 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ.

Trường hợp thứ hai là khi bài hát đã hết thời hạn bảo hộ, người ta có quyền sử dụng tác phẩm mà không cần phải xin phép hay trả tiền thù lao hoặc nhuận bút cho chủ sở hữu.

Thời gian bảo hộ quyền tác giả đối với bài hát theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 27 Luật Sở hữu trí tuệ là trong suốt cuộc đời của tác giả và 50 năm sau khi tác giả qua đời. Trong trường hợp bài hát có nhiều đồng tác giả, thời gian bảo hộ sẽ kết thúc vào năm thứ 50 sau khi đồng tác giả cuối cùng qua đời.

Như vậy, trong trường hợp này, tác giả của bài hát “Đoạn buồn đêm mưa” là danh ca Chế Linh hiện đang còn sống thì bất kỳ ai viết lại lời để tạo thành tác phẩm phái sinh đều phải xin phép ông và trả thù lao theo đúng quy định của pháp luật.

“Bài hát là một trong những tài sản trí tuệ của tác giả. Tác giả đã bỏ rất nhiều công sức, tâm huyết và trí tuệ của mình để nghiên cứu, sáng tác ra một tác phẩm âm nhạc. Vì vậy mà tác phẩm đó được Nhà nước cho phép đăng ký bảo hộ quyền tác giả.

Quyền tác giả được bảo hộ bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản. Việc chế lời bài hát dựa trên tác phẩm âm nhạc đã được công bố chính là sử dụng quyền tài sản của chủ sở hữu quyền tác giả. Cụ thể là khai thác tác phẩm âm nhạc này để làm tác phẩm phái sinh. Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định rất rõ các về điều này”, Luật sư Phan Tuấn Vũ nói thêm.

Sau đó ngày 03/10/2024, Dân Việt đưa tin “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã nhận 20 tỷ đồng của bà Nguyễn Phương Hằng ủng hộ”. Nội dung chính như sau: 

Theo TTXVN, tối 2/10, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Dương xác nhận bà Nguyễn Phương Hằng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc điều hành Khu du lịch Đại Nam, đã chuyển 20 tỷ đồng vào Ban vận động cứu trợ tỉnh Bình Dương thuộc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Dương.

Hiện, số tiền bà Hằng chuyển đã về đến Kho bạc Nhà nước tỉnh Bình Dương. Trong số đó, 10 tỷ đồng được dành ủng hộ đồng bào miền Bắc bị ảnh hưởng bởi bão lũ và 10 tỷ đồng dành cho đồng bào miền Trung.

Ngoài ra, Đại Nam cũng đã chuyển cho Ban vận động cứu trợ thuộc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Dương gần 1 tỷ đồng tiền quyên góp của du khách đến Khu du lịch trong ngày mở cửa miễn phí hôm 29/9 vừa qua để ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng của bão số 3 (Yagi).

Bà Nguyễn Phương Hằng có 2 lần ủng hỗ bà con bị thiệt hại do bão lũ, tổng cộng là 20 tỷ đồng

Cùng ngày 2/10, Khu du lịch Đại Nam thông báo chính thức về chuỗi chương trình “Chung tay chung sức – Chung một tấm lòng” nhằm quyên góp ủng hộ đồng bào miền Bắc bị thiệt hại do cơn bão số 3, theo Dân Trí. Theo đó vì lý do sức khỏe của bà Nguyễn Phương Hằng, chuỗi chương trình này sẽ ngưng và không tiếp tục tổ chức như kế hoạch trước đó (kế hoạch tổ chức các ngày 6/10, 13/10 và 20/10). Do đó, từ ngày 2/10, số tài khoản của Công ty Cổ phần Đại Nam dùng để ủng hộ đồng bào bị thiên tai lũ lụt trong chương trình này sẽ chính thức đóng lại.

Bà Nguyễn Phương Hằng mong muốn cộng đồng tiếp tục quyên góp và ủng hộ hướng về đồng bào bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, thông qua số tài khoản của MTTQ Việt Nam.

Bà Nguyễn Phương Hằng cùng chồng và con trai

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện Công ty cổ phần Đại Nam, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương xác nhận thông tin bà Nguyễn Phương Hằng hủy livestream (phát sóng trực tiếp) là chính xác.

Bên cạnh đó, bà Nguyễn Phương Hằng cũng thông báo về quyết định sẽ không livestream trên tất cả các phương tiện truyền thông từ đây về sau. Lý do ngưng livestream theo bà Hằng vì “lý do sức khỏe và mong muốn dành nhiều thời gian hơn cho gia đình”.

Trước đó, ông Huỳnh Uy Dũng – chồng của bà Nguyễn Phương Hằng đã trao 5 tỷ đồng tại chương trình phát động quyên góp ủng hộ nhân dân các tỉnh, thành phố phía Bắc bị ảnh hưởng của thiên tai do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Dương tổ chức.

Như vậy, tổng số tiền mà gia đình bà Hằng và Công ty Cổ phần Đại Nam, du khách đã quyên góp lên tới gần 26 tỷ đồng.

Related Posts

Our Privacy policy

https://dailytin24.com - © 2024 News