Sau 16 năm, cô gái mới biết lý do bản thân không thể đỗ vào ngôi trường đại học mơ ước.
Với nhiều người dân Trung Quốc, kỳ thi tuyển sinh đại học được ví như cơ hội đổi đời bởi mức độ quan trọng đặc biệt của nó. Việc đỗ vào một ngôi trường đại học danh tiếng được xem là cột mốc đánh dấu cho một chương mới của cuộc đời. Chính vì vậy, các sĩ từ dồn toàn tâm toàn lực để ôn thi, mong sớm nhận được thông báo trúng tuyển từ ngôi trường mà bản thân mong ước.
Giống như nhiều sĩ tử khác, cô bé Trần Thu Vân đến từ vùng quê nghèo của huyện Nông Gia, tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) cũng nuôi ước mơ đỗ vào đại học để thay đổi cuộc sống của bản thân và gia đình. Tại địa phương, Thu Vân được hàng xóm xung quanh nhận xét là đứa trẻ ngoan ngoãn và hiểu chuyện. Ở trường, cô bé luôn được bạn bè và thầy cô yêu mến vì thành tích học tập đáng nể, luôn đứng top đầu trong các kỳ thi.
Năm 2004, để chuẩn bị cho kỳ thi đại học, Thu Vân đã học hành rất chăm chỉ. Bên cạnh việc phụ giúp cha mẹ làm nông, cứ có thời gian rảnh, cô lại lấy sách vở ra ôn luyện. Và rồi, thành quả là cô đạt được chính là số điểm 546 cao chót vót. Dù số điểm này chưa đủ để Thu Vân đỗ nguyện vọng 1, nhưng có thể giúp cô có được cơ hội học tập tại ngôi trường danh tiếng gần nhà. Đó là trường Đại học Công nghệ Sơn Đông. Đây là một tin vui đối với bản thân Thu Vân và bố mẹ cô.
Tuy nhiên, dù đủ điểm nhưng suốt 2 tháng đằng đẵng, Thu Vân không nhận được giấy báo trúng tuyển từ Đại học Công nghệ Sơn Đông. Nghĩ rằng bản thân đã trượt đại học, cô quyết định ra nước ngoài lao động để mau chóng có tiền phụ giúp gia đình. Thu Vân không ngờ rằng, giấy báo trúng tuyển của mình đã được gửi cho một cô gái tên là T. Theo đó, vì điểm thi của T quá thấp nên gia đình đã chi tiền để mua giấy báo trúng tuyển của người có điểm thi cao hơn thông qua một công ty môi giới, mà nạn nhân chính là Thu Vân. Đồng thời, họ còn sử dụng số CMND của cô để đăng ký nhập học tại Đại học Công nghệ Sơn Đông.
Từ đó trở đi, Thu Vân đã phải bươn trải khắp nơi, làm đủ công việc khác nhau từ công nhân nhà máy, nhân viên nhà hàng đến giúp việc để có tiền lo cho gia đình. Đến năm 2020, sau 16 năm lao động, khi đã 36 tuổi, Thu Vân mới có đủ điều kiện để tiếp tục theo đuổi con đường học tập. Cô quyết định đăng ký vào một trường giáo dục dành cho người lớn. Khi điền thông tin, Thu Vân phát hiện mình đã tốt nghiệp tại Đại học Công nghệ Sơn Đông. Tuy nhiên, hình ảnh hiển thị trên website lại là một cô gái khác.
Sau đó, Thu Vân đã trình báo sự việc với cảnh sát, phòng giáo dục và trường Đại học Công nghệ Sơn Đông với mong muốn tìm ra sự thật. Sau quá trình điều tra và làm rõ, phía Đại học Công nghệ Sơn Đông đã hủy bằng của cô gái tên T – thời điểm đó đang là viên chức nhà nước. Người này lập tức bị cách chức, khai trừ khỏi Đảng và giam giữ hình sự theo quy định của pháp luật. Theo đó, gia đình của người này thừa nhận đã mua giấy trúng tuyển và thông tin của người khác để con gái được đỗ vào trường Đại học Công nghệ Sơn Đông.
Lúc bấy giờ, sự việc này đã nhanh chóng trở thành chủ đề được dư luận Trung Quốc quan tâm. Đa số đều tỏ ra phẫn nộ trước hành vi của gia đình cô gái T và phía công ty môi giới. Điều này phảm ánh sự bất công trong xã hội và trong giáo dục. Hành vi mạo danh này không chỉ vi phạm đạo đức cá nhân, vi phạm pháp luật mà còn thách thức hệ thống thi, tuyển sinh đại học. Những cá nhân, tổ chức có liên quan đều bị trừng trị theo quy định của pháp luật.