Phạm Quang Linh sinh năm 1997 đang góp phần làm đẹp hình ảnh đất nước Việt Nam tại châu Phi xa xôi khi thực hiện nhiều hành trình thiện nguyện đầy ý nghĩa.
Phạm Quang Linh (ở giữa) trao đồng phục, cặp sách hỗ trợ trẻ em ở làng Sanzala (huyện Bailundo, tỉnh Huambo, Angola) đến trường học. (Nguồn: Nhân dân)
Từ năm 2016 sang Angola mưu sinh đến giờ, Phạm Quang Linh (quê Nghệ An) đang mải miết với công việc xây nhà, sửa trường miễn phí; đồng thời hỗ trợ trẻ em nghèo bản địa đến lớp, giúp người dân học làm nông nghiệp, cải thiện cuộc sống vốn rất khó khăn.
Xa quê để mưu sinh
“Mình sang châu Phi là vì kinh tế. Không ai muốn xa gia đình mà không phải để bươn chải”, Linh kể về cơ duyên khi đặt chân tới Angola.
Đến một chân trời hoàn toàn khác biệt khi vừa qua tuổi đôi mươi, chàng trai gốc Nghệ làm thợ xây dựng rất vất vả. Lúc này, Linh bắt đầu có những người bạn mới là người bản địa và gắn bó đến tận bây giờ. Họ cùng làm việc, dựa vào nhau để sống, cùng chia sẻ những khoảnh khắc buồn, vui.
Được người dân đón nhận, giúp đỡ nhiều về tinh thần chính là lý do lớn nhất giúp Linh mạnh mẽ hơn trong cuộc sống tha hương. Ở đó, những người bạn như Manuel Arlindo (thường gọi là Lindo) dần trở thành người thân, đồng hành với Linh suốt hành trình sau này.
Tích góp được chút vốn, Linh mở xưởng làm đá lạnh ở một con phố nhỏ bên bờ biển Luanda. Anh rủ Lindo về làm cùng với nhiều người khác.
Trong thời gian rảnh khi quản lý xưởng đá, một ý tưởng về lập kênh YouTube riêng ra đời bởi Linh nhận thấy cuộc sống ở Angolacó rất nhiều màu sắc, rất đặc trưng và sự trải nghiệm này cần được ghi lại bằng hình thức nào đó.
“Mục đích ban đầu mình muốn đăng tải các video lên mạng không phải vì kiếm tiền mà chỉ muốn có chỗ lưu lại những kỷ niệm của bản thân ở nơi xa xôi, khác biệt hoàn toàn về văn hóa này”, Linh kể.
Từ những khoảnh khắc giải trí, giới thiệu văn hóa Việt Nam tới những người bạn châu Phi, sau mỗi lần trao đổi, trò chuyện sâu hơn, Linh dần nhận thấy nhiều tâm tư trong mỗi người. Họ đều có xuất phát điểm rất nghèo, phải xa quê đến những thành phố lớn ở Angola làm việc tay chân, tích góp từng đồng gửi về gia đình.
Từ những lần thưởng thêm tiền cho đồng nghiệp gửi về quê, tặng gạo cho bác hàng xóm bị tật nguyền… Linh nghĩ đến việc phải tìm cách giúp đỡ thêm vì có quá nhiều người nghèo khó ở Angola: “Khi quyết định rẽ hướng từ kiếm tiền mưu sinh sang các hoạt động vì cộng đồng, cuộc sống ảnh hưởng khá nhiều. Tuy nhiên, dần dần mình không đặt nặng vấn đề tiền bạc mà mục đích lớn hơn là muốn bản thân được thêm trải nghiệm. Đồng thời, khi giúp đỡ người khác, mình thấy vui hơn”.
Có thêm vốn từ xưởng đá, Linh mở cửa hàng bán giày trên mạng. Những hình ảnh trên hai kênh YouTube: Quang Linh Vlogs, Ẩm thực châu Phi dần thu hút lượng lớn người xem, được bật kiếm tiền. Từng đó thu nhập chưa nhiều nhưng đủ để chàng trai trẻ quyết định chọn một con đường đi hoàn toàn mới, lạ lẫm ở đất nước nghèo của châu Phi. Đó là hành trình vừa làm “YouTuber”, vừa kiếm tiền qua kinh doanh để thực hiện những điều có ích cho cộng đồng bản địa.
Trái tim có nắng
Năm 2020, đại dịch Covid-19 xuất hiện ở Angola. “Lúc dịch xuất hiện, mình cũng chưa đủ kinh tế để về nước, chưa kể sang lại cũng không dễ. Thế nên, mình chọn ở lại”, Linh nói.
Quyết định này chính là cơ hội để chàng trai trẻ thực hiện hành trình về thăm quê của những người bạn đồng hành; từ đó, chứng kiến cuộc sống vất vả của nông thôn Angola. Linh đồng cảm với người nông dân thuộc nhiều sắc tộc thiểu số nơi đây bởi giống như cảm giác trong những ngày anh mới sang châu Phi, phải vất vả kiếm ăn lo cuộc sống hằng ngày. Người dân địa phương thiếu thốn mọi thứ về vật chất. Mua tặng họ từ chiếc bánh, hộp kẹo… đã đủ để tạo ra một “bữa tiệc” cho lũ trẻ, người già, thậm chí cả thôn, bản.
