Bởi, chàng trai trẻ xứ Nghệ đã có một hành trình thiện nguyện đặc biệt tại đất nước Angola. Khi sang nước này để lao động, anh đã giúp người dân làm nhà, khoan giếng, trồng trọt, chăn nuôi, xây trường học ở những bản làng xa xôi để học sinh được đến trường, người dân bớt đói khổ… Với những việc làm giản dị mà ý nghĩa, Quang Linh đã trở  thành “đại sứ” mang hình ảnh đẹp đẽ, thân thiện của VN sang châu Phi và nhận được sự hưởng ứng cuồng nhiệt của cộng đồng.

PV Thanh Niên đã có cuộc trò chuyện với Quang Linh về hành trình nhân ái mà anh đã và đang làm ở châu Phi.

Được biết Quang Linh đến Angola để lao động, nhưng anh đã để lại một dấu ấn tuyệt vời khi giúp hàng ngàn người dân châu Phi có cơm ăn, áo mặc và trẻ em được đến trường. Anh có thể chia sẻ hành trình này?

Vào cuối năm 2016, sau khi tốt nghiệp THPT, tôi sang châu Phi theo diện xuất khẩu lao động. Khi đến đây tôi đi làm công trình xây dựng ở thành phố, sau đó mở xưởng làm nước đá để kinh doanh. Khi ấy có 7 – 8 người dân ở các vùng quê xa xôi của Angola (cách thành phố 700 km) xin vào làm việc ở xưởng. Trong một dịp nghỉ tết, tôi đã theo họ về quê chơi và thăm gia đình. Ở những bản làng heo hút ấy, tôi thấy họ sống khổ cực quá, thiếu ăn, thiếu mặc nên đã nghĩ sẽ phải tìm cách giúp họ. Lúc đó, kinh tế chưa được khá giả, tôi thường dùng số tiền tự kiếm được để tổ chức những bữa ăn không đồng, phát gạo, nhu yếu phẩm cho người dân nơi đây. Lúc đầu là gia đình mấy anh làm cho tôi, sau giúp cả bản làng.

Năm 2019, tôi bắt đầu đưa những thông tin và hình ảnh về cuộc sống của mình và người dân châu Phi lên YouTube. Tôi chỉ nghĩ là đưa lên cho vui và lưu giữ kỷ niệm tuổi thanh xuân ở đất nước xa xôi này. Nhưng từ thời điểm ấy, những clip liên quan đến đời sống của người dân nơi đây dần được đông đảo người Việt biết đến qua YouTube “Quang Linh Vlogs – Cuộc sống ở châu Phi”. Chúng tôi có nhóm bạn 9 người (gồm 4 người Việt và 5 người Angola), thường được gọi bằng cái tên gần gũi “Team châu Phi”, đã cùng nhau làm thiện nguyện, lan tỏa trên mạng xã hội và được cộng đồng mạng hưởng ứng nồng nhiệt. Thời gian này khi kinh tế đã ổn hơn nhờ kinh doanh và làm nội dung trên YouTube, tôi dần có những dự án lớn hơn để giúp người dân Angola.

Anh đã về những bản làng xa xôi của các tỉnh miền núi để thực hiện các dự án như: lắp đèn sử dụng năng lượng mặt trời; xây dựng nhà cho dân, xây trường học và vận động trẻ em tới trường; hướng dẫn họ trồng trọt, chăn nuôi… Tại sao anh lại thực hiện những công việc đó?

Ở đây khí hậu khắc nghiệt, 1 năm có 6 tháng mưa, 6 tháng hạn hán, người dân ít kiến thức về nông nghiệp. Họ chỉ trồng ngô vào 6 tháng mùa mưa rồi cất trữ và nghỉ làm, đến mùa hạn thì lấy ngô ra ăn. Nhưng có khi mùa hạn lên đến 8 tháng, lượng tích trữ không đủ, nên họ thường xuyên thiếu đói.

Trong khi đó, họ không làm gì vào mùa hạn. Vì thế, tôi cùng nhóm người Việt ở đây đã bày cho họ kỹ thuật trồng các cây lương thực và dẫn nước từ suối xuống, chăm bón kiểu VN để có lương thực ăn quanh năm. Tôi đã mang giống lúa từ VN sang và hướng dẫn họ trồng. Lần đầu tiên người dân châu Phi đã biết làm nông nghiệp nhiều hơn và đời sống ngày một ấm no hơn.

