Để được cấp sổ đỏ cho đất sử dụng, người dùng đất phải tuân thủ quy trình đăng ký và xin phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở. Quá trình này đòi hỏi thực hiện các thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật.
Sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về đất đai hoặc nặng hơn có thể bị thu hồi đất mà không được bồi thường về đất. Ảnh minh họa: Phan Anh
Điều kiện chuyển đất nông nghiệp sang đất thổ cư
Điểm d khoản 1 Điều 57 Luật Đất đai năm 2013 quy định, hộ gia đình, cá nhân muốn chuyển đất nông nghiệp sang đất thổ cư (đất ở) phải được phép của Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có đất (huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương).
Dù Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân nhưng không toàn quyền quyết định mà phải căn cứ vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và nhu cầu sử dụng đất được thể hiện trong đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất (sẽ thẩm định sau khi nhận hồ sơ).
Người dân chỉ được chuyển đất nông nghiệp sang đất thổ cư khi có quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền (quyết định có dấu đỏ) cho dù đất nông nghiệp đó bị “bỏ hoang” hoặc không đủ điều kiện canh tác hoặc canh tác không hiệu quả như thiếu nước, không màu mỡ…
Hồ sơ chuyển đất nông nghiệp sang đất thổ cư
Điều 6 Thông tư 30/2014/TT-BTNMT ngày 2.6.2014 quy định, để chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất thổ cư, hộ gia đình, cá nhân chuẩn bị bộ hồ sơ, gồm:
– Đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất (theo mẫu số 1 ban hành kèm theo Thông tư 30/2014/TT-BTNMT).
– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Sau đó người dân cần nộp hồ sơ tại Phòng Tài nguyên và Môi trường (cấp huyện). Trường hợp nhận hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì trong thời gian không quá 3 ngày làm việc, cơ quan tiếp nhận, xử lý hồ sơ phải thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.
Phòng Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ; xác minh thực địa, thẩm định nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất và hướng dẫn người sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.
Phòng Tài nguyên và Môi trường trình UBND cấp huyện quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, đồng thời chỉ đạo cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính.
Trong khi đó người sử dụng đất cần thực hiện nghĩa vụ tài chính.