Quê Lindo ở làng miền núi xa xôi Sanzala (thuộc huyện Bailundo, tỉnh Huambo – một trong những địa phương nghèo nhất của Angola). Người dân nơi đây chưa bao giờ được dùng nước sạch bởi chi phí khoan giếng là quá khả năng với thu nhập của họ. Linh và nhóm bạn đồng hành (gồm cả người Việt Nam và người Angola- thường gọi là Team châu Phi) quyết định bỏ tiền, thuê thợ ở Luanda (cách làng Sanzala khoảng 200km) đến khoan tìm nước ngọt. Và chỉ sau ba giờ, giấc mơ có nước sạch lần đầu trong đời đã thành hiện thực trong sự ngỡ ngàng của những người dân.
Có nước sạch, Linh muốn giúp những người bạn nghèo đã theo mình suốt chặng đường dài xây nhà, lấy vợ, ổn định cuộc sống.
Biết chuyện Lindo đang dự định tổ chức đám cưới ở quê nhà nhưng hoàn cảnh rất khó khăn cho nên nhóm của Linh quyết định giúp. Và rồi một lễ đám hỏi đậm chất Việt Nam được diễn ra ngay giữa lòng đất nước Angola thật sự đáng ghi nhớ.
Lindo chia sẻ: “Vô cùng hạnh phúc khi Linh tặng vợ chồng tôi từ trang phục cưới đến nhẫn cưới. Linh đã làm những việc quan trọng trong cuộc đời tôi thay chính bố mẹ tôi”.
Sau đám cưới, đôi vợ chồng trẻ tiếp tục được hỗ trợ mua đất, dựng nhà khang trang. Bố Lindo nói: “Nhìn ngôi nhà Linh xây giúp Lindo mà tôi không tin đó là sự thật. Tôi coi Linh như con trai mình. Tôi rất hạnh phúc và cảm động vì những gì Linh đã làm với chúng tôi. Tôi mong Linh luôn gặp nhiều may mắn”.
Quang Linh chia sẻ: “Lindo và mình quen biết nhau từ khi còn làm thợ xây. Mình coi Lindo cũng như tất cả các anh khác như những người bạn”.
Hiện tại, bằng thu nhập cá nhân lẫn các nguồn quyên góp, nhóm của Linh đang tiếp tục hỗ trợ xây thêm bốn ngôi nhà cho những “anh da đen” còn lại trong nhóm; tặng gạo cho người dân các xóm vùng núi Bailundo…
Sau thời gian giúp đỡ, hỗ trợ người nghèo Angola bằng hiện vật, nhóm của Quang Linh nhận thấy rõ không thể cứ cho mãi “con cá” mà phải giúp họ có được “cái cần câu”.
Nông nghiệp vùng Bailundo hiện rất kém phát triển, một phần vì điều kiện sản xuất, một phần vì thiếu kinh nghiệm, trình độ. Họ chủ yếu trồng ngô, gần như không biết trồng rau xanh, đất đai bị bỏ trống rất nhiều. Linh chia sẻ: “Ngô trồng năm tháng đến ngày thu hoạch rồi mà bắp rất nhỏ, cỏ mọc đầy chung quanh. Ngô cho năng suất thấp là bởi người dân chỉ gieo hạt theo bản năng, trồng rất dày, không bón đất…”.
Nhóm bạn bắt đầu thử nghiệm trồng các loại rau Việt Nam ở châu Phi, thấy hiệu quả rất tốt vì nơi này mưa nhiều, đất khá màu mỡ.
Sau khi giúp người dân làm nông nghiệp, nhóm của Linh bắt đầu thực hiện một dự án hướng đến tương lai: Trong năm 2021, hỗ trợ 5.000 học sinh miền núi ở đây có đủ điều kiện đi học. Nếu đủ kinh phí, sẽ giúp đỡ các em trong khoảng từ ba đến 5 năm, thậm chí lâu hơn nếu có thể.
Linh nói: “Nhà nước Angola miễn phí tiền học cho trẻ nhưng đồng phục, sách vở, tiền ăn thì gia đình phải tự lo. Mà đối với họ, tiền ăn phải kiếm hằng ngày, đâu dư dả để cho con đi học”. Thậm chí, trường học ở vùng này xây từ năm 1987, cũ kỹ, hư hỏng nặng. Nhà trường còn chẳng đủ kinh phí mua bàn ghế cho nên học sinh đến trường phải tự… vác ghế ở nhà đi.
“Dự án mới bắt đầu được thời gian ngắn cho nên hiện tại, nhóm tạm thời hỗ trợ 15 em ở bản xa mua quần áo, cặp sách giúp các em đủ điều kiện đến trường”, Linh kể. Nhóm bạn trẻ quyết định tạm dừng xây nhà khoảng ba tuần để chuyển nhân lực sang sửa lại ngôi trường cũ. Sắp tới, nhóm sẽ chia nhau đến từng vùng lân cận, hỗ trợ thêm học sinh đến trường.
Hình ảnh Quang Linh và những người bạn tại châu Phi đang giúp cộng đồng tràn đầy xúc cảm, tự hào vì những trái tim Việt Nam đang tỏa nắng, góp phần sưởi ấm cuộc sống đầy khó khăn ở châu Phi.
Linh bày tỏ: “Mình sẽ giúp đỡ mọi người chung quanh khi còn có thể. Nếu mọi người vẫn còn muốn theo dõi, ủng hộ thì chúng tôi vẫn tiếp tục làm những việc ý nghĩa này”.
Với những hành trình thiện nguyện đáng quý của mình và nhóm bạn, Quang Linh vinh dự lọt tốp nhân vật truyền cảm hứng năm 2020 của chương trình Wechoice Awards. Anh cũng xuất hiện trong “Ngày trở về – Trái tim có nắng” của Đài Truyền hình Việt Nam dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 vừa qua như một sự ghi nhận xứng đáng sau rất nhiều nỗ lực giúp người dân Angola nói riêng, châu Phi nói chung./.