Nơi tôi đặt chân đến đầu tiên là bản làng miền núi xa xôi Sanzala thuộc huyện Bailundo, tỉnh Huambo – quê của Lindo (người bạn châu Phi). Tại đây, họ chưa bao giờ được dùng nước sạch bởi chi phí cho việc khoan giếng là quá khả năng so với thu nhập ít ỏi. Hiểu được điều này, tôi và Team châu Phi đã quyết định tự bỏ tiền túi để thuê thợ khoan giếng nước ngọt. Lần đầu tiên trong đời, giấc mơ nước sạch đã thành hiện thực trong niềm hạnh phúc của người dân. Đến nay, chúng tôi đã giúp người dân khoan được rất nhiều giếng nước sạch.

Thấy người dân không có điện, tôi đã cùng họ xây dựng hệ thống điện mặt trời, lắp tới từng nhà dân. Công việc mất nhiều ngày mới hoàn thành. Khi chuẩn bị thắp sáng bản làng, già trẻ lớn bé tập trung rất đông đúc, háo hức đón chào ánh đèn đầu tiên rọi sáng vùng quê mình và điều mong mỏi đã thành hiện thực. Tất cả mọi người vô cùng xúc động, hô hào vui mừng và hạnh phúc.


Quang Linh làm đèn ông sao cho trẻ em châu Phi vui Tết Trung thu như người Việt

Không những chỉ làm từ thiện, anh còn được cộng đồng mạng phát cuồng với những tình cảm mà anh đã dành cho trẻ em châu Phi. Vì sao anh lại dạy trẻ em châu Phi học tiếng Việt, chơi trò chơi dân gian Việt và dạy chúng như một người cha?

Khi đã gắn bó với người dân châu Phi, tôi luôn nỗ lực để bà con không chỉ đủ ăn mà các em nhỏ còn được phát triển tốt nhất. Ở những vùng quê nghèo khó, người dân còn sinh rất nhiều con, mà không cho đi học, phải ở nhà lao động, nên tôi đã vào tận bản làng để vận động người dân cho trẻ đến trường. Tôi đã có 2 năm đi xây trường học và hiện đã làm được nhiều trường học, giúp được khoảng 5.000 trẻ em tới trường.

Những đứa trẻ nơi đây lớn lên trong sự nghèo khó nhưng chúng rất tình cảm. Nhiều em vì nghèo khó mà không được đi học nên tôi muốn chỉ bảo, dạy dỗ chúng từ điều nhỏ nhặt nhất. Tôi cũng muốn mang bản sắc văn hóa của người Việt đến cộng đồng bà con châu Phi, nên đã dạy các em học tiếng Việt, chơi các trò chơi dân gian như thả diều để nhớ về tuổi thơ của chính mình.


Quang Linh cùng hoa hậu Thùy Tiên làm giếng nước sạch tặng người dân

Dân mạng cũng “phát sốt” với những clip anh đăng về Lôi Con, một cậu bé châu Phi nhưng dường như đã được anh đào tạo thành “người con xứ Nghệ”. Cộng đồng mạng hay gọi là “tình bể bình” với Lôi Con. Vì sao anh có mối quan hệ đặc biệt với cậu bé này?

Lôi Con, tên thật là Matiloi, người châu Phi được tôi dạy tiếng Việt từ nhỏ. Hiện Lôi Con gây “sốt” cộng đồng mạng nhờ khả năng nói tiếng Việt giỏi và hát được nhiều bài hát của thiếu nhi VN. Bố của Lôi Con cũng là một thành viên trong Team châu Phi của tôi. Trong một lần đi thăm người dân tại Angola, tôi đã gặp được cậu bé được mệnh danh “sad boy châu Phi” này và quay clip chia sẻ trên YouTube cá nhân. Khi ấy, Lôi Con còn rất nhỏ, chỉ mới khoảng 2 tuổi. Tuy khi ấy chưa biết, thế nhưng Lôi Con vẫn đồng ý cho tôi bế. Ai mà ngờ được rằng, mối nhân duyên của 2 chú cháu được bắt đầu từ đấy.

Từ một người xa lạ, giờ đây tôi đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của Lôi Con và ngược lại. Tuy nhiên, không chỉ có Lôi Con, tôi xem những đứa trẻ ở nơi này như chính con ruột mình mà chăm bẵm chu đáo từ miếng ăn, giấc ngủ. Nhiều người thậm chí còn nói vui rằng, tôi dù chưa lấy vợ nhưng con đã có cả đàn.