Những chia sẻ của cựu Quán quân Đường lên đỉnh Olympia khiến nhiều người ngưỡng mộ.
Đến tận bây giờ, nhiều khán giả vẫn còn nhớ như in về trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm 2009, bởi đây là một trận chung kết “vô tiền khoáng hậu” trong lịch sử sân chơi trí tuệ này.
Thay vì 4 thí sinh thì trận chung kết lại có sự góp mặt của tận 5 thí sinh. Lý do là vào trận thi quý 3, thí sinh Bạch Đình Thắng đứng trước câu hỏi 30 điểm cuối cùng và đang kém thí sinh dẫn đầu (Hồ Ngọc Hân) 60 điểm và quyết định chọn ngôi sao hi vọng. Câu hỏi dành cho Thắng là nêu 6 hệ cơ quan trong cơ thể người. Thí sinh này trả lời đúng 5 hệ (là hệ tuần hoàn, hệ tiêu hóa, hệ bài tiết, hệ thần kinh, hệ hô hấp) và thiếu hệ vận động. Còn hệ thứ 6 là nội tiết không được ban cố vấn chấp nhận. Do đó, Thắng bị trừ 30 điểm và không được vào trận chung kết.
Sau một thời gian, Thắng đã tiếp tục gửi cho chương trình quyển sách giáo khoa sinh học lớp 8 do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát hành có viết “Hệ nội tiết là hệ quan trọng trong cơ thể người”. Trước bằng chứng này, VTV đã mời ban cố vấn sinh học cũng như người biên soạn sách giáo khoa để tranh luận, phản bác. Cả hai bên đều đưa ra lập luận khoa học riêng, không ai chấp nhận mình sai. Cuối cùng, VTV quyết định “thí sinh học thế nào thì trả lời thế ấy”, chấp nhận câu trả lời này, dẫn đến Thắng không những không bị trừ điểm mà còn được cộng thêm 60 điểm, bằng số điểm của Hồ Ngọc Hân, và cả hai đã cùng được vào trận chung kết.
Quán quân Hồ Ngọc Hân
Trải qua trận chung kết đầy gay cấn, thí sinh Hồ Ngọc Hân, đến từ THPT chuyên Quốc học Huế, Thừa Thiên Huế đã xuất sắc giành ngôi vô địch. Giống như nhiều nhà vô địch khác, Hồ Ngọc Hân cũng chọn con đường du học tại Đại học Kỹ thuật Swinburne, Úc.
Có sự nghiệp khoa học đáng ngưỡng mộ ở nước ngoài nhưng vẫn quyết tâm trở về quê hương cống hiến
Hồ Ngọc Hân tốt nghiệp ngành Hóa học vào năm 2014. Sau đó, anh tốt nghiệp Tiến sĩ ngành Công nghệ Sinh học tại Đại học Wollongong vào năm 2020 và tốt nghiệp bậc sau Tiến sĩ tại Viện Y Sinh Francis Crick (London, Anh) năm 2022.
Tại Viện Y Sinh Francis Crick, Hồ Ngọc Hân được làm việc với những nhà khoa học hàng đầu thế giới trong lĩnh vực di truyền, biến đổi gene và đạt được những thành tựu nhất định trong nghiên cứu khoa học.
Trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ, Quán quân Đường lên đỉnh Olympia 2009 cho biết, anh tìm ra được thêm một phương pháp nghiên cứu cơ chế sửa đổi DNA ở người, qua đó góp phần nhỏ trong công cuộc nghiên cứu các loại thuốc, kháng sinh hay các phương pháp để chống lại tế bào ung thư.
Được biết, Hồ Ngọc Hân đã trở về Việt Nam làm việc vào năm 2022. Từ 1/10/2022, anh chính thức công tác tại Viện công nghệ sinh học, Đại học Huế, phụ trách phòng thí nghiệm sinh học phân tử. Lĩnh vực nghiên cứu của cựu Quán quân Đường lên đỉnh Olympia gồm: Sinh học phân tử, DNA tái tổ hợp, virus.
Trên trang website chính thức của Đại học Huế cũng đăng tải thông tin công khai về quá trình công tác và quá trình đào tạo của Hồ Ngọc Hân.
Cũng trong lần trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ, Quán quân Đường lên đỉnh Olympia 2009 cho biết, anh đã nung nấu ý định trở về Việt Nam từ trước khi sang Anh làm việc. Anh mong muốn trở về để đóng góp, phụng sự quê hương, nơi mà bản thân đã “mắc nợ ân tình” rất nhiều. Đó là nơi đã nuôi dưỡng cựu Quán quân lớn khôn, cho anh điều kiện để được học tập với mức học phí rất thấp và cả chăm sóc y tế.
Những chia sẻ của Quán quân Đường lên đỉnh Olympia 2009 Hồ Ngọc Hân nhận được rất nhiều lời ngợi khen của cộng đồng mạng.
Tổng hợp