Sau khi đổ bộ vào tỉnh Quảng Ninh, bão số 2 (Prapiroon) suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, gây gió mạnh 60km/h (cấp 7) và mưa to ở 9 tỉnh thành.

Sáng 23/7, đại diện Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, bão số 2 (Prapiroon) đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Hồi 7h cùng ngày, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 21,3 độ Vĩ Bắc; 107,6 độ Kinh Đông, trên vùng ven biển Quảng Ninh – Hải Phòng. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50 – 61km/h), giật cấp 9, di chuyển chậm theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 5 – 10km/h.

Dự báo, đến 19h cùng ngày, vị trí ở 21,6 độ Vĩ Bắc, 106,4 độ Kinh Đông, trên khu vực Đông Bắc Bắc Bộ.Ảnh màn hình 2024 07 23 lúc 09.06.59.pngBão số 2 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới sáng 23/7. Ảnh: Hệ thống giám sát thiên tai Việt Nam
Lượng mưa đo được từ 19h ngày 21/7 đến 7h ngày 23/7 tại khu vực Quảng Ninh – Hải Phòng  từ 50-100mm. Trong đó, tại  Cát Bà (Hải Phòng) 276mm, Cát Hải (Hải Phòng) 128mm, Cẩm Phả (Quảng Ninh) 150mm, Lòng Dinh (Quảng Ninh) 147mm, Than Hòn Gai (Quảng Ninh) 145mm, Phong Cốc (Quảng Ninh) 143mm.

Cũng theo Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, dự báo từ sáng 23-24/7, Đông Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to và giông, cục bộ có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 100-200mm, cục bộ có nơi trên 300mm; Tây Bắc Bộ và Thanh Hóa mưa phổ biến từ 50-100mm, cục bộ có nơi trên 200mm.

Chiều và đêm 23/7, từ Nghệ An đến Quảng Trị, Tây Nguyên và Nam Bộ cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa từ 15-30mm, có nơi trên 70mm.

Cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp, đô thị. Trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét, mưa đá: cấp 1.452369609_894206032753578_3474329109131679024_n.jpgMưa lớn làm một số tuyến đường ở Quảng Ninh bị ngập úng. Ảnh: Fanpage Quảng Ninh 24h
Đại diện Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai cho biết, bão số 2 đã làm 1 tàu xi măng dưới 15m, 1 xuồng cao tốc nhỏ bị chìm tại nơi neo đậu trên đảo Cô Tô (Quảng Ninh).

Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai và các địa phương tiếp tục kiểm tra, đảm bảo an toàn cho tàu thuyền neo đậu tại bến, thực hiện nghiêm lệnh cấm biển từ Quảng Ninh – Ninh Bình. Không để người quay lại trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thuỷ sản khi chưa có bản tin cuối cùng về cơn bão; đảm bảo an toàn cho du khách còn lưu trú trên các đảo.

Đối với vùng đồng bằng, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn trọng điểm đê biển xung yếu hoặc đang thi công. Kiểm tra hệ thống thoát nước, sẵn sàng tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp, khu vực trũng thấp, khu đô thị và khu công nghiệp.

Đối với miền núi phía Bắc, triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra. Tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; bố trí lực lượng, chuẩn bị vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố thông tuyến giao thông.